VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Giá dầu giảm mạnh sau khi UAE ủng hộ tăng sản lượng

Giá dầu giảm mạnh sau khi UAE ủng hộ tăng sản lượng

09:29 - 10/03/2022

Giá dầu Brent giảm hơn 13% xuống còn 112 USD/thùng sau khi UAE bày tỏ ủng hộ OPEC tăng sản lượng.

Dầu thô có ngày giảm giá mạnh nhất trong 2 năm sau khi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) bày tỏ ủng hộ việc tăng sản lượng của Tổ chức các Nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Giá dầu Brent – tiêu chuẩn quốc tế – giảm 17,04 USD xuống còn 112,06 USD/thùng trong phiên ngày 9/3. Mức giảm 13,20% hôm qua là con số lớn nhất kể từ ngày 9/3/2020 – thời điểm đầu của đại dịch Covid-19. Giá dầu West Texas Intermediate của Mỹ cũng giảm 12,14% xuống 103,98 USD/thùng.

Diễn biến giá dầu Brent từ đầu năm đến nay. Nguồn: TradingView.

Diễn biến giá dầu Brent từ đầu năm đến nay. Nguồn: TradingView.

Tuy nhiên, tính từ đầu năm, giá dầu Brent vẫn tăng gần 44% và giá dầu WTI tăng gần 38%.

Diễn biến lên xuống ở biên độ lớn trong thời gian ngắn cho thấy sự không chắc chắn trên thị trường khi các nhà đầu tư đang cố gắng đánh giá tác động của các lệnh trừng phạt đối với Nga liên quan đến cuộc chiến tranh ở Ukraine.

Hôm qua, ông Yousef al-Otaiba – đại sứ của UAE tại Mỹ – cho biết trong một tuyên bố với báo chí rằng nước này “ủng hộ việc tăng sản lượng và sẽ khuyến khích OPEC xem xét mức sản lượng cao hơn”.

Cùng với Ả Rập Xê Út, UAE là 1 trong số 2 thành viên của OPEC được cho là có năng lực dự phòng đáng kể. Gần đây, lãnh đạo của cả 2 nước này đã từ chối cuộc gọi từ Tổng thống Mỹ Joe Biden để thảo luận về cuộc khủng hoảng của thị trường dầu mỏ sau khi Nga xâm lược Ukraine, khiến giá dầu tăng vọt. UAE có khả năng tăng sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày, trong khi năng lực dự phòng của Ả Rập Xê Út là khoảng 2 triệu thùng/ngày.

Theo S&P Platts, OPEC đã nâng sản lượng thêm 560.000 thùng/ngày, nhưng Biden nhiều lần kêu gọi tổ chức này tăng sản lượng thêm nữa để giảm giá nhiên liệu cho người tiêu dùng.

Mặc dù UAE và Ả Rập Xê Út là 2 nước có khả năng tăng sản lượng nhanh nhất, họ đang sản xuất ở mức hạn ngạch. Việc bơm thêm dầu sẽ vi phạm thỏa thuận của OPEC, cũng như thỏa thuận của OPEC+ – liên minh giữa OPEC và một số quốc gia khác bao gồm Nga.

Cả Ả Rập Xê Út và UAE có thể không muốn gây xáo trộn đến liên minh lâu dài này. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ không cố gắng vận động nhóm tăng sản lượng, trong bối cảnh giá dầu đang hấp dẫn. Tuy nhiên, rào cản khó khăn nhất là vận động Nga – thành viên ngoài OPEC lớn nhất trong liên minh – tham gia vào kế hoạch này.

“UAE là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy và có trách nhiệm cho các thị trường toàn cầu trong hơn 50 năm và tin rằng sự ổn định trên thị trường năng lượng rất quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu”, ông al-Otaiba nói thêm.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết các nước có thể xả thêm kho dự trữ dầu để giúp giảm bớt thiệt hại do lệnh trừng phạt Nga.