VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Xuất khẩu của Trung Quốc giảm tốc

Xuất khẩu của Trung Quốc giảm tốc

09:56 - 08/09/2022

Xuất khẩu – một trụ cột quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc – giảm tốc vào tháng 8 do nhu cầu ở các thị trường chính giảm vì lạm phát và nguy cơ suy thoái.

Sự bùng nổ về xuất khẩu – từng thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc vượt qua đại dịch ­ – giảm tốc vào tháng 8, phản ánh tác động từ lạm phát cao và tăng trưởng chậm lại ở những nơi khác trên thế giới.

Xuất khẩu chậm lại có nguy cơ làm suy yếu một trụ cột đã giữ vững tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong khi những đợt phong tỏa Covid-19 mới ở các thành phố lớn tiếp tục kìm hãm chi tiêu trong nước và nền kinh tế thế giới tiến gần hơn đến suy thoái.

Tháng trước, giá trị xuất khẩu của Trung Quốc tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2021 lên 314,9 tỷ USD, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 4, theo Tổng cục Hải quan nước này. Kết quả đó thấp hơn mức dự báo trung bình 12,5% của các nhà kinh tế được The Wall Street Journal thăm dò ý kiến ​​và giảm tốc từ mức tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái của tháng 7.

Xuất khẩu chậm lại phần nào phản ánh sự gián đoạn trong sản xuất ở các nhà máy do tình trạng thiếu điện tạm thời, khi đợt nắng nóng và hạn hán nghiêm trọng quét qua miền trung Trung Quốc vào tháng trước. Các nhà kinh tế cho rằng điều đó chỉ gây ra tác động trong ngắn hạn. Tuy nhiên, những vụ bùng phát Covid-19 gần đây đe dọa làm gián đoạn hoạt động sản xuất ở nhiều thành phố hơn, khi chính quyền tăng cường những hạn chế trước cuộc họp của Đảng Cộng sản vào tháng 10. Khi đó, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình dự kiến ​​sẽ phá vỡ tiền lệ gần đây và có nhiệm kỳ thứ 3.

Những đợt phong tỏa Covid-19 gần đây ở Trung Quốc đe dọa làm gián đoạn ngành sản xuất hơn nữa.

Những đợt phong tỏa Covid-19 gần đây ở Trung Quốc đe dọa làm gián đoạn ngành sản xuất hơn nữa.

Các nền kinh tế khác trong khu vực cũng đang có dấu hiệu suy yếu về xuất khẩu. Hôm thứ Tư, Đài Loan báo cáo rằng tăng trưởng xuất khẩu chậm lại về mức thấp nhất trong hơn 2 năm, giảm xuống 2% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái từ mức 14,2% trong tháng 7. Sự giảm tốc dẫn đầu bởi mức giảm 9,9% trong xuất khẩu sang Trung Quốc, báo hiệu nhu cầu yếu.

Xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc giảm trong 3 tháng liên tiếp, giảm 5,4% trong tháng 8 so với một năm trước đó, góp phần vào thâm hụt thương mại cao kỷ lục là 9,47 tỷ USD. Xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc thu hẹp vào tháng 8 lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020 do nhu cầu tiêu dùng yếu cùng các yếu tố khác.

Một loạt dữ liệu xuất khẩu suy yếu ở các nền kinh tế lớn tại châu Á được đưa ra khi hoạt động kinh doanh trên thế giới lần đầu tiên đi xuống trong hơn 2 năm, cho thấy nhu cầu toàn cầu giảm trong bối cảnh hậu quả kinh tế từ chiến tranh Ukraine và việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để chống lạm phát.

Sản lượng kinh tế toàn cầu giảm trong tháng 8 lần đầu tiên kể từ tháng 6/2020, theo khảo sát chỉ số quản lý mua hàng (PMI) do S&P Global tổng hợp. Chỉ số PMI chung – đo cả các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ – giảm xuống 49,3 trong tháng trước, giảm từ 50,8 trong tháng 7 (Con số dưới 50 thể hiện sự thu hẹp). S&P Global lưu ý rằng nếu không tính đến các tháng bị phong tỏa, thì số liệu tháng 8 vừa qua là thấp nhất kể từ tháng 6/2009, khi thế giới bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Xuất khẩu của Trung Quốc đến những đối tác thương mại lớn nhất đã tăng chậm lại hoặc thậm chí giảm. Xuất khẩu sang Liên minh châu Âu tăng 11,1% trong tháng 8 so với một năm trước, giảm so với mức tăng 23,1% trong tháng 7. Xuất khẩu sang Mỹ giảm 3,8% trong tháng 8, đảo ngược so với mức tăng 11% của tháng trước.

Trong nhiều tháng qua, nhiều nhà kinh tế đã dự đoán rằng sự bùng nổ xuất khẩu của Trung Quốc sẽ chậm lại khi người tiêu dùng phương Tây cắt giảm chi tiêu cho hàng hóa trong bối cảnh lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Chi phí năng lượng tăng cao ở châu Âu có thể sẽ khiến nhiều hộ gia đình tiết kiệm hơn để trả hóa đơn khí đốt trong mùa đông này, làm giảm nhu cầu của họ đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc trong những tháng tới, theo Iris Pang – nhà kinh tế trưởng về Đại Trung Quốc tại ING. “Chúng tôi không mấy lạc quan về nhu cầu toàn cầu vào năm 2023, khi tác động từ việc tăng lãi suất lên nền kinh tế thực tế sẽ trở nên rõ ràng hơn”, bà nói.

Trong khi đó, thặng dư thương mại tổng thể của Bắc Kinh thu hẹp lần đầu tiên kể từ tháng 2, giảm xuống còn 79,39 tỷ USD vào tháng 8, so với mức kỷ lục 101,26 tỷ USD vào tháng 7. Các nhà kinh tế cảnh báo dữ liệu thặng dư thương mại phản ánh nhiều hơn về nhu cầu tiếp tục yếu trong nền kinh tế Trung Quốc, bị đè nặng bởi chiến lược zero Covid và suy thoái thị trường bất động sản kéo dài.

Nhập khẩu của Trung Quốc suy yếu hơn nữa trong tháng 8, chỉ ra nhu cầu đáng thất vọng trong nước.

Nhập khẩu của Trung Quốc suy yếu hơn nữa trong tháng 8, chỉ ra nhu cầu đáng thất vọng trong nước.

Nhập khẩu của Trung Quốc suy yếu hơn nữa trong tháng 8, chỉ ra nhu cầu đáng thất vọng trong nước, vì niềm tin của người tiêu dùng vẫn còn yếu trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng lên mức cao kỷ lục.

Nhập khẩu của Trung Quốc chỉ tăng 0,3% so với một năm trước đó lên 235,5 tỷ USD, giảm so với mức tăng 2,3% trong tháng 7. Chỉ số này yếu nhất kể từ tháng 4, khi các hoạt động ở cảng và nhà máy phải tạm dừng do phong tỏa Thượng Hải và những thành phố khác.

Số ca Covid ở Trung Quốc bắt đầu gia tăng vào đầu tháng 8, dẫn đến việc phong tỏa ở một số thành phố, đe dọa làm suy giảm hơn nữa hoạt động sản xuất và niềm tin của người tiêu dùng. Tính đến thứ Ba, 49 thành phố đang bị phong tỏa hoặc thực hiện những biện pháp kiểm soát khác, chiếm khoảng 1/4 GDP của Trung Quốc và ảnh hưởng đến 1/5 tổng dân số Trung Quốc, các nhà kinh tế từ Nomura ước tính. Do đó, họ hạ dự báo tăng trưởng cả năm của Trung Quốc từ 2,8% xuống 2,7%.

Zhiwei Zhang – nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management – viết trong một lưu ý cho khách hàng rằng: “Trung Quốc cần dựa nhiều hơn vào nhu cầu trong nước hơn là xuất khẩu”. Ông nói thêm rằng thách thức chính đối với Bắc Kinh là cân bằng nhu cầu phục hồi các hoạt động kinh tế và ngăn chặn sự bùng phát của Covid.

“Trung Quốc đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan”, ông cho biết.