VNReport»Kinh tế»Xuất khẩu thủy sản giảm tốc

Xuất khẩu thủy sản giảm tốc

16:02 - 16/08/2022

Tác động từ giá nguyên liệu đầu vào tăng cao cộng với biến động tỷ giá trên thị trường thế giới đang khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn.

Gian nan những tháng cuối năm

Trong 2 năm qua, thủy sản Việt Nam duy trì được năng lực cạnh tranh, nằm trong top 3 sau Trung Quốc và Na Uy về xuất khẩu thủy sản trên thế giới. Năm nay, lần đầu tiên sau 20 năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 7 tháng đạt kỷ lục 6,7 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo năm 2022, xuất khẩu thủy sản vượt mốc trên 10 tỷ USD, tăng hơn 12% so với năm ngoái. Trong đó, giá trị xuất khẩu cá tra và tôm chiếm 65% và sản phẩm hải sản khai thác từ biển chiếm 35% tổng xuất khẩu.

Tuy nhiên, sau khi tăng nóng từ 39-62% trong 4 tháng đầu năm nay, từ tháng 5, xuất khẩu thuỷ sản đã có dấu hiệu hạ nhiệt, tăng trưởng chậm lại. Theo đó, giá trị xuất khẩu tăng 34% trong tháng 5 và tăng 18% trong tháng 6. Sang tháng 7, giá trị xuất khẩu thuỷ sản tiếp tục chững lại đạt 970 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước và giảm 4% so với tháng 6. Trong nửa đầu tháng 8, tác động từ giá nguyên liệu đầu vào tăng cao cộng với biến động tỷ giá trên thị trường thế giới đã khiến cho xuất khẩu thủy sản gặp không ít khó khăn. Nhiều doanh nghiệp cho biết đối tác vừa thông báo ngừng tạm ký đơn hàng mới đến tháng 10.

Xuất khẩu thủy sản đối mặt với nhiều thách thức những tháng cuối năm

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngành thủy sản đang phải chịu tác động từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng quốc tế, lạm phát tăng cao giảm sức mua. Bên cạnh đó, hàng thủy sản đang bị giảm sức cạnh tranh do giá thành phẩm tăng theo chi phí đầu vào, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi thủy sản.

Thực tế, lạm phát đang khiến người dân các nước châu Âu, Hoa Kỳ giảm tiêu dùng. Trong khi đó, các thị trường như EU lượng hàng tồn kho vẫn còn cao do người dân thắt chặt chi tiêu khiến nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh. Mặt khác, dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát ở nhiều nơi trên thế giới nên các nhà nhập khẩu không vội ký hợp đồng dồn dập như giai đoạn cuối năm 2021 đầu năm 2022.

Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu thủy sản trong nước đang có dấu hiệu sụt giảm về các tháng cuối năm trong khi chi phí sản xuất tăng cao. Trung bình hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng khoảng 20%. Chi phí vận tải biển và nhân công cũng liên tục tăng trong 2 năm qua và vẫn đang giữ ở mức cao khiến cho giá thành sản phẩm tăng và nguy cơ sẽ giảm khả năng cạnh tranh. Chính vì vậy, xuất khẩu thủy sản được dự báo sẽ gian nan trong 5 tháng cuối năm 2022.

Cần trợ lực từ Chính phủ

Theo Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tín dụng đang siết lại từ đầu tháng 8 vừa qua, trong khi nhiều nhà nhập khẩu cho biết không nhận đơn hàng từ nay đến tháng 10. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp sẽ tồn kho, không có tiền để trả ngay cho ngân hàng để vay khoản vay mới, dẫn đến không thu mua được cá, tôm của nông dân.

Do vậy, VASEP kiến nghị Thủ tướng, các bộ ngành quan tâm có biện pháp hỗ trợ, chỉ đạo tháo gỡ giảm chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp thủy sản cũng như giãn nợ cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản và cho vay các khoản vay mới. Ngoài ra, ông Nam cho biết thêm hiện ngành thủy sản có hai khâu quan trọng nhất là chăn nuôi và chế biến thì đều bị ách tắc bởi các quy chuẩn về môi trường và rất nhiều chỉ tiêu không phù hợp. Vì vậy, Hiệp hội rất mong Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét có quy chuẩn riêng đối với ngành thủy sản.

Trong công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, VASEP cho biết nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng chiếm 70% nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu và các doanh nghiệp đều có nhu cầu mở rộng vùng nuôi tập trung. Do đó, cần đẩy nhanh việc sửa Luật Đất đai, trong đó đặc biệt quan tâm tới vấn đề tích tụ, tập trung ruộng đất, quy hoạch sử dụng để ngành thủy sản phát triển được các vùng nuôi tập trung phù hợp. Cùng với đó, có chính sách để phát triển và mở rộng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.

Trên cơ sở Chiến lược phát triển thủy sản đến 2030, VASEP cũng đề nghị Chính phủ ban hành quy định và chính sách khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để sản xuất xuất khẩu, gia công xuất khẩu, cởi mở hơn về thủ tục nhập khẩu. Điều này sẽ giúp Việt Nam tận dụng lợi thế về năng lực chế biến hiện đại, nâng cao tay nghề công nhân, đạt được mục tiêu trở thành công xưởng lớn của thủy sản thế giới. Hiện, các thủ tục chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản khai thác còn nhiều bất cập, do đó cần tháo gỡ nhanh vấn đề này cho doanh nghiệp.

Đến thời điểm này Việt Nam vẫn chưa gỡ được thẻ vàng IUU trong khi EU là thị trường lớn của ngành. Do đó, VASEP đề nghị Nhà nước cần có chính sách đầu tư hạ tầng nghề cá và nâng cao năng lực thực thi quản lý tàu thuyền, khai thác biển. Trước mắt là cải tiến cơ sở dữ liệu quản lý tàu thuyền khai thác, sửa đổi quy định ghi nhật ký và số hóa quy trình kiểm tra, cấp xác nhận, chứng nhận.