VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Chi phí sản xuất ở Trung Quốc tăng cao nhất trong 26 năm

Chi phí sản xuất ở Trung Quốc tăng cao nhất trong 26 năm

14:12 - 11/11/2021

Cuộc khủng hoảng năng lượng đóng góp vào mức tăng giá sản xuất 13,5% trong tháng 10/2021 so với cùng kỳ 2020.

Giá sản xuất ở Trung Quốc tăng với tốc độ nhanh nhất trong 26 năm vào tháng 10, do tình trạng thiếu điện trầm trọng và giá hàng hóa kỷ lục ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) của nước này tăng 13,5% so với tháng 10/2020, theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia công bố hôm thứ Tư, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1995. Con số này vượt quá mức dự báo tăng 12,4% của các nhà phân tích do Reuters thăm dò ý kiến ​và cao hơn mức 10,7% của tháng 9, cũng là mức cao nhất kể từ năm 1995.

Giá sản xuất tăng và hoạt động sản xuất yếu hơn gây lo ngại đình trệ lạm phát ở Trung Quốc.

Giá sản xuất tăng và hoạt động sản xuất yếu hơn gây lo ngại đình trệ lạm phát ở Trung Quốc.

Giá sản xuất là chi phí mà các nhà bán buôn mua nguyên vật liệu từ nhà sản xuất, không tính đến phí vận chuyển và phân phối.

Giá sản xuất tăng nhanh cùng với hoạt động sản xuất suy yếu đang làm dấy lên lo ngại về lạm phát đình trệ, làm phức tạp triển vọng kinh tế của đất nước. Tăng trưởng chậm lại đặt ra thách thức đối với những cải cách sâu rộng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với môi trường kinh doanh của đất nước.

Giá hàng hóa tăng cao cũng càng làm trầm trọng thêm tình trạng khủng hoảng năng lượng của nước này. Trung Quốc đang phải đối mặt với giá than tăng vọt sau khi lũ lụt ở các khu vực khai thác than quan trọng và mục tiêu năng lượng sạch của chính phủ làm giảm sản lượng. Trong khi đó việc phân phối năng lượng theo định mức trên diện rộng dẫn đến hoạt động sản xuất giảm 2 tháng liên tiếp.

Dong Lijuan, một nhà thống kê cấp cao tại Cục Thống kê Quốc gia, cho biết mức tăng PPI trong tháng 10 là do “nguồn cung năng lượng và nguyên liệu thô quan trọng trong nước bị thắt chặt”. Ông lưu ý rằng giá dầu tăng (tháng trước đạt 85 USD/thùng ở Mỹ) và than đạt 360 USD/tấn ở Trung Quốc, đã góp phần làm tăng PPI. Giá nguyên liệu sản xuất trong tháng 10 tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá trong ngành khai thác và rửa than tăng 103,7%.

Nhưng các nhà phân tích tại Citi dự báo rằng lạm phát PPI đã gần đạt mức đỉnh và sẽ không tiếp tục tăng. Họ cho biết, những biện pháp gần đây nhằm kiềm chế chi phí tăng cao, bao gồm cam kết giảm giá của các công ty khai thác than cũng như cuộc khủng hoảng năng lượng suy yếu sẽ giúp giảm bớt áp lực lạm phát. “Những lo ngại về lạm phát đình trệ sẽ giảm bớt”, nhóm phân tích viết.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kỳ vọng rằng ngân hàng trung ương có thể buộc phải cung cấp nhiều biện pháp hỗ trợ hơn để chống lại đà kinh tế đang chậm lại. Jing Liu, một nhà kinh tế về Trung Quốc của HSBC, cho biết: “Chúng tôi dự báo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ có thiên hướng nới lỏng hơn trong thời gian còn lại của năm để kìm hãm suy giảm kinh tế”.

Lạm phát giá tiêu dùng cũng tăng nhanh hơn so với dự báo của các nhà kinh tế vào tháng 10, chạm mức cao nhất trong 13 tháng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái và 0,7% so với tháng 9. Giá rau tươi tăng 16,6%, tiếp tục gây gia tăng lo ngại rằng chi phí sản xuất tăng cao đang dần lan ra các mặt hàng thiết yếu.

Tuy nhiên, Zhaopeng Xing, chiến lược gia về Trung Quốc của ANZ, cho biết việc thu nhập khả dụng của các hộ gia đình đang giảm dần cũng như các hạn chế về di chuyển để hạn chế đợt bùng phát Covid-19 mới sẽ hạn chế sự gia tăng giá tiêu dùng.