VNReport»Top»10 nước có dự trữ ngoại tệ lớn nhất

10 nước có dự trữ ngoại tệ lớn nhất

10:51 - 26/10/2022

Hầu hết các nước đang ghi nhận kho dự trữ ngoại tệ giảm mạnh do phải can thiệp để hỗ trợ tỷ giá.

Theo nghĩa hẹp, dự trữ ngoại tệ là các khoản tiền gửi bằng ngoại tệ của công dân và cơ quan quản lý tiền tệ. Tuy nhiên, người ta thường tính thêm cả dự trữ vàng, quyền rút vốn đặc biệt và vị thế dự trữ ở Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào chỉ số này.

Dự trữ ngoại tệ quan trọng vì nó có thể giúp gây ảnh hưởng lên tỷ giá, duy trì niềm tin của thị trường tài chính và giảm mức độ tổn thương do những cú sốc trong thời kỳ khủng hoảng.

  1. Trung Quốc (3.194 tỷ USD)

Trung Quốc có kho dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, bao gồm tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, trái phiếu và các tài sản tài chính bằng ngoại tệ khác. Tính đến tháng 9/2022, dự trữ ngoại tệ của nước này là 3.194 tỷ USD, nhiều hơn gần gấp 3 lần so với nước đứng thứ hai.

Việc quản lý kho dự trữ ngoại tệ Trung Quốc là trách nhiệm của Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Thành phần cụ thể của kho dự trữ được nước này xem là bí mật nhà nước, nhưng theo dữ liệu của Mỹ, tính đến tháng 7/2021, Trung Quốc nắm 1.068 tỷ nợ của chính phủ Mỹ, nhiều thứ hai sau Nhật Bản.

  1. Nhật Bản (1.238 tỷ USD)

Dự trữ ngoại tệ của Nhật Bản tính đến hết tháng 9/2022 là 1.238 tỷ USD, sau khi ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong lịch sử 54 tỷ USD trong tháng 9.

Sự sụt giảm vừa qua là do Nhật Bản chi gần 20 tỷ USD để can thiệp vào thị trường tiền tệ nhằm giảm đà lao dốc của tỷ giá đồng yên so với USD. Một nguyên nhân khác là việc các trái phiếu nước ngoài trong danh mục đầu tư của Nhật Bản giảm giá trị.

  1. Thụy Sĩ (949 tỷ USD)

Tính đến cuối tháng 8/2022, dự trữ ngoại tệ của Thụy Sĩ là 949 tỷ USD, giảm mạnh từ khoảng 1.110 tỷ USD vào cuối năm 2021.

Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ bán ngoại tệ trong năm nay nhằm kiềm chế mức độ giảm giá của đồng franc Thụy Sĩ, trong bối cảnh lạm phát ở nước này đã chạm mức cao nhất 3 thập kỷ. Cơ quan hoạch định chính sách cũng tăng lãi suất lần đầu tiên trong 15 năm để giúp hỗ trợ tỷ giá, mặc dù lãi suất của nước này vẫn rất thấp so với Mỹ.

  1. Nga (544 tỷ USD)

Nga báo cáo dự trữ ngoại tệ của mình là 544 tỷ USD tính đến ngày 14/10/2022. Khác với các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Thụy Sĩ, một tỷ lệ đáng kể trong khối tài sản này là vàng. Theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới, tính đến tháng 2/2022, nước này nắm giữ gần 2,3 nghìn tấn vàng – nhiều thứ 5 thế giới và chiếm khoảng 1/5 tổng dự trữ ngoại tệ của Nga.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây sau khi Nga đưa quân vào Ukraine từ tháng 2 năm nay làm đóng băng khoảng một nửa kho dự trữ ngoại tệ của Nga.

  1. Đài Loan (541 tỷ USD)

Dự trữ ngoại tệ của Đài Loan ghi nhận giá trị thấp nhất trong 18 tháng vào tháng 9/2022, đạt 541 tỷ USD. Từ đầu năm, ngân hàng trung ương nước này đã chi hơn 7 tỷ USD từ kho dự trữ ngoại tệ để hỗ trợ tỷ giá đồng Tân Đài tệ.

Tháng 9 ghi nhận mức giảm mạnh nhất của kho dự trữ ngoại tệ Đài Loan trong 12 năm, lên đến 4,4 tỷ USD – khi nước này phải can thiệp để chặn đà giảm mạnh nhất của đồng nội tệ trong 25 năm.

  1. Ấn Độ (528 tỷ USD)

Ấn Độ cũng chứng kiến dự trữ ngoại tệ của mình giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020, với giá trị 528 tỷ USD tính đến ngày 14/10/2022. So với mức cao nhất mọi thời đại là 642 tỷ USD vào ngày 8/9/2021, dự trữ ngoại tệ của Ấn Độ hiện đã giảm 18%.

Kho dự trữ của Ấn Độ chủ yếu bằng đồng USD dưới dạng trái phiếu chính phủ và trái phiếu tổ chức của Mỹ. Khoảng 7% dự trữ ngoại hối là vàng.

  1. Ả Rập Xê Út (467 tỷ USD)

Khác với các quốc gia khác trong danh sách này, kho dự trữ ngoại tệ của Ả Rập Xê Út tăng lên trong năm nay khi quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới bội thu nhờ giá dầu mỏ nói riêng và giá năng lượng nói chung tăng mạnh.

Tháng 9/2022, dự trữ ngoại tệ của Ả Rập Xê Út là 467 tỷ USD, tăng thêm hơn 11 tỷ USD chỉ trong 1 tháng.

  1. Hong Kong (419 tỷ USD)

Hong Kong sử dụng chế độ neo giá trị đồng dollar Hong Kong với dollar Mỹ. Vì vậy, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng mạnh lãi suất thì thành phố này cũng phải tăng lãi suất theo. Điều đó là chưa đủ, vì Cơ quan Tiền tệ Hong Kong phải can thiệp 38 lần kể từ tháng 3 để giữ tỷ giá ở trong ngưỡng quy định là 7,75 đến 7,85 HKD đổi 1 USD.

Điều đó khiến dự trữ ngoại tệ của Hong Kong giảm 14% trong khoảng một năm qua, xuống còn 419 tỷ USD tính đến hết tháng 9/2022.

  1. Hàn Quốc (417 tỷ USD)

Dự trữ ngoại tệ của Hàn Quốc giảm mạnh gần 20 tỷ USD trong tháng 9, từ mức hơn 436 tỷ USD cuối tháng 8 xuống còn gần 417 tỷ USD cuối tháng 9, theo ngân hàng trung ương nước này.

Đây là mức giảm trong một tháng lớn thứ hai từng được ghi nhận, trong bối cảnh cơ quan quản lý tăng cưởng can thiệp bằng cách bán USD để chống lại đà giảm giá của đồng won – đã đưa đồng tiền này xuống mức thấp nhất trong hơn 13 năm so với USD. Dự trữ ngoại tệ của Hàn Quốc giảm 9 trong 11 tháng gần nhất.

  1. Brazil (328 tỷ USD)

Brazil là một trong những quốc gia thắt chặt chính sách tiền tệ sớm nhất khi bắt đầu tăng lãi suất từ mức thấp kỷ lục 2% vào tháng 3/2021. Bước đi này của ngân hàng trung ương Brazil giúp đồng nội tệ của họ không bị cuốn vào vòng xoáy giảm giá như hầu hết các đồng tiền khác. Từ đầu năm, đồng real Brazil thậm chí còn tăng giá 5% so với USD.

Ngân hàng trung ương Brazil mới chỉ một lần phải bán ngoại tệ trong năm nay, nhưng dữ trự ngoại tệ của nước này cũng sụt giảm vì các tài sản bằng ngoại tệ giảm giá trị và nhà đầu tư nước ngoài rút tiền khỏi các thị trường mới nổi. Tính đến tháng 9/2022, dự trữ ngoại tệ của Brazil là 328 tỷ USD.