VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Chuỗi cung ứng Đông Nam Á “mạnh mẽ hơn” sau làn sóng Covid-19

Chuỗi cung ứng Đông Nam Á “mạnh mẽ hơn” sau làn sóng Covid-19

16:36 - 07/12/2021

Với việc chấp nhận số ca nhiễm Covid-19 nhiều hơn, chuỗi cung ứng ở các nước Đông Nam Á như Việt Nam và Malaysia sẽ ít bị gián đoạn hơn trong các đợt dịch mới.

Làn sóng lây nhiễm biến thể Delta ở Đông Nam Á tàn phá chuỗi cung ứng vào mùa hè này, làm gián đoạn việc sản xuất những mặt hàng từ chất bán dẫn đến giày thể thao. Nhưng các nước như Việt Nam và Malaysia đã học hỏi từ kinh nghiệm đó và chuẩn bị tốt hơn cho làn sóng mới của virus, theo các nhà kinh tế và chủ nhà máy.

Một số nước trong khu vực, bao gồm Việt Nam và Thái Lan, thay đổi chiến lược ngăn chặn Covid-19 nghiêm ngặt để thúc đẩy nền kinh tế. “Các tính toán của chính phủ thay đổi để có thể chấp nhận được số ca nhiễm ở mức độ cao hơn nhiều”, Trinh Nguyễn, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Natixis, cho biết.

Các nhà máy ở Việt Nam vẫn được phép hoạt động dù số ca nhiễm Covid-19 tăng trở lại gần đây.

Các nhà máy ở Việt Nam vẫn được phép hoạt động dù số ca nhiễm Covid-19 tăng trở lại gần đây.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế và chủ doanh nghiệp vẫn thận trọng, đặc biệt là với biến thể Omicron. Biến thể mới xuất hiện khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang được cải thiện nhưng vẫn phải đối mặt với những thách thức. Mặc dù các nhà máy đã được mở cửa trở lại trong nhiều tháng trên khắp Đông Nam Á, nhưng tình trạng thiếu lao động vẫn đang hạn chế sản xuất ở các nước như Việt Nam và Malaysia. Những nhà máy trong khu vực cũng đối mặt với giá cước vận tải tăng và tình trạng thiếu nguyên liệu thô.

Tuy nhiên, các công ty vẫn hy vọng rằng Omicron sẽ không là bước lùi quá lớn. Trong đó, động thái của Việt Nam chuyển hướng sang sống chung với Covid-19, thay vì triệu tiêu, có thể giúp giảm thiểu sự gián đoạn trong các làn sóng dịch tiếp theo.

Để ngăn chặn sự gia tăng số ca nhiễm trong mùa hè, Chính phủ yêu cầu các nhà máy ở miền Nam đóng cửa hoặc hoạt động với số lượng công nhân ít hơn bình thường trong khoảng 2 tháng rưỡi, gây ra sự gián đoạn lớn cho các nhãn hiệu quần áo, nội thất và giày dép. Tuy nhiên, điều đó không tiêu diệt được Covid-19 và vào cuối tháng 9, Việt Nam từ bỏ chính sách zero Covid. Đến đầu tháng 10, nhiều nhà máy đã hoạt động bình thường trở lại.

Cho đến nay, Việt Nam vẫn giữ nguyên quan điểm bất chấp số ca tăng gần đây – lên khoảng 14.000 ca mỗi ngày – gần bằng với mức cao điểm mùa hè. Trong làn sóng mới nhất này, các doanh nghiệp cho biết Chính phủ vẫn cho phép nhà máy tiếp tục hoạt động ngay cả khi một số công nhân xét nghiệm dương tính. “Hiện nay, chính phủ không làm bất cứ điều gì hấp tấp với các nhà máy”, Jonathan Moreno thuộc Phòng Thương mại Mỹ cho biết.

Ở Malaysia, việc phong tỏa nghiêm ngặt vào đầu mùa hè đã bóp nghẹt các lĩnh vực sản xuất chủ chốt, thậm chí ảnh hưởng đến ngành bán dẫn có tầm quan trọng toàn cầu. Nhưng hiện ít có khả năng chính phủ Malaysia đóng cửa trên quy mô lớn do tỷ lệ tiêm chủng cao – khoảng 78% dân số, theo Tan Thian Poh, một chủ nhà máy ở Malaysia và là chủ tịch hiệp hội ngành may mặc. “Chúng tôi không thể chịu được thêm một đợt phong tỏa nào nữa”, ông nói.

Các quan chức chính phủ Malaysia cho biết còn quá sớm để đưa ra kết luận chắc chắn về biến thể mới, nhưng họ không muốn phản ứng quá mức. “Chúng tôi cũng muốn đảm bảo rằng phản ứng của chúng tôi tương xứng với rủi ro. Chúng tôi vẫn chưa biết hết mức độ rủi ro”, Bộ trưởng Y tế Malaysia, Khairy Jamaluddin, cho biết vào tuần trước.

Đợt phong tỏa nghiêm ngặt vào mùa hè ảnh hưởng đến ngành bán dẫn của Malaysia.

Đợt phong tỏa nghiêm ngặt vào mùa hè ảnh hưởng đến ngành bán dẫn của Malaysia.

Biến thể này vẫn có thể gây ra vấn đề cho chuỗi cung ứng. Các hạn chế biên giới mới có thể kéo dài thời gian quay trở lại của lao động nước ngoài đến những nước sản xuất ở châu Á, làm giảm sản lượng của các nhà máy.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp lo ngại rằng những người lao động di cư trở về quê trong thời kỳ cao điểm của đại dịch vào mùa hè sẽ ít có khả năng quay trở lại nhà máy ở thành phố hơn, nếu biến thể mới khiến số ca nhiễm gia tăng hoặc việc đi lại trong nước bị thắt chặt.

Một số chủ nhà máy cho biết họ mất niềm tin vào chính quyền địa phương. “Họ nói rằng chính trong gian khó, bạn mới biết được bạn bè và đối tác thực sự của mình là ai”, một thành viên cấp cao của một công ty sản xuất châu Á có hoạt động tại Việt Nam cho biết. Ông nói rằng Chính phủ đã làm hại các doanh nghiệp do không linh hoạt trong thời gian phong tỏa mùa hè. Về triển vọng Chính phủ khôi phục các hạn chế vì Omicron, ông nói, “Tôi sẽ không ngạc nhiên”.

Ông Moreno thuộc Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam cho biết biến thể mới dường như chưa thúc đẩy Chính phủ thực hiện cách tiếp cận cứng rắn hơn. Nhưng ông cho biết điều đó có thể thay đổi nếu có sự gia tăng số người mắc bệnh nguy kịch hoặc tử vong vì Covid-19.

Dù không ai bỏ qua khả năng đó, nhiều nhà kinh tế và nhà phân tích cho biết họ cho rằng các chính phủ như Việt Nam và Malaysia sẽ tìm cách tránh điều đó, để không làm căng thẳng thêm mối quan hệ với các doanh nghiệp nước ngoài. “Cả Việt Nam và Malaysia đều quyết định hướng tới lập trường sống với Covid”, Louis Kuijs, trưởng bộ phận kinh tế châu Á của Oxford Economics, cho biết. “Theo quan điểm của tôi, ít có khả năng hơn năm ngoái là họ sẽ đóng cửa quyết liệt các nhà máy”.