VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Đồng won suy yếu đe dọa sự phục hồi của kinh tế Hàn Quốc

Đồng won suy yếu đe dọa sự phục hồi của kinh tế Hàn Quốc

13:43 - 26/08/2022

Đồng nội tệ suy yếu đang cản đà hồi phục của nền kinh tế Hàn Quốc và nước này sẽ không dễ đạt được mục tiêu giữ tăng trưởng kinh tế năm 2022 ở mức 2,6% như dự báo. 

Theo nhận định của Thời báo Hàn Quốc, đồng won đang trên đà giảm giá mạnh so với đồng USD, gây thêm rủi ro cho nền kinh tế lớn thứ tư châu Á khi làm trầm trọng thêm thâm hụt thương mại, gia tăng lạm phát và các rủi ro khác liên quan đến tăng trưởng.

Theo đó, đồng nội tệ của Hàn Quốc đã kéo dài chuỗi giảm giá so với đồng USD trong nhiều tháng và hiện ở mức 1.332,3 won đổi lấy 1 USD. Nhiều chuyên gia thậm chí còn suy đoán rằng trong kịch bản xấu nhất, đồng nội tệ của Hàn Quốc có thể giảm xuống mức 1.400 won đổi lấy 1 USD.

Chuyên gia kinh tế Park Sang-hyun của Công ty Hi Investment & Securities cho biết: “Có vẻ sẽ không có sự đột phá nào của đồng won so với đồng USD vào lúc này và rất có thể đồng won Hàn Quốc sẽ tiếp tục mất giá. Chắc chắn đồng nội tệ Hàn Quốc sẽ rớt xuống mức 1.400 won đổi lấy 1 USD”.

Hàn Quốc không được hưởng lợi từ việc đồng nội tệ suy yếu

Mặc dù là nước xuất khẩu lớn song Hàn Quốc sẽ không được hưởng lợi nhiều từ việc đồng nội tệ suy yếu, vốn thường giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu. Bởi tình hình kinh tế toàn cầu ảm đạm làm giảm sức mua đối với sản phẩm của các nhà xuất khẩu Hàn Quốc. Do đó, sự giảm giá của đồng won chỉ góp phần làm tăng giá nhập khẩu và có thể làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát.

Ông Park Chong-hoon – người đứng đầu Bộ phận nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered (Hàn Quốc) cũng nêu quan điểm tương tự khi cho rằng lợi ích từ việc đồng won của Hàn Quốc mất giá đối với một số ngành nhất định sẽ không kéo dài khi nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại.

Thực tế đã chứng minh, lần đầu tiên kể từ năm 2008, Hàn Quốc ghi nhận thâm hụt thương mại trong tháng thứ tư liên tiếp vào tháng 7/2022, với mức thâm hụt là 4,67 tỷ USD (tăng từ 1,61 tỷ USD trong tháng Năm và 2,57 tỷ USD trong tháng Sáu). Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2021, lên 60,7 tỷ USD trong tháng 7. Tuy nhiên, nhập khẩu của Hàn Quốc cũng tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2021, lên 65,37 tỷ USD, do giá năng lượng cao.

Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc (KERI) dự đoán rằng giá nhập khẩu tăng cao có thể khiến lạm phát kéo dài hơn dự kiến và cuối cùng cản trở tăng trưởng mục tiêu. Bộ Kinh tế và Tài chính (MOEF) và Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) dự báo lạm phát sẽ đạt đỉnh vào khoảng tháng 10/2022 sau khi chạm mức cao nhất của gần 24 năm là 6,3% vào tháng 7 vừa qua. Giá tiêu dùng tại Hàn Quốc đã tăng 6% hoặc cao hơn trong hai tháng liên tiếp, cũng là lần đầu tiên sau gần 24 năm.

Thậm chí, điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn hướng tới việc tiếp tục tăng lãi suất chuẩn sau khi thực hiện lần tăng thứ hai liên tiếp trong tháng 7 vừa qua. Sự điều chỉnh của Fed có thể mở rộng khoảng cách lãi suất giữa Mỹ và Hàn Quốc đồng thời góp phần đẩy mạnh dòng vốn tại Hàn Quốc chảy ra nước ngoài.

Nhằm kiềm chế dòng vốn nước ngoài chảy ra, BoK đã tăng lãi suất cơ bản lên 2,5% vào ngày 25/8 vừa qua. Tuy vậy, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc vẫn đang vật lộn với lạm phát, lên tới 6% vào tháng 6, mức cao nhất kể từ tháng 11/1998 khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đang diễn ra. Với dự báo lạm phát cao hơn nhiều so với dự kiến ​​trong năm tới, không loại trừ khả năng BoK có thể tiếp tục tăng lãi suất vào năm 2023. Tuy nhiên, mức tăng này cũng sẽ làm tăng gánh nặng cho các hộ gia đình và các doanh nghiệp vốn đang gặp khó khăn trong việc trả nợ.

Đối mặt với nhiều thách thức, nền kinh tế Hàn Quốc được cho rằng sẽ không dễ đạt được mục tiêu giữ tăng trưởng kinh tế năm 2022 ở mức 2,6% như dự báo. Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và sinh kế của người dân là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Hàn Quốc hiện nay. Nước này xác định, để khôi phục động lực kinh tế nếu chỉ ngăn chặn lạm phát là không đủ mà cần tập trung vào việc phục hồi xuất khẩu và tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất để đối phó những bất ổn kinh tế.

Chính phủ Hàn Quốc đã chỉ đạo các bộ, ngành hỗ trợ toàn diện về tài chính, hậu cần và tiếp thị để duy trì động lực tăng trưởng của xuất khẩu, trong khi Bộ Tài chính dự kiến đưa ra định hướng tổng thể của chính sách kinh tế và phối hợp thiết lập các kế hoạch ứng phó bằng cách sử dụng các công cụ ngân sách và hệ thống thuế để điều tiết.

Trên thế giới, không chỉ đồng won mà nhiều đồng tiền khác bao gồm cả đồng euro cũng đã suy yếu trong bối cảnh nguồn cung khí đốt của Nga bị gián đoạn do cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine cũng như lo ngại ngày càng tăng về một cuộc suy thoái kinh tế có thể tái diễn.