VNReport»Top»10 loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất trên thế giới

10 loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất trên thế giới

14:57 - 25/10/2021

Đồng đô la Mỹ chiếm gần một nửa khối lượng giao dịch ngoại hối toàn cầu và cũng là đồng tiền dự trữ quan trọng nhất thế giới.

Thị trường giao dịch ngoại hối có quy mô lớn nhất thế giới, với giá trị giao dịch đạt trung bình 6,6 nghìn tỷ USD mỗi ngày. Sau đây là 10 loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất trên thế giới, chiếm gần 90% tổng khối lượng giao dịch.

  1. Đô la Mỹ (USD)

Do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát hành, đồng đô la Mỹ là đơn vị tiền tệ chính thức của nước này và là loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu, chiếm khối lượng trung bình hàng ngày là 2,9 nghìn tỷ USD.

Có một số lý do cho sự phổ biến của nó. Thứ nhất, Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới và là cường quốc trong thương mại quốc tế. Thứ hai, đô la Mỹ là “đồng tiền dự trữ” chính trên thế giới, được các ngân hàng trung ương và thương mại nắm giữ cho các mục đích giao dịch và đầu tư quốc tế, ước tính chiếm gần 63% khối lượng dự trữ ngoại hối. Và thứ ba, nhiều hàng hóa được định giá bằng USD, bao gồm vàng, dầu và đồng.

Giá trị của đồng tiền này chủ yếu bị ảnh hưởng bởi hoạt động kinh tế của Mỹ và nhu cầu về hàng hóa, và trong một số trường hợp là tình hình kinh tế ở các nước khác. Một số quốc gia như Ecuador, Panama và El Salvador còn sử dụng đồng đô la Mỹ làm tiền tệ chính thức hoặc trên thực tế trong nước.

  1. Euro (EUR)

Đồng euro là tiền tệ chính thức của Liên minh châu Âu (EU) và được giao dịch nhiều thứ 2 trên toàn cầu, chiếm khối lượng trung bình hàng ngày gần 1,1 nghìn tỷ USD. Nó được phát hành bởi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB).

Sự phổ biến của đồng euro chủ yếu là do quy mô và ảnh hưởng kinh tế của khu vực đồng euro. Liên minh kinh tế này hiện bao gồm 19 trong số 27 quốc gia thuộc EU, nhưng các thành viên còn lại của khối, trừ Đan Mạch, được yêu cầu sẽ phải tham gia theo tiêu chí Maastricht. Euro cũng là đồng tiền dự trữ lớn thứ 2 thế giới, ước tính chiếm khoảng 20% ​​dự trữ ngoại hối toàn cầu theo khối lượng.

Giá trị của đồng euro bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những diễn biến chính trị và kinh tế trong khối. Các sự kiện có thể có ảnh hưởng bao gồm thông báo họp ECB, công bố dữ liệu tổng sản phẩm quốc nội (GDP), dữ liệu việc làm, các cuộc bầu cử quốc gia và toàn EU…

  1. Yên (JPY)

Đồng yên là đơn vị tiền tệ chính thức của Nhật Bản và được giao dịch nhiều thứ 3 trên toàn cầu, với khối lượng trung bình hàng ngày là 554 tỷ USD. Nó cũng là đồng tiền dự trữ lớn thứ 3, ước tính chiếm khoảng 4,9% dự trữ ngoại hối toàn cầu. Đồng yên được phát hành bởi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ).

Giá trị của đồng yên phụ thuộc nhiều vào sức mạnh nền kinh tế Nhật Bản, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất chịu trách nhiệm cho các mặt hàng xuất khẩu chính bao gồm xe cộ, điện tử, máy công cụ, tàu biển và hàng dệt may. Vì giá trị của đồng yên thường tăng theo nhu cầu đối với những sản phẩm này, nhiều nhà giao dịch ngoại hối chú ý đến các động thái kinh tế bao gồm thông báo họp BoJ, dữ liệu GDP, chỉ số sản xuất công nghiệp, khảo sát niềm tin doanh nghiệp và dữ liệu thất nghiệp.

Sức mạnh của đồng Nhân dân tệ Trung Quốc cũng có thể gây ảnh hưởng do Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh chính về hàng hóa sản xuất. Đồng Nhân dân tệ yếu khiến hàng xuất khẩu của Trung Quốc trở nên cạnh tranh hơn trên trường quốc tế, làm giảm nhu cầu đối với các sản phẩm của Nhật Bản và do đó là đồng yên. Ngoài ra, giá dầu có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xác định giá trị của đồng yên. Điều này là do Nhật Bản là nước nhập khẩu dầu lớn và giá cao có khả năng ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của nước này.

  1. Bảng Anh (GBP)

Đồng bảng Anh là đơn vị tiền tệ chính thức của Vương quốc Anh và các vùng lãnh thổ của nước này và được giao dịch nhiều thứ 4 trên toàn cầu với khối lượng trung bình hàng ngày gần 422 tỷ USD. Đây cũng là đồng tiền dự trữ lớn thứ 4, ước tính chiếm 4,5% lượng dự trữ ngoại hối toàn cầu theo giá trị.

Giá trị của đồng bảng Anh phụ thuộc phần lớn vào hoạt động kinh tế của Anh, có thể bị ảnh hưởng bởi dữ liệu tỷ lệ lạm phát, các chính sách tiền tệ, GDP và báo cáo việc làm của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE). Trong những năm gần đây, giá trị của nó cũng bị ảnh hưởng bởi mối quan hệ thay đổi của Anh với châu Âu. Nước này đã bỏ phiếu rời EU, còn gọi là Brexit, trong một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào ngày 23/6/2016. Việc chính thức rời bỏ EU ngày 31/1/2020 sẽ ảnh hưởng đến quan hệ thương mại của Anh và đồng bảng Anh trong nhiều năm tới.

  1. Đô la Úc (AUD)

Đồng đô la Úc là đơn vị tiền tệ chính thức của Úc và được giao dịch nhiều thứ 5 trên toàn cầu, chiếm khối lượng trung bình hàng ngày là 223 tỷ đô la Mỹ. Đồng tiền này là đồng tiền dự trữ phổ biến thứ 6, ước tính chiếm 1,8% giá trị dữ trự ngoại hối toàn cầu. Nó được phát hành bởi Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA).

Giá trị của đồng AUD bị ảnh hưởng mạnh bởi giá hàng hóa và “tỷ lệ trao đổi” – tỷ lệ giữa giá hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu. Úc là nước xuất khẩu lớn than, sắt và đồng, cùng với các mặt hàng khoáng sản khác, và là nước nhập khẩu dầu. Vì vậy, sự thay đổi về khối lượng giao dịch và giá cả của những mặt hàng này có thể ảnh hưởng đến AUD.

Giá trị của đồng tiền cũng phụ thuộc vào quy mô nợ nước ngoài của Úc. Sự gia tăng khoản nợ này có thể dẫn đến việc giảm giá trị của AUD so với đồng tiền của các đối tác thương mại lớn. Ngoài ra, bất kỳ sự khác biệt nào giữa lãi suất của RBA và các ngân hàng trung ương khác đều có thể gây ảnh hưởng, vì tiền có khả năng chảy vào các quốc gia có lãi suất cao hơn và rời khỏi những nước có lãi suất thấp hơn.

  1. Đô la Canada (CAD)

Đồng đô la Canada là tiền tệ chính thức của Canada và được giao dịch nhiều thứ 6 trên toàn cầu, chiếm khối lượng trung bình hàng ngày là 166 tỷ USD. Đây là đồng tiền dự trữ phổ biến thứ 5, chiếm 2,02% giá trị dự trữ ngoại hối toàn cầu. Đồng tiền này được phát hành bởi Ngân hàng Canada (BoC).

Giống như Úc, Canada giàu tài nguyên thiên nhiên và là nước xuất khẩu hàng hóa lớn. Điều đó có nghĩa là giá của chúng là một yếu tố quan trọng trong việc xác định giá trị của CAD. Đồng tiền có khả năng tăng giá nếu giá cả hàng hóa tăng và giảm nếu ngược lại.

Đối tác thương mại lớn của Canada là Mỹ, chiếm hơn 75% tổng kim ngạch xuất khẩu và 50% kim ngạch nhập khẩu của Canada. Do đó, nền kinh tế Canada và giá trị của đồng đô la Canada đặc biệt nhạy cảm với những thay đổi trong hoạt động kinh tế của Mỹ và giá trị của đồng đô la Mỹ. Sự khác biệt giữa lãi suất của 2 quốc gia cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định giá trị của đồng CAD. Đồng tiền này có khả năng tăng giá so với đồng USD nếu lãi suất của BoC cao hơn của Fed và ngược lại.

  1. Franc Thụy Sĩ (CHF)

Đồng franc Thụy Sĩ là đơn vị tiền tệ chính thức của Thụy Sĩ và được giao dịch nhiều thứ 7 trên toàn cầu, chiếm khối lượng trung bình hàng ngày là 164 tỷ USD. Đây cũng là đồng tiền dự trữ phổ biến thứ 8, chiếm 0,18% giá trị dự trữ ngoại hối toàn cầu. Nó được phát hành bởi Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB).

Danh tiếng của Thụy Sĩ về các dịch vụ tài chính và bảo mật ngân hàng, các chính sách tiền tệ tương đối lành mạnh và mức nợ thấp đã khiến đồng franc Thụy Sĩ trở thành đồng tiền “trú ẩn an toàn”. Điều này có nghĩa là nó có xu hướng tăng lên trong thời điểm kinh tế toàn cầu bất ổn khi tiền đổ nhiều hơn vào Thụy Sĩ.

Tuy nhiên, khoảng một nửa kim ngạch xuất khẩu của Thụy Sĩ được mua bởi các quốc gia trong khu vực đồng euro. Do đó, giá trị của đồng tiền nước này cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi sức mạnh của đồng euro và tình hình kinh tế của các quốc gia trong khu vực đồng euro.

  1. Nhân dân tệ (CNY)

Đồng nhân dân tệ là tiền tệ chính thức của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và là đồng tiền được giao dịch nhiều thứ 8 trên toàn cầu, chiếm khối lượng trung bình hàng ngày là 142 tỷ USD. Mặc dù là một loại tiền tệ của thị trường mới nổi, nó cũng là đồng tiền dự trữ được nắm giữ nhiều thứ 7, ước tính chiếm 1,23% dự trữ ngoại hội toàn cầu. Đồng tiền này được phát hành bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC).

Trong nhiều năm, đồng nhân dân tệ được neo giá so với đô la Mỹ. Nhưng PBoC gần đây đã nới lỏng chính sách tiền tệ của mình để cho phép đồng tiền thả nổi trong biên độ hẹp so với một rổ các loại tiền tệ chính. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế tin rằng Trung Quốc đã hưởng lợi từ đồng Nhân dân tệ yếu, làm cho xuất khẩu của họ trở nên cạnh tranh hơn trong vài thập kỷ qua và giúp nước này duy trì thặng dư thương mại với nhiều nước khác. Vì vậy, họ hoài nghi về ý định của Trung Quốc sẽ thả nổi đồng nhân dân tệ trong tương lai.

Vì Trung Quốc là nước xuất khẩu hàng hóa và hàng sản xuất lớn, giá trị của đồng nhân dân tệ phụ thuộc nhiều vào “tỷ lệ trao đổi” của đất nước, đặc biệt là với các đối tác thương mại lớn như Mỹ và châu Âu. Do đó, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung nói riêng và mối quan hệ 2 nước cũng như thương mại quốc tế nói chung có thể có ảnh hưởng lớn đến đồng nhân dân tệ trong những năm tới.

  1. Đô la Hong Kong (HKD)

Đồng đô la Hồng Kông là đơn vị tiền tệ chính thức của Hong Kong và được giao dịch nhiều thứ 9 trên toàn cầu, chiếm khối lượng trung bình hàng ngày là 117 tỷ USD. Không giống như nhiều loại tiền tệ khác trong danh sách này, HKD không phải là một đồng tiền dự trữ chính.

Nó được phát hành bởi Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA) bằng tờ 10 HKD, trong khi tất cả các mệnh giá khác được phát hành bởi 3 ngân hàng được ủy quyền là HSBC, Standard Chartered và Ngân hàng Trung Quốc. Tỷ giá hối đoái của nó được cố định ở mức khoảng 7,80 HKD đổi 1 USD, với việc 3 ngân hàng trên phải gửi USD vào HKMA khi họ phát hành HKD để giữ giá của nó gần với mức đó.

Giá trị giao dịch HKD tăng gấp đôi từ tháng 4/2016 đến tháng 4/2019, đưa đồng tiền này từ vị trí thứ 13 trong bảng xếp hạng toàn cầu lên vị trí thứ 9. Sự gia tăng khối lượng giao dịch này có thể là kết quả của bất ổn xung quanh tình hình chính trị ở Hong Kong. Điều này đã làm tăng sự biến động của các cặp tiền tệ HKD và tạo ra cơ hội kiếm lời.

  1. Đô la New Zealand (NZD)

Đồng đô la New Zealand là đơn vị tiền tệ chính thức của New Zealand và là đồng tiền được giao dịch nhiều thứ 10 trên toàn cầu, chiếm khối lượng trung bình hàng ngày là 68 tỷ USD. Đồng tiền được phát hành bởi Ngân hàng Dự trữ New Zealand này cũng không phải là một đồng tiền dự trữ chính.

Giá trị của NZD phụ thuộc nhiều vào quan hệ thương mại của New Zealand, giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu của nước này và sức mạnh của đồng tiền của các đối tác thương mại chính là Trung Quốc và Úc. Các mặt hàng xuất khẩu chính của nước này là nông sản, đặc biệt là sản phẩm từ sữa và thịt. Trong khi đó, những mặt hàng nhập khẩu chính của nước này là dầu, máy móc và ô tô.

Các chính sách tiền tệ của Ngân hàng Dự trữ New Zealand cũng có thể gây ảnh hưởng, đặc biệt là lãi suất chính sách và chênh lệch so với lãi suất của các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu. Đồng tiền có khả năng tăng giá khi lãi suất tương đối cao so với lãi suất ở các nước khác và giảm giá khi lãi suất tương đối thấp.