VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»WHO: Omicron là biến thể đáng lo ngại

WHO: Omicron là biến thể đáng lo ngại

09:26 - 27/11/2021

Biến thể Omicron, phát hiện lần đầu ở miền nam châu Phi, đã đến châu Âu và châu Á. Một số nước bắt đầu đưa ra các hạn chế đi lại mới.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hôm thứ Sáu rằng một biến thể Covid-19 mới lây lan nhanh, lần đầu tiên được phát hiện ở miền nam châu Phi, là một “biến thể đáng lo ngại” trên toàn cầu.

WHO cho biết cũng có bằng chứng sơ bộ cho thấy biến thể, mà họ đặt tên là Omicron (theo bảng chữ cái Hy Lạp), có khả năng lây truyền cao hơn so với biến thể Delta hiện đang thống trị trên toàn thế giới và các chủng virus khác. Các cơ quan y tế ở Bỉ, Israel, Hong Kong và Botswana cho biết đã phát hiện những trường hợp đầu tiên của biến thể này.

Các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu tác động chính xác của số lượng lớn đột biến trên biến thể này. Tuy nhiên, sự tiến hóa liên tục của virus tiếp tục gây ra nguy cơ đối với đà phục hồi của thế giới. Các hạn chế đi lại được áp đặt bởi nhiều quốc gia làm dấy lên lo ngại rằng sẽ có bước lùi trong việc mở cửa lại đời sống kinh tế và xã hội, kể cả ở những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao.

Thị trường chứng khoán toàn cầu bán tháo. Cổ phiếu ngành du lịch và khách sạn, cũng như hàng không và dầu khí, giảm đặc biệt mạnh khi có tin tức về các hạn chế đi lại mới. Mỹ và hàng chục nước ở châu Âu, châu Á và Trung Đông cấm đi lại với Nam Phi và một số nước lân cận, nhằm làm chậm tốc độ lây lan của biến chủng mới.

Hàng chục nước đã ra lệnh cấm đi lại với Nam Phi.

Hàng chục nước đã ra lệnh cấm đi lại với Nam Phi.

Omicron, hay B.1.1.529, là nguyên nhân số ca Covid-19 ở Nam Phi tăng mạnh trong 2 tuần qua. Bộ trưởng Y tế của đất nước, Joe Phaahla, nói rằng các hạn chế đi lại là không hợp lý và Nam Phi không nên bị trừng phạt vì đã cảnh báo thế giới về một chủng virus nguy hiểm hơn.

Ông nói rằng cho đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy Omicron dẫn đến bệnh nặng hơn so với các biến thể khác và các vaccine hiện tại vẫn có thể bảo vệ mọi người khỏi bệnh nặng và tử vong.

WHO không đề cập đến khả năng tác động của biến thể lên hiệu quả của vaccine Covid-19. Omicron có hơn 50 đột biến so với virus corona lần đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, vào năm 2019. Hơn 30 đột biến trong số đó nằm trong protein gai, cơ chế virus gắn vào tế bào người và là mục tiêu chính của các vaccine Covid-19 hiện tại.

Một số nhà sản xuất vaccine cho biết họ đang nghiên cứu xem biến thể này ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả của các mũi tiêm. Công ty BioNTech của Đức, phát triển một trong những loại vaccine Covid-19 phổ biến nhất với Pfizer, cho biết sẽ mất khoảng 2 tuần để xác định xem liệu biến thể mới có làm giảm hiệu quả vaccine của công ty hay không.

Dữ liệu từ Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm của Nam Phi cho thấy Omicron trong 2 tuần qua đã nhanh chóng loại bỏ biến thể Delta. Nó hiện chiếm khoảng 90% các ca nhiễm bệnh ở tỉnh đông dân nhất của đất nước.

Trong cùng thời gian đó, số ca nhiễm Covid-19 mới hàng ngày ở đất nước 60 triệu dân tăng lên từ khoảng 300 ca hơn 2 tuần trước lên 2,828 ca vào thứ Sáu. Mặc dù con số này thấp hơn nhiều so với nhiều nước châu Âu hiện tại, các nhà khoa học và Bộ Y tế Nam Phi cho biết họ rất lo lắng trước sự lây lan nhanh chóng của biến thể mới cũng như số lượng đột biến cao của nó.

Hầu hết các biến thể nổi bật khác chỉ có thể xác định thông qua giải trình tự bộ gen tốn kém thời gian và chi phí. Nhưng sự hiện diện của B.1.1.529 có thể được xác định qua xét nghiệm PCR thông thường. Điều đó làm cho Omicron dễ theo dõi hơn và là một trong những lý do tại sao các nhà khoa học Nam Phi có thể nhanh chóng nhận ra sự lây lan của nó.