VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Việt Nam đánh thuế chống lẩn tránh lên đường nhập khẩu từ 5 nước ASEAN

Việt Nam đánh thuế chống lẩn tránh lên đường nhập khẩu từ 5 nước ASEAN

10:51 - 03/08/2022

Bộ Công Thương kết luận đường nhập khẩu từ Indonesia, Malaysia, Campuchia, Lào và Myanmar có xuất xứ từ Thái Lan, và áp mức thuế tương tự như đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan.

Bộ Công Thương thông báo sẽ áp thuế chống lẩn tránh 47,64% đối với đường sản xuất bằng nguyên liệu của Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam thông qua 5 nước ASEAN là Indonesia, Malaysia, Campuchia, Lào và Myanmar.

Đường nhập khẩu từ Thái Lan đã phải chịu mức thuế 47,64% từ ngày 16/6/2021.

Đường nhập khẩu từ Thái Lan đã phải chịu mức thuế 47,64% từ ngày 16/6/2021.

Quyết định này được đưa ra sau khi Bộ Công Thương công bố dự thảo kết luận cuối cùng về kết quả điều tra việc lẩn tránh thuế thuế đường vào ngày 14/7, trong đó khẳng định đường có xuất xứ Thái Lan trốn thuế nhập khẩu và vào thị trường nội địa bằng đường tái xuất thông qua 5 nước Đông Nam Á khác.

Bộ cho biết đường nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar sử dụng nguyên liệu đường của Thái Lan sẽ bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tương tự như đối với đường nhập từ Thái Lan. Hiện tại, mức thuế 47,64% đối với đường mía nhập khẩu có xuất xứ từ Thái Lan đang có hiệu lực kể từ ngày 16/6/2021.

Theo đó, 5 quốc gia này sẽ phải chịu mức thuế tổng cộng là 47,64%, bao gồm thuế chống bán phá giá 42,99% và thuế chống trợ cấp 4,65%. Thuế này sẽ được áp dụng từ ngày 9/8/2022 đến ngày 15/6/2026.

Tuy nhiên, thuế chống lẩn tránh sẽ không được áp dụng nếu các nhà xuất khẩu từ 5 quốc gia này có thể chứng minh rằng sản phẩm của họ được làm từ mía thu hoạch trong nước. Các sản phẩm này được phép nhập khẩu vào Việt Nam với mức thuế 5%.

Cho đến nay, đã có 6 công ty được miễn thuế chống lẩn tránh, bao gồm 3 công ty từ Lào, 2 công ty từ Myanmar và 1 công ty từ Indonesia.

“Tôi không nghĩ rằng sẽ có sự thay đổi lớn trong dòng chảy thương mại sau quyết định này. Các nhà sản xuất trong nước được miễn thuế này là những đơn vị chủ yếu thực hiện hoạt động tái xuất sang Việt Nam”, một nhà phân tích thương mại có trụ sở tại Singapore cho biết. “Khoảng 65% lượng đường Indonesia vào Việt Nam là của KTM (một công ty được miễn trừ)”.

Theo ước tính mới nhất của Platts Analytics, sản lượng đường nội địa hàng năm ở Myanmar và Indonesia lần lượt là khoảng 400.000 tấn và 2,2 triệu tấn, và 2 nước này vẫn có thể duy trì xuất khẩu đường sang Việt Nam. Myanmar và Indonesia đang thâm hụt đường nhưng nếu giá đường sản xuất trong nước xuất khẩu sang Việt Nam đủ cao hơn so với giá đường nhập khẩu từ Thái Lan, hoạt động xuất sang Việt Nam vẫn có lợi nhuận.

Tuy nhiên trong ngắn hạn, các nhà sản xuất Indonesia đã nhập khẩu đường thô theo giấy phép tái xuất dự kiến sẽ gặp khó khăn trong việc vận chuyển đường đến Việt Nam. Do đó, thuế chống lẩn tránh sẽ ảnh hưởng đến lượng đường nhập khẩu vào Indonesia cho các năm 2022 và 2023.