VNReport»Kinh tế»Xuất khẩu của Trung Quốc chậm lại do phong tỏa và lạm phát toàn cầu

Xuất khẩu của Trung Quốc chậm lại do phong tỏa và lạm phát toàn cầu

17:13 - 09/05/2022

Thủ tướng Lý Khắc Cường cảnh báo về tình hình việc làm mặc dù Bắc Kinh tiếp tục kiên quyết với chính sách “zero Covid”.

Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc chậm lại đáng kể vào tháng trước, khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới bị ảnh hưởng bởi những đợt phong tỏa nghiên ngặt liên quan đến Covid-19 và nhu cầu toàn cầu suy yếu.

Giá trị xuất khẩu tăng 3,9% trong tháng 4 so với một năm trước đó – tốc độ chậm nhất trong 2 năm – sau khi tăng gần 15% trong tháng trước, theo dữ liệu chính phủ. Điều này diễn ra trong bối cảnh chuỗi cung ứng trong nước bị bóp nghẹt bởi các quy tắc hạn chế nghiêm ngặt liên quan đến Covid-19 và lạm phát cao hơn đánh vào chi tiêu của người tiêu dùng ở Châu Âu và Mỹ.

Những dấu hiệu mới nhất về thiệt hại đối với nền kinh tế Trung Quốc giáng một đòn vào Chủ tịch Tập Cận Bình – người đang phải chịu áp lực khi chính sách “zero Covid” của ông bị chỉ trích trong nước và quốc tế. Tác động đến các nhà sản xuất trong nước làm lu mờ hy vọng rằng Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm nay, ngay cả khi đó là mức thấp nhất trong 3 thập kỷ.

Xuất khẩu của Trung Quốc tăng chậm nhất trong 2 năm vào tháng 4.

Xuất khẩu của Trung Quốc tăng chậm nhất trong 2 năm vào tháng 4.

Thủ tướng Lý Khắc Cường hôm thứ Bảy cảnh báo về tình hình “nghiêm trọng” đối với việc làm trong nước và cam kết tăng cường những nỗ lực để ổn định thị trường việc làm. Điều này phản ánh sự lo lắng ngày càng tăng ở Bắc Kinh về triển vọng kinh tế.

Tuy nhiên, dữ liệu được công bố chỉ vài ngày sau cuộc họp chính trị giữa các quan chức hàng đầu do ông Tập chủ trì, tái khẳng định cách tiếp cận “zero Covid” của ông. Giới chức ở Bắc Kinh và các nơi khác, bao gồm Thượng Hải, tăng cường xét nghiệm hàng loạt cũng như phong tỏa cục bộ trong những ngày qua.

Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cấp cao tại công ty tư vấn Capital Economics, cho biết xuất khẩu của Trung Quốc chậm lại chỉ “một phần” là do tình trạng thiếu lao động và tắc nghẽn trong logistics do các biện pháp kiểm soát dịch gây ra. “Xuất khẩu giảm dường như phản ánh nhu cầu thấp hơn là chủ yếu. Lượng hàng đến EU và Mỹ giảm mạnh nhất, nơi lạm phát cao đang đè nặng lên thu nhập thực tế của các hộ gia đình”, ông nói.

Suy thoái xuất khẩu báo hiệu rằng nhu cầu toàn cầu sẽ chậm lại trong dài hạn, đặc biệt là đối với hàng điện tử. Điều này đánh dấu sự kết thúc của một chu kỳ từng giúp nền kinh tế Trung Quốc phục hồi sau những đợt phong tỏa ban đầu vào đầu năm 2020. “Sự sụt giảm cũng đặc biệt rõ rệt trong xuất khẩu hàng điện tử, điều này cho thấy nhu cầu hàng hóa Trung Quốc có liên quan đến đại dịch đang giảm dần … Niềm hy vọng rằng xuất khẩu sẽ phục hồi một khi tình hình virus được cải thiện có thể phải thất vọng”, Evans-Pritchard nói.

Tâm lý tiêu cực lan rộng khắp các thị trường châu Á vào thứ Hai, với chỉ số CSI 300 của Trung Quốc giảm 1,3% trong khi đồng nhân dân tệ giảm 0,7% xuống mức thấp nhất trong 18 tháng so với đồng USD.

Các công ty đa quốc gia phương Tây, bao gồm Apple, Adidas và Estée Lauder cũng như các tập đoàn hàng xa xỉ đã cảnh báo rằng suy thoái kinh tế ở Trung Quốc và những chính sách Covid của nước này sẽ ảnh hưởng đến doanh số bán hàng.