VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về năng lực cạnh tranh năm 2022

10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về năng lực cạnh tranh năm 2022

06:55 - 12/04/2023

Trong danh sách dưới đây, có 8 địa phương đã nằm trong top 10 năm 2021. Bắc Giang và Long An tăng lần lượt từ thứ 31 lên 2 và 16 lên 10.

Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố ngày 11/4 ghi nhận một số thay đổi so với năm 2021. Đáng chú ý nhất là sự vươn lên ngoạn mục của tỉnh Bắc Giang, từ thứ 31 lên thứ 2. Trong khi đó, Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu năm thứ 6 liên tiếp, và những cái tên trong top 10 nhìn chung không khác nhiều so với bảng xếp hạng năm 2021.

Sau đây là 10 tỉnh, thành phố có PCI cao nhất năm 2022.

  1. Quảng Ninh

Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng PCI trong năm thứ 6 liên tiếp, đạt 72,95 điểm trên thang 100 điểm trong năm 2022. Các doanh nghiệp đánh giá cao tỉnh này ở các chỉ số thành phần như “Đào tạo Lao động” (thứ 1/63) và “Tính năng động của chính quyền tỉnh” (5/63).

Không có chỉ số thành phần nào của Quảng Ninh bị đánh giá quá thấp. Chỉ số thấp nhất là “Chi phí gia nhập thị trường”, đứng thứ 22.

  1. Bắc Giang

Bắc Giang lần đầu tiên xếp ở vị trí thứ hai với 72,80 điểm. Tỉnh này có sự cải thiện mạnh mẽ so với năm 2021, với điểm số và thứ hạng năm 2022 lần lượt tăng 8,06 điểm và 29 bậc.

Bắc Giang xếp trong top 3 ở 4 chỉ tiêu thành phần, bao gồm “Chi phí không chính thức”, “Thiết chế pháp lý & An ninh trật tự”, “Cạnh tranh bình đẳng” và “Tính năng động của chính quyền”. Chỉ tiêu “Gia nhập thị trường” của tỉnh này bị các doanh nghiệp đánh giá thấp, xếp hạng 52/63.

  1. Hải Phòng

Hải Phòng – địa phương đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng 2021 – rơi xuống vị trí thứ 3 với số điểm 70,76 trong năm 2022, tăng 0,15 điểm so với năm trước.

Thành phố này xếp trong top 10 ở 4 chỉ số thành phần gồm: “Cạnh tranh bình đăng”, “Tính năng động của chính quyền tỉnh”, “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” và “Đào tạo lao động”. Các chỉ số thành phần khác cũng xếp hạng trung bình trở lên, thấp nhất là “Tính minh bạch” (21/63).

  1. Bà Rịa – Vũng Tàu

Bà Rịa – Vũng Tàu lần đầu tiên đứng thứ 4 với 70,26 điểm. Trước đó, vị trí cao nhất của tỉnh là 6/63 trong bảng xếp hạng PCI năm 2011.

Các doanh nghiệp ghi nhận nỗ lực của chính quyền Bà Rịa – Vũng Tàu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thể hiện qua xếp hạng cao ở các chỉ số “Tiếp cận đất đai” (4/63), “Chi phí không chính thức” (4/63), “Cạnh tranh bình đẳng” (7/63) và “Tính năng động và tiên phong của chính quyền địa phương” (12/63). Ngược lại, “Thiết chế pháp lý & An ninh trật tự” (40/63) và “Tính minh bạch” (38/63) của tỉnh bị xếp hạng thấp.

  1. Đồng Tháp

Đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng PCI 2022 là tỉnh Đồng Tháp với 69,68 điểm. Đồng Tháp là cái tên quen thuộc trong top 5 PCI. Kể từ PCI 2007 đến nay, tỉnh này đã có 16 năm liên tục nằm trong số 5 địa phương dẫn đầu về chất lượng điều hành.

Năm 2022, Đồng Tháp dẫn đầu cả nước về “Tiếp cận đất đai” và “Tính minh bạch”, xếp trong top 3 về “Tính năng động của chính quyền tỉnh” và “Chi phí thời gian”, nhưng xếp thứ 50 về “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp”.

  1. Thừa Thiên – Huế

Với 69,36 điểm, Thừa Thiên – Huế xếp thứ 6 trong bảng xếp hạng PCI 2022, tăng 2 bậc so với một năm trước.

Tỉnh này được các doanh nghiệp đánh giá trong top 5 về 3 chỉ số thành phần gồm “Tính minh bạch”, “Cạnh tranh bình đẳng” và “Thiết chế pháp lý & An ninh trật tự”. Chỉ số thành phần kém nhất của tỉnh là “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp”, đứng thứ 49.

  1. Bắc Ninh

Bắc Ninh đứng đầu cả nước về “Chi phí thời gian”, đồng thời xếp hạng cao về “Đào tạo lao động” và “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp”. Ngược lại, tỉnh này nằm ngoài top 50 về “Tính năng động của chính quyền tỉnh” và “Thiết chế pháp lý & An ninh trật tự”.

Tổng hợp lại, PCI của Bắc Ninh đạt 69,08 điểm, xếp hạng 7 – không đổi về thứ hạng so với năm 2021 mặc dù giảm nhẹ về điểm số.

  1. Vĩnh Phúc

Hầu hết các chỉ số thành phần của Vĩnh Phúc nằm trong nhóm giữa, từ vị trí thứ 17 đến 30, trừ “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” và “Thiết chế pháp lý & An ninh trật tự” trong top 5.

Hai chỉ số thành phần đó giúp Vĩnh Phúc xếp thứ 8 cả nước về PCI với 68,91 điểm, tụt 3 bậc so với năm trước và giảm 0,78 điểm.

  1. Đà Nẵng

Đà Nẵng cũng tụt 5 bậc so với năm 2021, rơi từ vị trí thứ 4 xuống vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng PCI năm 2022. Điểm số của thành phố này giảm từ 70,42 điểm xuống còn 68,52 điểm.

Đà Nẵng được các doanh nghiệp đánh giá cao về “Tính minh bạch” và “Đào tạo lao động”, nhưng xếp ở nhóm dưới ở 2 chỉ tiêu “Gia nhập thị trường” và “Tiếp cận đất đai”.

  1. Long An

Sau Bắc Giang, Long An là địa phương thứ hai lọt vào top 10 PCI năm 2022 sau khi xếp ở nhóm dưới trong năm 2021. Điểm số của tỉnh này tăng từ 66,58 lên 68,45 điểm, giúp thứ hạng tăng từ 16 lên 10.

Long An được các doanh nghiệp đánh giá trong top 5 về 3 chỉ số thành phần: “Chi phí thời gian”, “Tính năng động của chính quyền tỉnh” và “Chi phí không chính thức”. Chỉ số thành phần kém nhất của tỉnh là “Thiết chế pháp lý & An ninh trật tự”, xếp thứ 53.