VNReport»Kinh tế»Tài chính»Tỷ giá USD/VND ở các ngân hàng thương mại cao nhất từ tháng 5/2020

Tỷ giá USD/VND ở các ngân hàng thương mại cao nhất từ tháng 5/2020

12:11 - 12/07/2022

Tỷ giá USD/VND đang tăng nhanh trong bối cảnh Fed thắt chặt chính sách tiền tệ.

Tỷ giá USD/VND đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong 4 năm gần đây, trong bối cảnh đồng USD duy trì ở mức cao, theo báo cáo thị trường tiền tệ của Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) tuần 4-8/7.

Đồng USD vẫn ở mức cao trong tuần trước, với chỉ số Dollar – đo lường giá trị đồng bạc xanh so với một rổ các đồng tiền lớn khác – tăng 1,8% trong tuần và 11,8% so với cuối năm 2021. Các đồng tiền chính đều ghi nhận mức giảm đáng kể với đồng USD: euro giảm 2,2%, bảng Anh giảm 0,5%, yên Nhật giảm 0,66%. Đồng tiền của các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng mất giá trong tuần và so với cuối năm 2021 đã mất giá từ 4-10%.

Tỷ giá liên ngân hàng tăng 2,3% và tỷ giá niêm yết 2,5% ¬– tốc độ tăng nhanh nhất trong 4 năm gần đây.

Tỷ giá liên ngân hàng tăng 2,3% và tỷ giá niêm yết 2,5% ¬– tốc độ tăng nhanh nhất trong 4 năm gần đây.

Tương tự diễn biến của các đồng tiền trong khu vực và sau động thái tăng giá bán USD của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào đầu tuần trước, tỷ giá USD/VND tiếp tục xu hướng tăng. Cụ thể, trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá tăng 0,34% (lên 23.358 đồng) và tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại tăng 60 đồng, chốt tuần ở mức 23.190-23.500 đồng (mua vào – bán ra) – cao nhất kể từ tháng 5/2020.

Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 90 đồng lên mức 24.030-24.060 đồng và mức chênh lệch giữa thị trường tự do và ngân hàng vẫn ở mức cao. So với cuối năm 2021, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đã tăng 2,3% và tỷ giá niêm yết khoảng 2,5% – mức tăng mạnh nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Tuy nhiên, so với cuối năm 2019, tỷ giá USD/VND chỉ tăng 0,8% so với mức mất giá lên tới 20,8% của baht Thái, 11% của rupiah Indonesia hoặc thậm chí 3,9% của dollar Singapore, thể hiện sức mạnh của tiền đồng nhờ nguồn cung ngoại tệ khả quan trong 3 năm qua.

Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố biên bản cuộc họp tháng 6, với dự báo lạm phát sẽ tăng 5% trong năm 2022, sau đó giảm tốc xuống 2,4% vào năm 2023 và 2% vào năm 2024. Do đó, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lên 1,50-1,75% vào tháng 6, và thảo luận các phương án để tăng 50 hoặc 75 điểm cơ bản vào cuộc họp tiếp theo ngày 26-27/7.

Trên thực tế, theo thống kê từ CME Group, tại ngày 11/7, thị trường ước tính khả năng Fed tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng 7 là 93% và thậm chí đặt cược khả năng 7% vào việc Fed tăng tròn 1 điểm phần trăm. Điểm mấu chốt cho lập trường chính sách tiền tệ của Fed trong giai đoạn cuối năm 2022 và 2023 có thể sẽ là cuộc họp tháng 9, khi thông tin về tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động Mỹ sẽ phản ánh rõ nét về áp lực lạm phát.