VNReport»Kinh tế»Tài chính»Chỉ số Dow Jones giảm hơn 1.000 điểm sau phát biểu của Chủ tịch Fed

Chỉ số Dow Jones giảm hơn 1.000 điểm sau phát biểu của Chủ tịch Fed

16:50 - 27/08/2022

Chứng khoán Mỹ lao dốc sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định quyết tâm chống lạm phát của ngân hàng trung ương, kể cả khi phải trả giá bằng tăng trưởng kinh tế.

Chỉ số Công nghiệp Trung bình Dow Jones giảm hơn 1.000 điểm vào thứ Sáu, sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell tuyên bố tiếp tục thúc đẩy cuộc chiến chống lạm phát, ngay cả khi phải trả giá bằng tăng trưởng kinh tế.

Trong một bài phát biểu rất được mong đợi, ông Powell cho biết Fed phải tiếp tục tăng lãi suất và giữ nó ở mức cao cho đến khi lạm phát được kiểm soát. Bình luận của ông làm các nhà đầu tư thất vọng vì họ hy vọng lạm phát đã đạt đỉnh và Fed sẽ chuyển từ tăng lãi suất sang hạ lãi suất vào một thời điểm nào đó trong năm tới.

Việc bán tháo hôm thứ Sáu kết thúc tuần giảm thứ 2 liên tiếp của các chỉ số chứng khoán chính, xóa bỏ hầu hết mức tăng của thị trường kể từ cuối tháng 7.

Chỉ số Dow giảm 1.008,38 điểm, tương đương 3% xuống 32.283,40, mức giảm trong ngày lớn nhất của chỉ số kể từ tháng 5. S&P 500 giảm 141,46 điểm, tương đương 3,4%, xuống 4.057,66. Chỉ số Nasdaq Composite tập trung vào công nghệ giảm 497,56 điểm, tương đương 3,9%, xuống 12.141,71. Các chỉ số hầu như không có nhiều thay đổi trước bài phát biểu, sau đó giảm đều đặn trong suốt phiên giao dịch, với tốc độ giảm tăng dần về cuối phiên.

Cả 3 chỉ số đều giảm hơn 4% trong tuần này, biến động giữa lo lắng về việc Fed thắt chặt trong khi các dữ liệu cho thấy sức mạnh tiềm ẩn trong nền kinh tế Mỹ.

Cả 3 chỉ số chính đều lao dốc mạnh hôm thứ Sáu và có tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Nguồn: TradingView.

Cả 3 chỉ số chính đều lao dốc mạnh hôm thứ Sáu và có tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Nguồn: TradingView.

Bình luận của ông Powell tại hội nghị thượng đỉnh của Fed ở Jackson Hole, bang Wyoming, thể hiện cách ngân hàng trung ương đang chuẩn bị chuyển từ giai đoạn tăng lãi suất nhanh sang giai đoạn tập trung vào việc giữ lãi suất ở mức cao trong một thời gian.

“Điều ngạc nhiên lớn nhất ở đây là nhà đầu tư đã chuẩn bị cho Chủ tịch Fed Powell phát biểu cứng rắn về lạm phát, nhưng lại phản ứng tiêu cực sau khi ông ấy làm chính điều đó”, theo Michael Arone, chiến lược gia đầu tư trưởng tại State Street Global Advisor. “Có vẻ như các nhà đầu tư đã hy vọng một cách ngây thơ vào sự xoay chuyển của Powell, nhưng thay vào đó, ông ấy tăng cường uy tín chống lạm phát của Fed”.

Thị trường chứng khoán hôm thứ Sáu giảm trên diện rộng, với tất cả 11 lĩnh vực thuộc S&P 500 đều giảm trong ngày và chỉ có 5 cổ phiếu trong chỉ số tăng giá. Công nghệ là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì những cổ phiếu này đặc biệt nhạy cảm với lãi suất. Công ty mẹ Alphabet của Google giảm hơn 5%. HP và nhà sản xuất chip Nvidia đều giảm khoảng 9%. Dell giảm 14% sau khi nhà sản xuất máy tính cảnh báo về thị trường chậm lại.

Ngay cả khi đi xuống trong tuần này, chỉ số S&P 500 vẫn tăng 11% so với mức đáy trong tháng 6. Cổ phiếu tăng trong mùa hè với hy vọng rằng Fed có thể nới lỏng quan điểm chống lạm phát, lợi nhuận doanh nghiệp nhìn chung khá tốt và một số dữ liệu kinh tế lạc quan.

Ông Powell không bình luận trực tiếp về triển vọng cho cuộc họp chính sách sắp tới của Fed vào tháng 9 nhưng cho biết quyết định lãi suất tiếp theo “sẽ phụ thuộc vào sự tổng hòa của các dữ liệu mới và triển vọng thay đổi. Ở một số thời điểm, khi lập trường chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nữa, tốc độ tăng chậm hơn có thể trở nên phù hợp”.

Trước cuộc họp tiếp theo của ngân hàng trung ương, các nhà đầu tư sẽ phân tích báo cáo việc làm hàng tháng, dự kiến công bố vào ngày 2/9, để xem thị trường lao động có dấu hiệu hạ nhiệt nào hay không. Họ cũng sẽ nhận một báo cáo mới về lạm phát. Báo cáo gần nhất cho thấy chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 7 giảm từ mức cao nhất trong 4 thập kỷ. Fed cho biết cần thêm bằng chứng về sự hạ nhiệt của nền kinh tế trước khi sẵn sàng nói rằng lạm phát thực sự đang giảm.

Tại cuộc họp tiếp theo của Fed, các quan chức nhiều khả năng tranh luận về việc tăng lãi suất thêm 0,5 hay là 0,75 điểm phần trăm. Thị trường hợp đồng tương lai chỉ ra rằng giới giao dịch đang chia rẽ, với khoảng 60% kỳ vọng mức tăng lớn hơn và 40% dự đoán mức tăng nhỏ hơn.

Brian O’Reilly – trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Mediolanum International Funds – cho biết: “Họ không muốn được nhớ đến là ngân hàng trung ương đã bỏ qua lạm phát hoặc thậm chí thúc đẩy lạm phát cao hơn”.

Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm, gắn chặt với kỳ vọng về lãi suất chuẩn của Fed, tăng vọt sau bài phát biểu của ông Powell và ổn định ở mức 3,391%, từ 3,372% hôm thứ Năm. Lợi tức kỳ hạn 10 năm nhích lên 3,034% từ 3,023% hôm thứ Năm. Điều đó mở rộng chênh lệch ngược giữa lợi suất ngắn hạn và dài hạn, một chỉ báo suy thoái chính.

Hôm thứ Sáu, dữ liệu mới công bố cho thấy chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cơ bản – thước đo lạm phát ưa thích của Fed – thấp hơn một chút so với dự báo, trong một dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát có thể đang giảm một chút.

Giá dầu tăng khi giới đầu tư cân bằng kỳ vọng về nhu cầu thấp hơn với những dấu hiệu cho thấy nhóm các nước xuất khẩu OPEC+ đang xem xét cắt giảm sản lượng tại cuộc họp tiếp theo. Giá dầu Brent chuẩn giao sau tăng 1,7% lên 100,99 USD/thùng.

Bitcoin cũng lao dốc cùng với cổ phiếu công nghệ và các tài sản rủi ro khác. Đồng tiền mã hóa này giảm 6% xuống khoảng 20.157 USD vào 16h30 ngày 27/8 giờ Việt Nam, phá vỡ mốc 21.000 USD được các nhà giao dịch cho là một ngưỡng hỗ trợ trong tuần qua.