VNReport»Kinh tế»Xuất khẩu nông lâm thủy sản giữ đà tăng trưởng cao

Xuất khẩu nông lâm thủy sản giữ đà tăng trưởng cao

15:57 - 06/09/2022

Giữ vững đà tăng trưởng này, mục tiêu 55 tỷ USD xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm 2022 hoàn toàn khả thi.

Duy trì đà tăng trưởng

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản trong 8 tháng của năm 2022 ước đạt khoảng 66,2 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt khoảng 36,3 tỷ USD, tăng 13,1%; nhập khẩu ước đạt khoảng 29,9 tỷ USD, tăng 3,9%; xuất siêu trên 6,3 tỉ USD, tăng 94,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Kết quả này có được do nỗ lực của các ban ngành cũng như doanh nghiệp xuất khẩu trong việc mở rộng thêm thị trường xuất khẩu chính ngạch mới (Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Brazil)  và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng (Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Australia, New Zealand, Trung Đông).

Cà phê là mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất

Đáng chú ý, chuỗi cung ứng thủy sản an toàn tiếp tục duy trì đã đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu; số sản phẩm xuất khẩu gia tăng; doanh nghiệp được phép xuất khẩu sang các thị trường, trong đó có những thị trường yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm. Do đó, kết quả xuất khẩu tháng 8 và 8 tháng năm 2022 đạt được tốc độ tăng trưởng cao. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính gần 15 tỷ USD, tăng 7,4%; lâm sản chính trên 11,8 tỷ USD, tăng 6,2%; thủy sản trên 7,5 tỷ USD, tăng 35,3%; chăn nuôi 258,6 triệu USD, giảm 12,2%; đầu vào sản xuất gần 1,7 tỷ USD, tăng 48,2%.

7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD gồm: Cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ. Trong đó, cà phê trên 2,8 tỷ USD (tăng 40,3%); cao su trên 2,0 tỷ USD (tăng 8,1%); gạo trên 2,3 tỷ USD (tăng 8,1%); hồ tiêu khoảng 712 triệu USD (tăng 8,2%); sắn và sản phẩm sắn 941 triệu USD (tăng 22,5%), cá tra trên 1,7 tỷ USD (tăng 82,6%), tôm gần 3 tỷ USD (tăng 22%), gỗ và sản phẩm gỗ trên 11 tỷ USD (tăng 6,5%)…

Về thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 8 tháng năm 2022, khu vực châu Á chiếm 43,1% thị phần, châu Mỹ chiếm 28,9%, châu Âu chiếm 11,8%, châu Đại Dương chiếm 1,7% và châu Phi là 1,6%. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông lâm thủy sản Việt Nam, đạt gần 9,6 tỷ USD (chiếm 26,4% thị phần). Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc khoảng 6,5 tỷ USD (chiếm 17,8% thị phần). Ở vị trí thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 2,7 tỷ USD (chiếm 7,4%) và thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,7 tỷ USD (chiếm 4,7%).

Xuất khẩu thủy sản vẫn canh cánh nỗi lo

Mặc dù xuất khẩu nông lâm thủy sản đã đạt được những kết quả tích cực, song với riêng ngành thủy sản, khó khăn vẫn đang bủa vây. Những tháng cuối năm được coi là “mùa vàng” của các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam. Bởi vào thời điểm này, sức tiêu thụ thuỷ sản tại các thị trường đều tăng mạnh để phục vụ nhu cầu mùa lễ hội, kỳ nghỉ Giáng sinh và Tết.

Song ở các thị trường xuất khẩu lớn, thuỷ sản Việt Nam đều đang gặp khó. Cụ thể, tại thị trường Trung Quốc, mặc dù thị trường này đã mở cửa trở lại và nới lỏng các quy định liên quan đến Covid-19 tại các cảng biển nhưng quy định về hàng nhập khẩu đông lạnh vẫn rất khắt khe, tạo ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Tại các thị trường Mỹ, EU, Anh… lạm phát và đồng USD tăng giá đang đè nặng lên khả năng tiêu thụ thủy sản tại các thị trường này. Cùng với đó, lượng hàng tồn kho vẫn cao do người dân thắt chặt chi tiêu khiến nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh.

Trong bối cảnh ngày càng khó khăn, theo ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, các doanh nghiệp cần phải thay đổi theo nhu cầu người tiêu dùng và xu hướng thị trường. Sản phẩm giá trị gia tăng được xem là giải pháp giúp các doanh nghiệp giữ vững thị trường trong khi các sản phẩm khác đang khó tiêu thụ và cạnh tranh. Tuy nhiên, việc thay đổi sản phẩm phải đi đôi với chất lượng. Do đó, doanh nghiệp cần phải nắm bắt rõ các cái tình hình về vấn đề, cái diễn biến về tình hình kinh tế, tiết giảm chi phí cũng như củng cố cái chất lượng và chuỗi cung ứng.

Tôm là mặt hàng xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn nhất

Chung nhận định, ông Lê Văn Quang – Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn thủy sản Minh Phú Đơn cho hay, với mặt hàng tôm xuât khẩu, dự báo trong những năm tới đây, các nước đối thủ ngành tôm như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia sẽ đầu tư máy móc công nghệ để đi vào chế biến sâu sản phẩm tôm. Có thể chỉ 5 – 10 năm nữa Việt Nam sẽ mất vị thế dẫn đầu trong chế biến tôm. Để tránh sớm bị vượt mặt trong lĩnh vực này, Việt Nam cần đầu tư ngược lại vào khâu nuôi để giảm giá thành, duy trì sức cạnh tranh cao trên thị trường

Mặc dù vẫn còn những khó khăn về nguyên liệu, tỷ giá, lạm phát khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nửa cuối năm không thể duy trì được tăng trưởng cao như nửa đầu năm, nhưng theo bà Lê Hằng – Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), vẫn có thể lạc quan vào con số xuất khẩu thủy sản trên 10 tỷ USD cho cả năm 2022 khi mà trong 7 tháng năm 2022, chúng ta đã xuất khẩu được gần 6,7 tỷ USD.