VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»WHO tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp Covid-19

WHO tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp Covid-19

07:24 - 07/05/2023

Động thái này báo hiệu một trong những đại dịch chết người và gây thiệt hại kinh tế lớn nhất trong lịch sử hiện đại đã trở thành một căn bệnh thông thường.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp Covid-19, báo hiệu một trong những đại dịch chết người và gây thiệt hại kinh tế lớn nhất trong lịch sử hiện đại đã trở thành một căn bệnh thông thường.

Covid-19 vẫn tồn tại, theo WHO, nhưng đại dịch có xu hướng giảm trong hơn một năm qua do người dân khắp thế giới đã hình thành khả năng miễn dịch với virus. Tỷ lệ tử vong giảm và áp lực ít hơn đối với các hệ thống y tế. Những xu hướng này cho phép hầu hết các nước quay trở lại cuộc sống trước đại dịch, ngay cả khi Covid-19 tiếp tục lây lan.

“Vì vậy, với hy vọng lớn, tôi tuyên bố Covid-19 chấm dứt với tư cách là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.

WHO cho biết sẽ làm việc với các nước để giúp chuẩn bị sẵn sàng cho các đại dịch trong tương lai.

WHO cho biết sẽ làm việc với các nước để giúp chuẩn bị sẵn sàng cho các đại dịch trong tương lai.

Ông Tedros nói rằng đây là thời điểm để ăn mừng và suy ngẫm. Ông cho biết thế giới đã hy sinh và xây các hệ thống và công nghệ mới để chống virus, nhưng việc thiếu phối hợp, công bằng và đoàn kết toàn cầu khiến các nguồn lực không được triển khai với tiềm năng tối đa.

Sử dụng một điều khoản trong Quy định Y tế Quốc tế chưa từng được dùng trước đây, ông Tedros cho biết sẽ thành lập một ủy ban để xây dựng hướng dẫn cho các nước nhằm kiểm soát Covid-19 trong dài hạn. Ông nói rằng virus vẫn là một mối đe dọa và vẫn còn nguy cơ xuất hiện các biến thể mới cũng như sự gia tăng số ca mắc và tử vong.

Việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp sẽ không làm thay đổi chính sách của các chính phủ cũng như quan điểm của công chúng, theo Lawrence Gostin – cựu chuyên gia tư vấn cho WHO. Nhưng nó đánh dấu một cột mốc đã được chờ đợi từ lâu, dấu hiệu lớn nhất cho thấy đại dịch đang bước sang một giai đoạn mới.

Một tỷ lệ lớn dân số thế giới đã mắc bệnh do loại virus được phát hiện lây lan ở Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019. Hơn 6,9 triệu người chết trên toàn cầu, theo WHO.

Đại dịch phá tan ảo tưởng rằng nhân loại có khả năng kiểm soát môi trường của mình. Nó tạo ra những thay đổi quan trọng, sâu sắc trong khoa học, chính trị và quan hệ quốc tế, cũng như bài học cho các hệ thống y tế công cộng toàn cầu. Các nhà nghiên cứu và quan chức y tế đã thiết lập năng lực giám sát dịch bệnh toàn cầu trong 3 năm qua, có thể được sử dụng để giám sát dịch bệnh trong tương lai, bao gồm giám sát nước thải và giải trình tự bộ gen.

Vaccine được phát triển với tốc độ nhanh chưa từng có. Mọi người có thể tự xét nghiệm Covid-19 tại nhà và quen thuộc hơn với các khái niệm khoa học như mRNA và xét nghiệm PCR.

Đại dịch cũng cũng cho thấy thế giới kém chuẩn bị trong việc ngăn chặn sự lây lan của bệnh truyền nhiễm đường hô hấp và bảo vệ người mắc bệnh. Công chúng đã mệt mỏi với các biện pháp y tế công cộng như khẩu trang. Các bệnh viện và cơ sở y tế mất nhân viên do làm việc quá tải.

Những khuyến cáo thay đổi liên tục của các cơ quan y tế và thông tin sai lệch lan truyền khiến “niềm tin của công chúng vào dữ liệu, khoa học và vaccine bị ảnh hưởng”, theo Jennifer Kates tại tổ chức phi lợi nhuận Kaiser Family Foundation. “Điều đó làm tăng nguy cơ khi xảy ra một đại dịch khác”.

WHO cho biết họ sẽ làm việc với các nước để giúp chuẩn bị sẵn sàng cho những đại dịch trong tương lai, bắt đầu với các loại virus đường hô hấp như cúm. Cơ quan có trụ sở tại Geneva cũng cập nhật hướng dẫn về Covid-19 để giúp các nước chuyển đổi từ chế độ khủng hoảng sang kiểm soát lâu dài.

Trong khoảng một năm qua, mức độ lây lan Covid-19 trên toàn cầu tương đối thấp, ngoại trừ làn sóng lớn tấn công Trung Quốc khi nước này từ bỏ chính sách “zero Covid”. Nhưng Covid-19 chưa phải là bệnh cố hữu, theo Katelyn Jetelina – một nhà dịch tễ học, có nghĩa là nó chưa rơi vào xu hướng dễ đoán hoặc ổn định.

Gần đây, một biến thể Covid-19 mới có tên XBB.1.16 khiến số ca mắc ở Ấn Độ gia tăng và đang lan rộng ra ít nhất 30 nước khác. WHO đã chỉ định XBB.1.16 có khả năng lây nhiễm cao là một “biến thể được quan tâm” vào tháng 4.

Covid-19 vẫn gây thiệt hại về sinh mạng. Hơn 17.000 ca tử vong được báo cáo trên toàn cầu trong tháng qua, theo WHO. Hầu hết những trường hợp này là người già hoặc mắc các bệnh làm suy yếu hệ thống miễn dịch.