VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Xuất khẩu gỗ đối mặt nhiều nỗi lo

Xuất khẩu gỗ đối mặt nhiều nỗi lo

18:26 - 20/12/2021

Liên tục ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc và là ngành hàng xuất khẩu chủ lực song ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới.

Theo số liệu mới nhất từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản 11 tháng năm 2021 đạt 14,27 tỷ USD, tăng tới 21% so với năm 2020. Ước giá trị xuất khẩu cả năm 2021 đạt 15,6 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2020 và vượt kế hoạch đặt ra (14 tỷ USD). Giá trị xuất siêu ngành cao, ước đạt 12,6 tỷ USD, tăng 18,4% so với năm 2020.

Tính chung 11 tháng năm 2021, hầu hết gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới các thị trường chính đều trong tăng mạnh. Cụ thể tại thị trường Trung Quốc tăng 23,7%; Hoa Kỳ tăng 21,4%; EU tăng 14,4 %; Nhật Bản tăng 6,7%; Hàn Quốc tăng 5,7%. Trong đó, nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ trở thành động lực tăng trưởng của toàn ngành với trị giá xuất khẩu chiếm 67,6% trong 11 tháng năm 2021, đạt 8,2 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Ngoài ra, trong 11 tháng năm 2021, các mặt hàng như gỗ, ván và ván sàn, dăm gỗ cửa gỗ, khung gương xuất khẩu đều có tốc độ tăng trưởng cao, chỉ có mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ có trị giá giảm.

Xuất khẩu gỗ đã đạt được những thành tích vượt bậc trong năm 2021

Đây là những con số tăng trưởng ấn tượng bởi chỉ cách ít tháng trước đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành gỗ  đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, chưa tìm ra lối thoát, nhất là trong các tháng 7,8,9 khi dịch bùng phát trên diện rộng tại các tỉnh phía Nam, lệnh giãn cách xã hội được thực hiện gây ảnh hưởng lớn tới sản xuất của ngành.

Đạt được kết quả ngoạn mục nhưng theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ còn chiếm tỷ trọng nhỏ, trong khi đó, quy mô thị trường đồ nội thất bằng gỗ toàn cầu rất lớn và được dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, dù đã vượt sóng Covid -19 và về đích thành công trong năm 2021, tuy nhiên ngành gỗ Việt vẫn phải đối mặt nhiều vấn đề đáng lo. Ngoài việc kim ngạch xuất khẩu gỗ gia tăng nhanh chóng sẽ đối diện với việc nhiều quốc gia xem xét áp thuế bán phá giá và chống trợ cấp đối với mặt hàng này thì hiện tượng gỗ Trung Quốc đội lốt gỗ Việt để lách vào thị trường Mỹ cũng đặt ra thách thức lớn.

Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, trong 2 năm trở lại đây, khi Mỹ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Trung Quốc, với mức thuế từ 55% đến gần 200% đối với một số mặt hàng như gỗ dán, tủ bếp, tủ nhà tắm, sofa gỗ… thì một số doanh nghiệp Trung Quốc đã tìm cách lẩn tránh mức thuế này, trong đó Việt Nam là một trong những lựa chọn hàng đầu được nhắm đến.

Mặt khác, để bảo vệ sản xuất trong nước, Mỹ cũng tạo ra rất nhiều rào cản đối với các nhà cung cấp, trong đó có Việt Nam. Mới đây, theo thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại nhận được từ Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh nghĩa vụ nộp thuế phòng vệ thương mại và áp dụng biện pháp tạm thời đối với sản phẩm tủ gỗ nội thất nhập khẩu từ một số công ty của Việt Nam.

Bước sang năm 2022, ngành chế biến gỗ và lâm sản của Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Tuy nhiên, với mục tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu năm tới đang được đề ra từ 16,5 tỷ USD trở lên (tăng 5,7% so với năm 2021) là mốc thử sức mới đòi hỏi ngành chế biến và xuất khẩu gỗ, lâm sản cần tiếp tục nỗ lực vươn lên, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn còn hiện hữu và sẽ tiếp tục có những tác động lên hoạt động sản xuất, xuất khẩu của ngành.