VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Việt Nam là nguồn cung hạt điều lớn nhất của Hà Lan

Việt Nam là nguồn cung hạt điều lớn nhất của Hà Lan

17:03 - 25/04/2025

Việt Nam chiếm 76,81% về lượng và 75,02% về trị giá trong tổng nhập khẩu hạt điều từ các thị trường ngoại khối của thị trường Hà Lan, trở thành nguồn cung hạt điều lớn nhất của thị trường này. Thông tin này không chỉ khẳng định chất lượng và uy tín của hạt điều Việt trên trường quốc tế mà còn mở ra những cơ hội hợp tác và phát triển mạnh mẽ hơn nữa giữa Việt Nam và một trong những trung tâm thương mại lớn của châu Âu.

Theo số liệu sơ bộ từ Cục Hải quan, trong 3 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang Hà Lan đã tăng trưởng mạnh cả về lượng lẫn giá trị.

Cụ thể, Việt Nam đã xuất khẩu gần 12.000 tấn hạt điều sang Hà Lan, đạt kim ngạch 85,5 triệu USD, tăng 16,7% về lượng và 49% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024.

Song song với đó, tỷ trọng xuất khẩu hạt điều sang Hà Lan cũng tăng đáng kể, từ 6,8% lên 9,8% trong tổng lượng xuất khẩu của quý 1/2025. Chủng loại hạt điều W320 tiếp tục là mặt hàng chủ lực, chiếm 84,1% tổng lượng xuất khẩu sang Hà Lan trong 2 tháng đầu năm 2025, đạt 6.073 tấn và trị giá 42,2 triệu USD, tăng lần lượt 23,4% và 49,1% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, các loại hạt điều khác như W240, WS-WB, và SP cũng ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng về giá trị xuất khẩu. Đặc biệt, giá xuất khẩu hạt điều SP đã tăng 122,3%, là mức tăng cao nhất trong các chủng loại.

Theo Bộ Công Thương, giá xuất khẩu trung bình sang Hà Lan trong 2 tháng đầu năm 2025 đạt 7.034 USD/tấn, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2024. Riêng tháng 1/2025, giá bình quân đạt 7.138 USD/tấn, tăng 18,1% so với tháng 1/2024.

Theo số liệu từ Trung tâm Thông tin công nghiệp & thương mại và Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Việt Nam đã vươn lên trở thành nhà cung cấp hạt điều chủ lực cho thị trường Hà Lan, chiếm tới 76,81% tổng lượng nhập khẩu và 75,02% tổng giá trị nhập khẩu hạt điều từ các nước ngoài khối EU của quốc gia châu Âu này.

Trong 3 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang Hà Lan đã tăng trưởng mạnh cả về lượng lẫn giá trị.

Giới chuyên gia nhận định sự tăng trưởng ấn tượng này chứng tỏ năng lực cạnh tranh của ngành điều Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trên nhiều phương diện. Đặc biệt, sản phẩm hạt điều Việt Nam ngày càng được cải thiện về chất lượng, đa dạng về mẫu mã và đáp ứng ngày càng tốt hơn các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường cao cấp như Hà Lan.

Thành công này cũng phản ánh xu hướng tiêu dùng thực phẩm lành mạnh đang phát triển mạnh mẽ tại châu Âu, nơi hạt điều được ưa chuộng không chỉ như một món ăn vặt bổ dưỡng mà còn là nguyên liệu quan trọng trong ngành công nghiệp thực phẩm chức năng và đồ ăn tốt cho sức khỏe. Sự gia tăng nhu cầu này mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành điều Việt Nam tiếp tục mở rộng thị phần tại thị trường đầy tiềm năng này.

Với 18 năm liên tiếp giữ vững vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu hạt điều hàng đầu thế giới, Việt Nam hiện đóng góp hơn 80% tổng sản lượng hạt điều xuất khẩu toàn cầu. Trong đó, Bình Phước nổi bật là “thủ phủ” điều của cả nước với diện tích trồng điều lên tới 152.000ha, chiếm gần 50% tổng diện tích trồng điều cả nước. Đáng chú ý, địa phương này hiện có tới 1.400 cơ sở chế biến hạt điều, tạo thành một chuỗi sản xuất khép kín từ khâu nguyên liệu đến chế biến xuất khẩu.

Theo các chuyên gia, triển vọng ngành điều trong thời gian tới rất khả quan khi nhu cầu tiêu thụ cả trong nước và quốc tế được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Nguyên nhân chính đến từ xu hướng tiêu dùng thực phẩm lành mạnh, dinh dưỡng đang gia tăng trên toàn cầu, trong đó hạt điều được đánh giá cao về giá trị dinh dưỡng và tiện lợi khi sử dụng.

Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) dự báo kim ngạch xuất khẩu hạt điều năm nay có thể đạt khoảng 4,5 tỷ USD, củng cố thêm vị thế dẫn đầu của Việt Nam trên thị trường hạt điều thế giới. Để tận dụng cơ hội này, ngành điều cần tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu.

https://doanhnghieptiepthi.vn/viet-nam-la-nguon-cung-hat-dieu-lon-nhat-cua-ha-lan-161250423201309657.htm