VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Xuất nhập khẩu năm 2021 dự báo lập kỷ lục

Xuất nhập khẩu năm 2021 dự báo lập kỷ lục

10:27 - 20/12/2021

Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 dự báo đạt trên 600 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nước có kim ngạch thương mại quốc tế hàng đầu.

Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến hết tháng 11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 602 tỷ USD, vượt qua kỷ lục 500 tỷ USD đạt được cách đây 2 năm. Trong đó, xuất khẩu đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5%; nhập khẩu đạt 299,45 tỷ USD, tăng 27,5%. Cán cân thương mại hàng hóa đạt mức thặng dư 225 triệu USD.

Cơ quan này dự báo cả năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ vượt 660 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế dẫn đầu về thương mại quốc tế.

Có 7 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2021.

Có 7 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2021.

Tính chung 11 tháng, có 34 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,4%.

Về cơ cấu mặt hàng, nhóm nhiên liệu và khoáng sản đạt 3,57 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 1,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 21,4 tỷ USD, tăng 15,4% và chiếm tỷ trọng 7,1%. Nhóm hàng thủy sản đạt 7,95 tỷ USD, tăng 3,5% và chiếm tỷ trọng 2,7%.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, kim ngạch xuất khẩu đạt 266,75 tỷ USD, tăng 18% và chiếm 89% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 84,8 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 50,5 tỷ USD, tăng 16,8%; EU đạt 35,7 tỷ USD, tăng 11,9%; ASEAN đạt 25,9 tỷ USD, tăng 23,3%; Hàn Quốc đạt 20 tỷ USD, tăng 14,6%; Nhật Bản đạt 18 tỷ USD, tăng 3%.

Trong tháng cuối năm, Bộ Công Thương nhận định rằng hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang gặp nhiều thuận lợi. Trên thế giới, việc các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, EU, … đã và đang triển khai kế hoạch mở cửa, tổ chức lại các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội và mở cửa du lịch là những dấu hiệu cho thấy nhu cầu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng.

Bên cạnh đó, nhu cầu mua sắm cuối năm của thị trường ngày càng tăng, nhất là đối với nhóm hàng mà Việt Nam có thế mạnh, tạo ra mức tăng kim ngạch xuất khẩu cả năm.

Trong nước, Việt Nam có một giai đoạn tương đối dài tổ chức sản xuất, chuẩn bị nguồn hàng, xuất nhập khẩu ở trạng thái bình thường trước khi sẵn sàng tăng tốc.

Một thuận lợi nữa là các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã bước qua giai đoạn đầu thực hiện. Việc thích nghi từng bước của doanh nghiệp với các hiệp định cùng với lộ trình tiếp tục xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế nhập khẩu của các đối tác tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa.

Theo Bộ Công Thương, trong 10 năm qua, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có nhiều thay đổi. Năm 2011, số ngành hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên chỉ có 21 nhóm, trong đó chỉ có nhóm hàng dệt may đạt kim ngạch hàng chục tỷ. 10 năm sau, chỉ trong 11 tháng, xuất khẩu có 34 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, với 7 nhóm hàng đạt hơn 10 tỷ USD.

“Một tín hiệu đáng mừng là cơ cấu các ngành xuất khẩu chủ lực có thay đổi đáng kể, từ những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày dép, thủy sản, hay hàng hóa là tài nguyên khoáng sản như than đá, dầu thô… nhưng đến nay đã nhường chỗ cho sự vươn lên của các nhóm hàng công nghệ cao như điện thoại, máy vi tính, máy móc”, đại diện Bộ Công Thương cho biết.