VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Việt Nam tăng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch để phát điện

Việt Nam tăng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch để phát điện

12:15 - 31/07/2024

Khối lượng nhập khẩu than, dầu thô, các sản phẩm từ dầu mỏ và khí hóa lỏng đều tăng trong 7 tháng đầu năm nay.

Kể từ đầu năm nay, Việt Nam đã tăng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, chủ yếu để cung cấp cho các nhà máy điện, nhằm xoa dịu lo ngại về tình trạng thiếu điện như đã xảy ra trong năm ngoái.

Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm nay, nước ta đã nhập khẩu 55,9 triệu tấn nhiên liệu hóa thạch, bao gồm than, dầu thô, các sản phẩm từ dầu mỏ và khí hóa lỏng, tăng 18,73% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, khối lượng nhập khẩu bao gồm 39,73 triệu tấn than, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm ngoái; 8,01 triệu tấn dầu thô, tăng 15,5%; 6,29 triệu tấn các sản phẩm từ dầu mỏ, tăng 2,7%; và 1,86 triệu tấn khí hóa lỏng, tăng 24,5%.

Nhập khẩu than 7 tháng tăng 34,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Báo Chính phủ

Nhập khẩu than 7 tháng tăng 34,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Báo Chính phủ

Tổng giá trị nhiên liệu nhập khẩu đạt 16,34 tỷ USD, tăng 8,41% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, 5,01 tỷ USD được chi cho nhập khẩu than, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước; 5,05 tỷ USD cho dầu thô, tăng 19,1%; 5,09 tỷ USD cho các sản phẩm từ dầu mỏ, tăng 4%; và 1,2 tỷ USD cho khí hóa lỏng, tăng 31,4%.

Giá trị nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch chiếm 7,67% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước trong giai đoạn 7 tháng.

Theo Tổng cục Hải quan, trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6, Indonesia là nhà cung cấp than lớn nhất của Việt Nam, với 14,34 triệu tấn, trị giá 4,79 tỷ USD; tiếp theo là Úc với 8,2 triệu tấn, trị giá 1,38 tỷ USD.

Nước ta cũng đã chi 3,73 tỷ USD để nhập khẩu 6,1 triệu tấn dầu thô từ Kuwait, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước về khối lượng.

Lượng nhiên liệu nhập khẩu này nhằm cung cấp năng lượng cho các nhà máy nhiệt điện trên khắp cả nước trong mùa khô cao điểm, khi các nhà máy thủy điện tích nước để phát điện về sau.

Mùa hè năm ngoái, Việt Nam phải chịu tình trạng thiếu điện ảnh hưởng đến người dân và các nhà máy chủ yếu ở miền Bắc, nơi có những nhà máy thủy điện lớn nhất toàn quốc.

Chính phủ đã nhiều lần tuyên bố sẽ không để tình trạng thiếu điện tái diễn trong mọi trường hợp.

Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) sắp hoàn thành xây dựng đường dây truyền tải 500 kV mới để đưa điện từ miền Trung ra miền Bắc, nơi có các nhà máy sản xuất lớn.

Việt Nam có một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong những năm gần đây, khi các doanh nghiệp quốc tế lập và mở rộng cơ sở sản xuất ở đây trong xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

Để đảm bảo đủ năng lượng giá rẻ cho ngành sản xuất đang phát triển nhanh, Việt Nam đang ưu tiên tăng phát điện bằng nhiên liệu hóa thách. Nhưng điều này làm khó cho mục tiêu dài hạn mà chính phủ đã cam kết là phát thải ròng bằng không vào năm 2050.