VNReport»Top»Ba đại sứ quán Mỹ lớn nhất thế giới

Ba đại sứ quán Mỹ lớn nhất thế giới

15:07 - 26/08/2021

Đại sứ quán lớn nhất thế giới là đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, Iraq, với diện tích 42 ha.

  1. Baghdad, Iraq

Với diện tích 42 ha, gần bằng Thành Vatican (44 ha), Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, Iraq là đại sứ quán lớn nhất thế giới, gấp 5 lần đại sứ quán xếp thứ hai.

Đại sứ quán này được khởi công từ giữa năm 2005 và dự kiến hoàn tháng vào tháng 9/2007. Nhưng phải đến tháng 1/2009, đại sứ quán mới mở cửa sau một loạt các sự cố trì hoãn trong quá trình thi công. Nó thay thế cho đại sứ quán trước, được khai trường vào 1/7/2004 tại Khu Xanh của Baghdad trong Cung điện cũ của cựu tổng thống Iraq Saddah Hussein.

Chi phí xây khu phức hợp này là khoảng 750 triệu USD. Vào thời cao điểm năm 2012, đại sứ quán là nơi ở của 16.000 nhân viên và nhà thầu tư nhân.

Đại sứ quán Baghdad có nhiều khu nhà ở và cơ sở hạ tầng bên cạnh các tòa nhà ngoại giao thông thường, bao gồm: 6 tòa nhà chung cư cho nhân viên; các công trình xử lý nước và chất thải; 1 nhà máy điện; 2 tòa nhà văn phòng ngoại giao lớn; các cơ sở giải trí gồm phòng tập thể dục, rạp chiếu phim, một vài sân quần vợt và một bể bơi đạt tiêu chuẩn Olympic.

  1. Yerevan, Armenia

Đại sứ quán Mỹ tại Armenia nằm ở thành phố Yerevan, thủ đô và thành phố lớn nhất của quốc gia Tây Á này. Khu phức hợp này nằm sát hồ Yerevan, dọc theo xa lộ nối Yerevan với Vagharshapat (thành phố lớn thứ 4 của Armenia, còn được gọi là Etchmiadzin).

Đại sứ quán Yerevan có diện tích 90.469 m2, từng giữ vị trí là đại sứ quán Mỹ lớn nhất thế giới tính theo diện tích khi hoàn thành vào năm 2005, trước khi nhường ngôi vị này cho Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad vào năm 2009.

Sau sự tan rã của Liên Xô tháng 12/1991, Mỹ đã ngay lập tức công nhận Armenia là một quốc gia độc lập vào ngày 25/12/1991. Chỉ sau đó không lâu, vào tháng 2/1992, Mỹ đã mở một đại sứ quán tại Yerevan.

  1. Bắc Kinh, Trung Quốc

Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh là cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ tại Trung Quốc. Cơ sở này được đặt tại quận Triểu Dương, Bắc Kinh.

Đại sứ quán Bắc Kinh là cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ lớn thứ 3 trên thế giới, sau Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad và Đại sứ quán Mỹ ở Yerevan. Tổ hợp 8 tầng diện tích sàn 46.000 m2 kết hợp rất nhiều các tấm kính trong suốt và mờ đục độc lập trong thiết kế. Khu phức hợp này nằm trên một khu đất rộng 4,0 ha và có kinh phí 434 triệu USD. Cựu tổng thống Mỹ George W. Bush đã khánh thành đại sứ quán này vào ngày 8/8/2008.

Ngoài Đại sứ quán Bắc Kinh, Mỹ còn có 4 lãnh sự quán khác ở Trung Quốc đại lục, đặt tại các thành phố: Quảng Châu, Thượng Hải, Thẩm Dương và Vũ Hán. Ngoài ra, Mỹ còn có một tổng lãnh sự quán ở Hong Kong, đại diện cho nhiệm vụ ngoại giao của Mỹ ở Hong Kong và Macau.

Khi Quân Giải phóng Nhân dân nam tiến để chiếm toàn bộ Trung Quốc đại lục vào năm 1949, đại sứ quán Mỹ theo chân chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch đến Đài Bắc, trong khi các quan chức lãnh sự Mỹ vẫn ở lại Trung Quốc đại lục.

Mỹ không công nhận chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong 30 năm. Phải đến ngày 1/1/1979, tổng thống Mỹ khi đó là Jimmy Carter mới tuyên bố chính thức công nhận Trung Quốc và chấm dứt công nhận Đài Loan. Trước đó, vào năm 1972, cựu tổng thống Mỹ Richard Nixon đã đến thăm Trung Quốc, đánh dấu sự nối lại quan hệ giữa 2 nước.