VNReport»Kinh tế»WHO: Đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu

WHO: Đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu

17:04 - 24/07/2022

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, bất chấp sự phản đối của đa số thành viên ủy ban cố vấn cho WHO.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố rằng bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC), bất chấp sự phản đối của đa số các thành viên của ủy ban gồm các chuyên gia cố vấn cho WHO, khi số ca tử vong từ căn bệnh này hiện là 5 người.

Đây là lần đầu tiên WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19 vào tháng 1/2020. Trong một động thái bất thường, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đi ngược lại với quan điểm đa số của ủy ban tình trạng khẩn cấp khi đưa ra tuyên bố.

Hiếm khi được phát hiện ngoài châu Phi trước đó, nhưng trong năm nay, bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan cho hơn 16.000 người ở hàng chục quốc gia, chủ yếu là ở những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới. Không có ca tử vong nào được báo cáo bên ngoài châu Phi, nhưng 3 người đã chết ở Nigeria và 2 người ở Cộng hòa Trung Phi kể từ đầu năm. Các nhà dịch tễ học cho biết loại virus này – cần tiếp xúc gần để lây lan – có khả năng lan truyền nhiều nhất giữa những người đàn ông quan hệ tình dục đồng giới.

Ông Tedros cho biết 9 thành viên của ban cố vấn phản đối tuyên bố PHEIC, trong khi 6 người ủng hộ. Ủy ban không tổ chức một cuộc bỏ phiếu chính thức, nhưng các thành viên đã bày tỏ quan điểm của mình. Quyết định cuối cùng về tuyên bố PHEIC phụ thuộc vào tổng giám đốc.

Đây là lần đầu tiên WHO tuyên bố một dịch bệnh là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu kể từ Covid-19 đầu năm 2020.

Đây là lần đầu tiên WHO tuyên bố một dịch bệnh là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu kể từ Covid-19 đầu năm 2020.

Động thái này đóng vai trò như một lời kêu gọi các chính phủ đẩy mạnh những biện pháp ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, trên thực tế, WHO không có quyền bắt buộc các chính phủ làm như vậy. Tổng giám đốc của WHO cũng có thể đưa ra những khuyến nghị cho cộng đồng quốc tế, mặc dù chúng không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý.

Nhiều chính phủ đã thực hiện các bước để hạn chế sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ, chẳng hạn như cung cấp vaccine cho những người có nguy cơ tiếp xúc với virus cao nhất. Hành động hiện tại của các chính phủ là một trong những lý do được một số thành viên ủy ban đưa ra để lập luận rằng không cần thiết phải tuyên bố PHEIC.

WHO đưa ra những khuyến nghị khác nhau cho những nhóm quốc gia khác nhau. Đối với các nước đang trải qua đợt bùng phát dịch bệnh, những khuyến nghị bao gồm tuyên truyền đến và bảo vệ các cộng đồng bị ảnh hưởng, tăng cường giám sát y tế công cộng, đồng thời đẩy nhanh nghiên cứu về việc sử dụng vaccine, phương pháp điều trị và các công cụ khác.

Trước đó, WHO đã triệu tập ủy ban khẩn cấp vào tháng 6 nhưng cho biết đợt bùng phát tại thời điểm đó chưa phải là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Lúc đó, căn bệnh này ghi nhận 3.040 ca nhiễm ở 47 quốc gia.

Đối với một căn bệnh mới xuất hiện, điều bất thường là đã có vaccine và phương pháp điều trị. Đó là bởi vì một số chính phủ đầu tư vào việc phát triển các biện pháp chống lại sự tái phát của bệnh đậu mùa – một loại virus có liên quan nhưng nguy hiểm hơn nhiều.

Ở một số nơi, nhiều nhóm nam giới quan hệ tình dục đồng giới đang được cung cấp vaccine trong nỗ lực để làm chậm đà lây lan, mặc dù nguồn cung cấp vaccine cho đến nay bị hạn chế. Các cơ quan y tế công cộng cũng đang nỗ lực để nâng cao nhận thức của những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới về sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ.

Trong nhiều thập kỷ qua, căn bệnh này được phát hiện chủ yếu trong các khu rừng của lưu vực sông Congo ở Trung Phi giữa những người bị lây từ động vật hoang dã mà họ săn bắt, xử lý hoặc ăn thịt. Nhưng 5 năm trước, Nigeria trải qua đợt bùng phát ở một số khu vực thành thị và ngoại ô sau gần 40 năm không có ca bệnh nào. Mặc dù giới chức y tế công cộng của Nigeria ngăn chặn được đợt bùng phát đó, nước này ghi nhận vài chục ca nhiễm trong hầu hết các năm sau.

Giới nghiên cứu ở Cộng hòa Dân chủ Congo – nơi phải đối phó với bệnh đậu mùa khỉ trong nhiều thập kỷ – cho biết loại virus này hiện đang lây lan theo nhiều cách. Bệnh đậu mùa khỉ đang xuất hiện ở các vùng khác nhau của đất nước, không chỉ ở các khu vực rừng nhiệt đới thông thường.

WHO cũng đang thúc giục các nhà nghiên cứu điều tra những khía cạnh chưa được hiểu rõ về bệnh đậu mùa khỉ như liệu có khả năng mắc bệnh mà không biểu hiện triệu chứng hoặc liệu nó có thể lây lan theo những cách khác ngoài tiếp xúc gần hay không.

Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ cũng có vẻ đa dạng hơn so với những đợt bùng phát trước đó ở châu Phi. Bệnh đậu mùa khỉ kiểu cũ khởi phát với sốt và đau nhức, sau đó phát ban thường bắt đầu trên mặt. Trong đợt bùng phát hiện nay, các bác sĩ mô tả một số trường hợp phát ban xuất hiện trước khi sốt và một số ca mà phát ban tập trung ở khu vực bộ phận sinh dục.

WHO trước đây từng tuyên bố PHEIC 6 lần: cúm lợn H1N1 năm 2009, bệnh bại liệt năm 2014, Ebola năm 2014, Zika năm 2016, Ebola một lần nữa năm 2019 và Covid-19 năm 2020.