VNReport»Top»7 ngày lễ mua sắm lớn thế giới

7 ngày lễ mua sắm lớn thế giới

15:05 - 26/11/2021

Các ngày lễ mua sắm lớn thường rơi vào mua mua sắm cao điểm cuối năm.

Tận dụng nhu cầu mua sắm tăng mạnh của người tiêu dùng vào thời điểm gần các dịp lễ lớn như Giáng sinh và năm mới, các nhà bán lẻ đưa ra những ưu đãi giảm giá lớn vào một số ngày nhất định. Những ngày này trở thành ngày lễ mua sắm, nơi các nhà bán lẻ có thể đạt doanh số khổng lồ, trong khi người tiêu dùng cũng có thể mua hàng với giá tốt.

  1. Ngày Độc thân

Mặc dù mới xuất hiện so với những ngày khác trong danh sách này, Ngày Độc thân, được tổ chức vào 11/11 hàng năm, là ngày lễ mua sắm lớn nhất tính theo doanh thu. Như cái tên của nó, Ngày Độc thân được sinh viên tại Đại học Nam Kinh, Trung Quốc lập ra để dành cho những người độc thân, khi đã có nhiều ngày lễ truyền thống cho các cặp đôi. Vào cuối những năm 2000, ngày lễ này được tập đoàn thương mại điện tử Alibaba sử dụng để tung ra đợt giảm giá lớn nhất trong năm.

Alibaba và các sàn thương mại điện tử của Trung Quốc đã xây dựng Ngày Độc thân thành ngày lễ mua sắm lớn nhất thế giới, vượt qua cả những ngày lễ mua sắm lớn ở Mỹ. Ví dụ, Ngày Độc thân năm nay ở Trung Quốc ghi nhận doanh thu hơn 139 tỷ USD, trong khi doanh thu trực tuyến ngày Black Friday ở Mỹ năm ngoái chỉ đạt dưới 10 tỷ USD.

  1. Black Friday

Ở Mỹ, Lễ Tạ ơn luôn rơi vào thứ Năm. Và Black Friday (Thứ Sáu Đen) là ngày thứ Sáu sau Lễ Tạ ơn. Kể từ những năm 1950, Black Friday đã được sử dụng như một ngày đánh dấu sự bắt đầu không chính thức của mùa mua sắm Giáng sinh. Kể từ năm 2005, nó trở thành ngày mua sắm nhộn nhịp nhất trong năm ở Mỹ.

Giống như nhiều truyền thống tiêu dùng của người Mỹ, Black Friday cũng đã lan ra nước ngoài, hiện đang có ở nhiều quốc gia khác thuộc châu Á, châu Âu và Nam Mỹ. Ví dụ, ở châu Âu, ngày lễ này có mức tăng trưởng khổng lồ 124% từ năm 2010 đến năm 2014. Ở Anh, doanh thu năm 2017 của Black Friday vượt qua cả ngày Tặng quà – ngày mua sắm truyền thống của đất nước. Black Friday cũng trở nên vô cùng phổ biến ở Brazil, với cảnh tượng mua sắm có thể trở nên hỗn loạn.

  1. Cyber Monday

Năm 2005, các nhà bán lẻ của Mỹ lấy ngày thứ Hai sau Lễ Tạ ơn là “Cyber Monday” (Thứ Hai Điện tử) và bắt đầu cung cấp nhiều khuyến mại độc quyền trên web để lôi kéo khách hàng mua sản phẩm trực tuyến, khi có nhiều người ghét sự hỗn loạn của ngày Black Friday.

Với sự tăng trưởng của thương mại trực tuyến, Cyber Monday nhanh chóng trở thành một ngày mua sắm phổ biến ở Mỹ, nơi ghi nhận 10,8 tỷ USD doanh thu mua sắm trong ngày Cyber Monday năm ngoái. Ngày lễ này cũng lan sang các nước châu Âu và châu Mỹ Latinh. Ở nhiều nước châu Mỹ Latinh, Cyber Monday còn phổ biến hơn cả Black Friday.

  1. Boxing Day

Boxing Day (Ngày Tặng quà) là ngày mua sắm truyền thống ở Anh và các nước chịu ảnh hưởng lớn của Anh như Australia hay Canada. Nó được tổ chức vào 26/12 hàng năm, ngày sau Giáng sinh, và có nhiều khuyến mại tại các cửa hàng truyền thống giống như Black Friday. Vì vậy, nếu như Black Friday đánh dấu sự bắt đầu của mùa mua sắm Giáng sinh thì Boxing Day đánh dấu sự kết thúc.

Ý tưởng đằng sau ngày lễ này rất đơn giản: Sau ngày 25/12, các nhà bán lẻ muốn loại bỏ lượng hàng thừa trong dịp Giáng sinh trước khi hết năm và chấp nhận bán hàng với mức giảm giá lớn. Trong một thời gian dài, Boxing Day là ngày mua sắm chính ở Anh và các nước chịu ảnh hưởng của Anh. Tuy nhiên, ngày nay, những ngày lễ tương tự đến từ Mỹ như Black Friday và Cyber Monday ngày càng phổ biến ở những quốc gia này.

  1. Diwali

Diwali là lễ hội ánh sáng truyền thống của người Hindu được tổ chức ở Ấn Độ, Fiji, Malaysia, Sri Lanka và nhiều quốc gia khác. Ngày của Diwali thay đổi hàng năm, nhưng thường rơi vào giữa tháng 10 và tháng 11. Theo truyền thống, ngày này thể hiện sự chiến thắng của ánh sáng trước bóng tối, nhưng hiện biến thành một ngày lễ thương mại lớn, đặc biệt là ở Ấn Độ và Nepal, nơi đây là ngày lễ mua sắm lớn nhất trong năm.

Trong lễ Diwali, người theo đạo Hindu mua đèn lễ hội để trang trí nhà cửa, cũng như làm quà tặng cho bản thân và gia đình, bạn bè. Cashkaro.com, trang web của Ấn Độ, đã khảo sát hơn 1.000 khách hàng để tìm hiểu xu hướng mua sắm Diwali. Kết quả cho thấy người Ấn Độ chi khoảng 150 đến 400 USD trong Diwali. Công ty cũng lưu ý rằng hình thức mua sắm trực tuyến đang ngày càng phổ biến hơn trong dịp Diwali, vì khách hàng có giá tốt hơn và trải nghiệm mua sắm thuận tiện hơn.

  1. Tết Nguyên đán

Tết Nguyên đán là ngày lễ lớn nhất của người Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam. Đây là ngày đánh dầu năm mới trong lịch âm. Ngày nay, nó cũng trở thành một ngày lễ mua sắm khổng lồ. Việc mua quà tặng, đồ trang trí và thực phẩm trở thành một khía cạnh đặc biệt quan trọng của ngày lễ này.

Mặc dù không lớn như Ngày Độc thân, người tiêu dùng Trung Quốc vẫn mở rộng hầu bao trong dịp Tết Nguyên đán. Trong kỳ nghỉ Tết đầu năm nay, nước này ghi nhận mức chi tiêu 821 tỷ Nhân dân tệ (127 tỷ USD) cho mua sắm và ăn uống từ người tiêu dùng.

  1. El Buen Fin

El Buen Fin (Kết thúc tốt đẹp) đánh dấu sự khởi đầu của mùa mua sắm cuối năm ở Mexico. Đây là một sự kiện thường niên diễn ra vào cuối tuần trước ngày khởi đầu của Cách mạng Mexico.

Năm 2017, đợt mua sắm kéo dài 4 ngày thu về hơn 100 tỷ peso (khoảng 5,5 tỷ USD). Giống như Black Friday ở Mỹ, El Buen Fin cung cấp cho người tiêu dùng các mặt hàng với giá ưu đãi trong mọi lĩnh vực, từ quần áo đến đồ điện tử.