VNReport»Top»10 tỉnh rộng nhất Việt Nam

10 tỉnh rộng nhất Việt Nam

19:01 - 02/09/2021

Top 10 tỉnh rộng nhất Việt Nam hầu hết là các tỉnh miền núi, ở phía Bắc hoặc Tây Nguyên. 

Nghệ An

Nghệ An là tỉnh rộng nhất Việt Nam với diện tích 16.494 km², thuộc vùng Bắc Trung Bộ và là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Vinh, nằm cách thủ đô Hà Nội 291 km về phía nam.

Nghệ An nằm trên các tuyến đường quốc lộ Bắc – Nam, trong đó có tuyến quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 15 và tuyến đường sắt Bắc Nam chạy qua.

Là tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam nhưng đồng thời Nghệ An cũng là một trong những tỉnh nghèo nhất với 80% dân số là nông dân và hơn 95.000 hộ nghèo.

Gia Lai

Gia Lai là tỉnh có diện tích lớn thứ hai Việt Nam với diện tích 15.511 km², là một tỉnh cao nguyên thuộc khu vực Tây Nguyên. Gia Lai cũng là một địa bàn chiến lược về quốc phòng, là nơi đóng trụ sở Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 và Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15.

Gia Lai là nơi cư trú của cộng đồng 34 dân tộc, trong đó, người Kinh chiếm 52% dân số, còn lại là các dân tộc Jrai, Ba Na, Giẻ Triêng, Xơ Đăng, Thái, Mường…

Có khoảng 30 dấu tích miệng núi lửa đã tắt ở Gia Lai, trong đó hình thành nên nhiều cảnh quan đẹp như núi lửa Chư Đăng Ya, núi Hàm Rồng, thung lũng làng Ốp, Biển Hồ…

Sơn La

Sơn La là tỉnh miền núi cao ở phía Tây Bắc, cách Hà Nội hơn 300 km, là tỉnh rộng thứ ba cả nước với diện tích 14.174 km².

Sơn La có hai cao nguyên lớn là cao nguyên Mộc Châu và cao nguyên Nà Sản. Trong đó, cao nguyên Mộc Châu có độ cao trung bình 1.050 m so với mực nước biển, mang đặc trưng của khí hậu cận ôn đới, đất đai màu mỡ phì nhiêu, thuận lợi cho phát triển cây chè, cây ăn quả và chăn nuôi bò sữa.

Còn cao nguyên Nà Sản có độ cao trung bình 800 m so với mực nước biển, đất đai phì nhiêu thuận lợi cho phát triển cây mía, cà phê, cây ăn quả.

Đăk Lăk

Đăk Lăk có diện tích 13.031 km², nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên và cách TP HCM 350 km.

Cộng đồng dân cư Đăk Lăk gồm 47 dân tộc với nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống đa dạng như: Lễ hội cồng chiêng, đâm trâu, đua voi mùa xuân; Kiến trúc nhà sàn, nhà rông; Các nhạc cụ lâu đời nổi tiếng như cồng chiêng, đàn đá, đàn T’rưng hay các bản trường ca Tây Nguyên.

Dân số Đăk Lăk phân bố không đều trên địa bàn các huyện, tập trung chủ yếu ở thành phố Buôn Ma Thuột và các thị trấn, huyện lỵ hay ven các trục Quốc lộ 14, 26, 27 chạy qua. Các huyện có mật độ dân số thấp chủ yếu là các huyện đặc biệt khó khăn như Ea Súp, Buôn Đôn, Lắk, Krông Bông, M’Đrắk, Ea Hleo…

Thanh Hóa

Thanh Hoá có diện tích 11.120 km², thuộc top 5 tỉnh rộng nhất cả nước. Về vị trí địa lý, Thanh Hoá nằm ở vị trí trung chuyển giữa các tỉnh phía Bắc và phía Nam. Kết hợp với 102 km đường bờ biển, có đường quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt xuyên Việt và sân bay Thọ Xuân, Thanh Hóa có điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, hoạt động du lịch, khai thác cảng biển…

Thanh Hoá cũng sở hữu nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như Thành nhà Hồ, bãi biển Sầm Sơn, động Bích Đào, động Hồ Công, động Kim Sơn, núi Nhồi, suối cá Cẩm Lương, vườn quốc gia Bến En, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông…

Quảng Nam

Quảng Nam có diện tích 10.575 km² với dân số gần 1,5 triệu người. Quảng Nam có địa lý vô cùng thuận lợi để kết nối giao thông trong nước và quốc tế và có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú.

Là địa phương duy nhất cả nước có hai di sản văn hóa thế giới là Khu đền tháp cổ Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An, kết hợp với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đảo Cù Lao Chàm cùng 125 km bờ biển đẹp nên Quảng Nam rất thuận lợi để phát triển du lịch, nghỉ dưỡng.

Bên cạnh đó, Quảng Nam có khu kinh tế mở Chu Lai. Đây khu kinh tế ven biển đầu tiên của Việt Nam, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực theo thông lệ quốc tế.

Lâm Đồng

Lâm Đồng có diện tích 9.783 km², là tỉnh miền núi phía nam Tây Nguyên có độ cao trung bình từ 800 – 1.000 m so với mặt nước biển. Địa hình Lâm Đồng tương đối phức tạp, chủ yếu là bình sơn nguyên, núi cao xen kẽ những thung lũng nhỏ bằng phẳng đã tạo nên những yếu tố tự nhiên khác nhau về khí hậu, thổ nhưỡng, thực động vật và những cảnh quan phong phú cho Lâm Đồng.

Nằm trên 3 cao nguyên và là khu vực đầu nguồn của 7 hệ thống sông lớn, Lâm Đồng thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – khu vực năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và là thị trường có nhiều tiềm năng lớn.

Kon Tum

Kon Tum có diện tích tự nhiên 9.674 km², là tỉnh miền núi vùng cao, biên giới, nằm ở phía bắc Tây Nguyên.

Phần lớn tỉnh Kon Tum nằm ở phía tây dãy Trường Sơn, địa hình thấp dần từ bắc xuống nam và từ đông sang tây. Địa hình của tỉnh Kon Tum khá đa dạng gồm: đồi núi, cao nguyên và vùng trũng xen kẽ nhau.

Ngã ba Đông Dương ở xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi của tỉnh là nơi tiếp giáp Việt Nam – Lào – Campuchia. Nơi đây được ví là nơi “một con gà gáy cả ba nước cùng nghe”. Kon Tum cũng có dãy núi Ngọc Linh cao nhất Tây Nguyên gắn liền với loại sâm quý hiếm cùng tên, chỉ mọc duy nhất ở vùng núi này ở độ cao trên 2.000 m.

Điện Biên

Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi vùng Tây Bắc, có diện tích tự nhiên 9.541 km², nằm cách Hà Nội 504 km về phía Tây. Đây cũng là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc, trong đó đường biên giới tiếp giáp với Lào là 414,712 km, với Trung Quốc là 40,86 km.

Điện Biên nổi bật với hệ thống di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ cùng Đèo Pha Đin – một trong “tứ đại đèo” vùng Tây Bắc của Việt Nam.

Lai Châu

Lai Châu là tỉnh cuối cùng thuộc top 10 tỉnh rộng nhất Việt Nam với diện tích 9.070 km². Đây là tỉnh thuộc vùng miền núi Tây Bắc, với đặc trưng địa hình là hiểm trở, nhiều núi cao.

 

Được biết đến là vùng đất tập trung những đỉnh núi cao, Lai Châu có 8/10 ngọn núi nằm trong top những ngọn núi hùng vĩ, hiểm trở nhất cả nước. Với hơn 265 km đường biên giới, Lai Châu cũng có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ – thương mại, xuất nhập khẩu và du lịch, đồng thời giữ vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.