VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Với tiêu dùng thấp và đầu tư cao, kinh tế Trung Quốc là vấn đề cho cả thế giới

Với tiêu dùng thấp và đầu tư cao, kinh tế Trung Quốc là vấn đề cho cả thế giới

16:37 - 02/09/2024

Kinh tế Trung Quốc ngày càng tập trung vào xuất khẩu, gây xung đột với các nền kinh tế phát triển và đang phát triển trên toàn thế giới.

Trung Quốc có một nền kinh tế bất thường. Trong khi người tiêu dùng đóng góp 50% đến 75% GDP ở các nền kinh tế lớn khác, thì ở Trung Quốc, họ chỉ chiếm 40%. Đầu tư – bao gồm vào bất động sản, cơ sở hạ tầng và nhà máy – và xuất khẩu chiếm hầu hết phần còn lại.

Gần đây, mức tiêu dùng thấp đó đã trở thành lực cản đối với tăng trưởng của Trung Quốc vì đầu tư bất động sản – từng là thành phần chính của nhu cầu – đã sụp đổ.

Đây không chỉ là vấn đề của Trung Quốc mà còn là vấn đề của cả thế giới. Những gì các doanh nghiệp Trung Quốc không thể bán cho người tiêu dùng trong nước sẽ được mang đi xuất khẩu. Kết quả là thặng dư thương mại hàng hóa hàng năm của họ hiện lên tới gần 900 tỷ USD, tương đương 0,8% GDP toàn cầu. Thặng dư đó nghĩa là các nước khác phải chịu thâm hụt thương mại.

Những gì các doanh nghiệp Trung Quốc không thể bán cho người tiêu dùng trong nước sẽ được mang đi xuất khẩu.

Những gì các doanh nghiệp Trung Quốc không thể bán cho người tiêu dùng trong nước sẽ được mang đi xuất khẩu.

Thặng dư của Trung Quốc – từ lâu đã là vấn đề ở Mỹ – đang trở thành vấn đề ở các nơi khác. Trong khi cán cân thương mại 12 tháng của Trung Quốc với Mỹ tăng 49 tỷ USD kể từ năm 2019, thì con số này tăng 72 tỷ USD với Liên minh châu Âu, 74 tỷ USD với Nhật Bản và các nền kinh tế mới công nghiệp hóa của châu Á, và khoảng 240 tỷ USD với phần còn lại của thế giới, theo dữ liệu từ viện nghiên cứu CFR.

Logan Wright – trưởng bộ phận nghiên cứu Trung Quốc tại công ty Rhodium Group của Mỹ – cho biết Trung Quốc chỉ chiếm 13% tiêu dùng của thế giới nhưng lại chiếm 28% đầu tư. Ông cho biết lượng đầu tư như vậy chỉ thực hiện được nếu Trung Quốc chiếm lấy thị phần của các nước khác, khiến đầu tư sản xuất ở những nước này trở nên bất khả thi. “Mô hình tăng trưởng của Trung Quốc hiện phụ thuộc vào cách tiếp cận đối đầu nhiều hơn với phần còn lại của thế giới”, ông cho biết.

Trong khi nhiều nước đang phát triển dựa vào đầu tư và xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng lúc đầu, Trung Quốc là một trường hợp ngoại lệ vì mức tiêu thụ thấp và quy mô nền kinh tế của họ. Trong một báo cáo, Rhodium ước tính rằng nếu tỷ trọng tiêu dùng của Trung Quốc bằng với Liên minh châu Âu hoặc Nhật Bản, thì chi tiêu hộ gia đình hàng năm của nước này sẽ là 9 nghìn tỷ USD thay vì 6,7 nghìn tỷ USD. Chênh lệch 2,3 nghìn tỷ USD đó – gần bằng GDP của Ý – tương đương với lỗ hổng 2% trong nhu cầu toàn cầu.

Nguồn gốc của tình trạng tiêu dùng thấp này nằm sâu trong cả hệ thống tài chính của Trung Quốc cũng như các lựa chọn chính sách của nước này.

Thu nhập của người Trung Quốc rất bất bình đẳng và vì người giàu chi tiêu ít hơn theo tỷ lệ thu nhập so với người nghèo, điều này tự động làm giảm tiêu dùng. Rhodium trích dẫn dữ liệu cho thấy 10% hộ gia đình hàng đầu chiếm 69% tổng tiết kiệm, trong khi 1/3 hộ gia đình có tỷ lệ tiết kiệm âm.

Các nước khác giải quyết sự chênh lệch như vậy bằng cách đánh thuế người giàu nặng hơn và thúc đẩy sức mua của tầng lớp hạ lưu và trung lưu thông qua chuyển tiền mặt, y tế và giáo dục công. Trung Quốc thực hiện những biện pháp này ít hơn nhiều. Chỉ 8% doanh thu thuế đến từ thuế thu nhập cá nhân, so với 38% từ thuế giá trị gia tăng – sắc thuế mà các gia đình thu nhập thấp chịu nhiều hơn – theo ước tính của Rhodium.

Trung Quốc cũng chi ít hơn cho y tế và giáo dục so với các nền kinh tế thị trường lớn, buộc những gia đình nghèo và thu nhập trung bình phải chi nhiều hơn thu nhập khả dụng của họ cho cả hai.

Một số nước đang có hành động chống lại xuất khẩu của Trung Quốc, bao gồm sử dụng thuế quan.

Một số nước đang có hành động chống lại xuất khẩu của Trung Quốc, bao gồm sử dụng thuế quan.

Trong khi đó, tiền lương và lãi suất bị kìm hãm làm giảm thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình đồng thời thúc đẩy lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước. Vì các chính quyền địa phương ít có khả năng đánh thuế, họ buộc phải tăng doanh thu bằng cách bán bất động sản cho sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng, điều này thúc đẩy thêm đầu tư.

Một thập kỷ trước, giới hoạch định chính sách hàng đầu của Trung Quốc có chung quan điểm với các nhà kinh tế phương Tây rằng, ở cấp độ vĩ mô, Trung Quốc cần tái cân bằng từ đầu tư sang tiêu dùng. Năm 2013, Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết tăng trưởng từ nay sẽ phụ thuộc vào các lực thị trường và người tiêu dùng.

Chủ tịch Tập Cận Bình sau đó lại chọn đi theo hướng ngược lại: tiêu dùng vẫn yếu trong khi nhà nước tăng cường kiểm soát nền kinh tế. Ông đã thay thế những nhà cải cách bằng những người trung thành quan tâm đến các mục tiêu cụ thể trong từng lĩnh vực hơn là tăng trưởng tổng thể.

Nguyên tắc nền tảng đằng sau thương mại là lợi thế so sánh: các nước chuyên môn hóa những gì họ làm tốt nhất và sau đó xuất khẩu để đổi lấy hàng nhập khẩu. Ông Tập bác bỏ nguyên tắc này. Để theo đuổi “sự độc lập và tự chủ”, ông muốn Trung Quốc sản xuất càng nhiều càng tốt và nhập khẩu càng ít càng tốt.

Chủ tịch Tập Cận Bình ưu tiên sử dụng những người trung thành quan tâm đến các mục tiêu cụ thể trong từng lĩnh vực hơn là tăng trưởng tổng thể.

Chủ tịch Tập Cận Bình ưu tiên sử dụng những người trung thành quan tâm đến các mục tiêu cụ thể trong từng lĩnh vực hơn là tăng trưởng tổng thể.

Các quan chức ở Trung Quốc khoe rằng họ là “quốc gia duy nhất sản xuất trong mọi danh mục sản phẩm công nghiệp của Liên Hợp Quốc”, Andrew Batson của Gavekal Dragonomics lưu ý.

Ngay cả khi Trung Quốc nhắm vào các sản phẩm tiên tiến như xe điện và chất bán dẫn, họ vẫn từ chối bỏ thị phần trong các sản phẩm có giá trị thấp hơn: “Thiết lập cái mới trước khi phá vỡ cái cũ”, ông Tập chỉ thị các quan chức dưới quyền.

Do đó, Rhodium lập luận rằng “Trung Quốc có ít cơ hội trong vai trò là thị trường xuất khẩu cho các nước mới nổi, đồng thời cạnh tranh trực diện với họ trong không gian công nghệ thấp và công nghệ trung bình”.

Các nước từng coi Trung Quốc là khách hàng giờ đây coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh. “Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang sản xuất hàng hóa trung gian mà chúng tôi chủ yếu xuất khẩu”, Rhee Chang-yong, thống đốc Ngân hàng Hàn Quốc, cho biết vào năm ngoái. “Động lực hỗ trợ kéo dài hàng thập kỷ từ sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc đã biến mất”.

Bộ trưởng Tài chính Mexico Rogelio Ramírez de la O phàn nàn vào tháng trước: “Trung Quốc bán hàng cho chúng tôi nhưng không mua hàng từ chúng tôi và đó không phải là thương mại có đi có lại”.

Trung Quốc từ chối chấp nhận rằng tiêu dùng thấp là một vấn đề.

Trung Quốc từ chối chấp nhận rằng tiêu dùng thấp là một vấn đề.

Trớ trêu thay, các quan chức nước ngoài có xu hướng coi Mỹ là mối đe dọa lớn nhất đối với hệ thống thương mại thế giới kể từ khi Tổng thống Donald Trump áp đặt thuế quan cao đối với Trung Quốc năm 2018 và thuế quan hẹp hơn đối với các đối tác thương mại khác. Ông đã hứa sẽ mở rộng các thuế quan đó nếu đắc cử năm nay.

Tuy nhiên, thuế quan của Trump nên được coi là phản ứng trước việc Trung Quốc theo đuổi chính sách thương mại bóc lột trắng trợn, chính sách đã được chứng minh là không thể bị ảnh hưởng bởi các quy tắc thương mại hiện hành.

Tuy nhiên, không một quốc gia riêng lẻ nào có thể giải quyết được vấn đề này. Giống như một con đê làm chệch hướng lũ, thuế quan của Mỹ đã chuyển hướng xuất khẩu của Trung Quốc sang các thị trường khác.

Những thị trường khác đó đang bắt đầu hành động. Mexico, Chile, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ đều đã công bố hoặc cho biết đang xem xét thuế quan đối với Trung Quốc trong năm nay. Tuần này, Canada đã công bố mức thuế mới cao đối với xe điện, thép và nhôm của Trung Quốc, phù hợp với những mức thuế mà Mỹ đã công bố.

Tuy nhiên, cho đến nay, thế giới vẫn chưa có giải pháp thống nhất cho tình trạng tiêu dùng thấp của Trung Quốc, vì Trung Quốc từ chối chấp nhận rằng điều đó là một vấn đề.

Ông Tập chỉ trích hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình là “chủ nghĩa phúc lợi” gây ra sự lười biếng. Hồi tháng 4, khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen phàn nàn rằng “mức tiêu dùng hộ gia đình yếu và đầu tư quá nhiều của doanh nghiệp” Trung Quốc đe dọa đến việc làm tại Mỹ, Tân Hoa Xã gọi đó là cái cớ cho chủ nghĩa bảo hộ. Đầu tháng này, Bắc Kinh từ chối lời khuyên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế rằng họ nên chi 5,5% GDP trong 4 năm để mua lại nhà ở chưa hoàn thiện.

Khi Trung Quốc tiếp tục duy trì định hướng kinh tế, chắc chắn sẽ có nhiều xung đột hơn nữa xảy ra, và hệ thống thương mại thế giới vốn đã mong manh sẽ phải chịu nhiều áp lực đến điểm đổ vỡ.

Theo: https://www.wsj.com/economy/global/theres-a-china-shaped-hole-in-the-global-economy-c8a40f06