VNReport»Kinh tế»Hơn 1,4 triệu người thất nghiệp năm 2021

Hơn 1,4 triệu người thất nghiệp năm 2021

16:37 - 06/01/2022

Tình hình lao động việc làm năm 2021 gặp nhiều khó khăn hơn so với năm 2020 do do diễn biến phức tạp và kéo dài của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư.

Tại cuộc họp báo công bố tình hình lao động việc làm quý IV/2021 và chỉ số phát triển con người Việt Nam 2016-2020 do Tổng cục Thống kê tổ chức ngày 6/1, tại Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến cho biết trong năm 2021, số người có việc làm giảm, tỷ lệ thiếu việc làm và thất nghiệp tăng so với năm trước. Cả nước có hơn 1,4 triệu người thất nghiệp, tăng 370.800 người so với năm trước.

Cụ thể, cả năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 50,5 triệu người, giảm 791.600 người so với năm trước. Lực lượng lao động ở khu vực thành thị là 18,6 triệu người, chiếm 36,8%; lực lượng lao động nữ đạt 23,5 triệu người, chiếm 46,5% lực lượng lao động của cả nước.

Cả nước có hơn 1,4 triệu người thất nghiệp trong năm 2021

Tính chung, năm 2021 thu nhập bình quân tháng của người lao động là 5,7 triệu đồng, giảm 32.000 đồng so với năm 2020. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 6,6 triệu đồng, cao hơn 1,4 lần của lao động nữ (4,7 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động khu vực thành thị là 7 triệu đồng, cao hơn 1,4 lần mức thu nhập bình quân lao động khu vực nông thôn (5 triệu đồng).

Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công ăn lương năm 2021 là 6,6 triệu đồng, giảm 45 nghìn đồng so với năm 2020. Lao động nam có mức thu nhập bình quân cao hơn 1,15 lần mức thu nhập bình quân của lao động nữ (7 triệu đồng so với 6 triệu đồng); lao động khu vực thành thị có thu nhập bình quân cao hơn 1,23 lần lao động khu vực nông thôn (7,3 triệu đồng so với 5,9 triệu đồng).

Có thể thấy, dù Chính phủ đã ban hành chính sách chủ động thích ứng linh hoạt trong phòng chống Covid-19, vừa phục hồi, vừa phát triển kinh tế – xã hội giúp thị trường lao động có sự phục hồi nhưng sự phục hồi này chưa thật bền vững.  Để hồi phục lại thị trường lao động sau đại dịch và để giảm tỷ lệ thất nghiệp, Tổng cục Thống kê cho rằng cần có những chính sách cụ thể hỗ trợ lao động, nhất là lực lượng lao động về quê đang rất khó khăn trong tìm kiếm việc làm.

Theo đó, Chính phủ và các địa phương vẫn cẫn phải có những chính sách an sinh, bố trí công ăn việc làm và thu hút lại lao động thời gian tới đồng thời tung ra nhiều chính sách kích cầu đầu tư, mở rộng sản xuất cũng là giải pháp tốt để tạo công ăn việc làm làm cho người lao động. Bên cạnh đó, Việt Nam phải quy hoạch lại các ngành nghề như dệt may, da giày, chuyển từ thành phố lớn về các địa phương để tạo việc làm cho người lao động…