VNReport»Kinh tế»OPEC+ có thể tăng bán bao nhiêu dầu ra thị trường

OPEC+ có thể tăng bán bao nhiêu dầu ra thị trường

17:16 - 13/03/2022

Ả Rập Xê Út và UAE nắm hầu hết công suất dự phòng ngắn hạn và gần 2/3 công suất dự phòng 90 ngày của nhóm, mặc dù vẫn ít hơn lượng xuất khẩu của Nga.

Giới phân tích cho biết Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) nằm trong số ít các nhà sản xuất dầu trên toàn cầu có công suất dự phòng có thể được nhanh chóng sử dụng để tăng sản lượng, giúp bù đắp thiệt hại về nguồn cung từ Nga và giảm giá dầu.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), 2 nhà sản xuất thuộc OPEC ở vùng Vịnh nắm giữ khoảng 1,8 triệu thùng/ngày công suất dự phòng “ngắn hạn”, bằng gần 2% nhu cầu thế giới và gần như tất cả tổng số 2,2 triệu thùng/ngày công suất đó của tất cả các nhà sản xuất.

Rystad Energy ước tính rằng Ả Rập Xê Út, UAE, Iraq và Kuwait tổng cộng có khoảng 4 triệu thùng/ngày công suất dự phòng có thể được đưa ra thị trường trong khoảng thời gian 3-6 tháng.  “Hầu hết các quốc gia này có công suất dự phòng trên bờ lớn có thể khai thác được, có nghĩa là một vài triệu thùng có thể được mang ra xuất khẩu chỉ trong vài tuần, thậm chí vài ngày”, Louise Dickson của Rystad cho biết.

Tuy nhiên, số lượng đó vẫn ít hơn Nga sản xuất. Nga cạnh tranh với Ả Rập Xê-út cho vị trí nhà xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu hàng đầu thế giới, với lượng xuất khẩu khoảng 7 triệu thùng/ngày, tương đương 7% nguồn cung toàn cầu.

Sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine bắt đầu vào ngày 24/2, lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung khiến giá dầu quốc tế lên mức cao nhất kể từ năm 2008 là hơn 139 USD/thùng trong tuần này. Giá sau đó giảm do kỳ vọng của thị trường rằng một số nhà sản xuất có thể bơm thêm.

OPEC+, bao gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Nga và các đồng minh của họ, có thỏa thuận nâng sản lượng dầu mỗi tháng thêm 400.000 thùng/ngày. Nhóm đã từ chối hành động nhanh hơn ngay cả khi giá tăng vọt.

Giá dầu giảm 13% vào thứ Tư sau khi đại sứ UAE tại Washington cho biết Abu Dhabi ủng hộ việc tăng sản lượng và sẽ khuyến khích OPEC xem xét mức sản lượng cao hơn.

Các bình luận khác của UAE làm giảm triển vọng có thêm dầu. Ả Rập Xê Út không đưa ra bình luận công khai nào về vấn đề này trong tuần này và Iraq – có thể tăng thêm 300.000 thùng/ngày theo quan điểm của IEA – cho biết sản lượng cao hơn là không cần thiết.

Nhu cầu dầu thế giới phục hồi, dự kiến ​​đạt mức trước đại dịch trong năm nay, và việc thiếu vốn đầu tư khiến năng lực của nhiều nhà sản xuất bị hạn chế. Một số quốc gia, đặc biệt là các thành viên châu Phi của OPEC+, không đáp ứng được những hạn ngạch sản lượng hiện tại, theo ước tính của IEA.

Ước tính công suất dự phòng ngắn hạn của IEA trong Báo cáo Thị trường Dầu mỏ tháng 2 không bao gồm Iran. Nước này cho biết có thể dần dần tăng thêm 1,3 triệu thùng/ngày nếu được giải phóng khỏi các lệnh trừng phạt. Cơ hội xảy ra điều đó có vẻ thấp hơn trong tuần này khi cuộc đàm phán giữa Iran và các cường quốc thế giới nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 gặp nhiều khó khăn.