VNReport»Kinh tế»Lao động xuất cảnh giảm mạnh trong năm 2021

Lao động xuất cảnh giảm mạnh trong năm 2021

16:07 - 11/01/2022

Tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2021 là 45.058 lao động, bằng 57,29% so với số lượng lao động xuất cảnh của năm 2020.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội) cho biết trong năm 2021, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong năm vừa qua, có 45.058 lao động được đưa đi làm việc nước ngoài, chỉ đạt 50,06% kế hoạch được giao năm 2021 (90.000 lao động) và bằng 57,29% so với số lượng lao động xuất cảnh của năm 2020 (78.641 lao động).

Một số thị trường chính xuất khẩu lao động của Việt Nam là: Đài Loan (19.531 lao động); Nhật Bản (19.510 lao động); Hàn Quốc (1.036 lao động); Trung Quốc (1.820 lao động); Rumani (795 lao động); Singapore (713 lao động)…

Số lượng lao động xuất cảnh trong năm 2021 giảm mạnh do tác động của dịch Covid-19

Nếu so sánh với các thị trường lao động trong cùng khu vực, Việt Nam được đánh giá cao bởi thị trường lao động trẻ, dồi dào với hơn 3/4 dân số trên 15 tuổi tham gia lực lượng lao động; cùng với đó là tinh thần đoàn kết, năng động và sáng tạo – đây là nguồn lao động dồi dào nếu chúng ta biết tận dụng lợi thế và phát huy tiềm năng vốn có.

Mặc dù thị trường lao động xuất cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh trong phần lớn thời gian của năm 2021, tuy nhiên, trong hai tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, các thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc đều đã mở cửa tiếp nhận lao động trở lại sẽ là tín hiệu tích cực cho thị trường sau nhiều tháng “đóng băng”.

Hướng tới mục tiêu đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022, Cục Quản lý lao động ngoài nước đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thành kế hoạch đã được Chính phủ và Bộ giao. Đặc biệt, người lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đang hoàn thiện, thúc đẩy ký kết các Thỏa thuận về hợp tác lao động với các nước tiếp nhận; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan hữu quan của các quốc gia/vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động. Bên cạnh đó, theo dõi sát sao tình hình của người lao động làm việc ở nước ngoài, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí, cơ quan hữu quan và địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản hướng dẫn Luật…

Trong năm 2022, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng yêu cầu duy trì, ổn định thị trường lao động truyền thống, từng bước mở rộng đối với những thị trường mới, thị trường tiềm năng như châu Âu, Australia, Israel. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng nhiều mặt của đại dịch Covid-19…