VNReport»Kinh tế»Tài chính»Vốn ngân hàng vẫn chảy vào bất động sản

Vốn ngân hàng vẫn chảy vào bất động sản

14:50 - 06/09/2022

Tốc độ tăng dư nợ tín dụng cho lĩnh vực bất động sản vẫn cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, dòng vốn ngân hàng chỉ dễ tiếp cận đối với các công ty bất động sản lớn hoặc các công ty mà chính ngân hàng có cổ phần.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ tín dụng cho lĩnh vực bất động sản tính đến ngày 30/6 tăng 14,07% so với cùng kỳ năm ngoái lên 2,36 triệu tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng trung bình của ngành ngân hàng.

Nguồn vốn tín dụng tăng mạnh giúp lĩnh vực bất động sản đối phó với tình trạng thiếu thanh khoản do thị trường chứng khoán lao dốc, theo một giám đốc NHNN. Giới quan sát thị trường cũng đồng tình với ý kiến này, cho rằng một lượng lớn tiền từ ngân hàng đã đổ vào các dự án bất động sản trong năm nay.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng chỉ ra rằng không phải tất cả các doanh nghiệp bất động sản đều có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, mà chỉ có những nhà phát triển lớn và nhà phát triển mà chính ngân hàng sở hữu cổ phần. Những chủ đầu tư bất động sản còn lại cảm thấy rất khó tiếp cận nguồn vốn do thiếu thanh khoản trong bối cảnh NHNN thắt chặt tín dụng.

NHNN yêu cầu kiểm soát việc cho vay vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản.

NHNN yêu cầu kiểm soát việc cho vay vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa phục hồi sau vụ bê bối liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Các cơ quan chính phủ tiếp tục triển khai những biện pháp quản lý nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn những vụ việc như vậy lặp lại trong tương lai.

Thống kê của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam cho thấy rõ điều này. Vào tháng 7, chỉ có 1 công ty bất động sản phát hành trái phiếu và huy động được 210 tỷ đồng, giảm 98% so với cùng kỳ năm trước. Với thị trường trái phiếu chững lại, nhiều công ty bất động sản bị cắt khỏi một nguồn vốn quan trọng.

Vào tháng 1 năm nay, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về việc nâng cao chất lượng tín dụng và kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các ngành tiềm ẩn rủi ro. NHNN đòi hỏi hệ thống ngân hàng phải thực hiện các biện pháp để kiểm soát quy mô và tăng trưởng tín dụng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất và những lĩnh vực ưu tiên khác để hỗ trợ chính sách phục hồi và tăng trưởng kinh tế của Chính phủ. Đặc biệt, NHNN yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc cho vay đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán và các dự án giao thông BOT và BT.

Động thái này được đưa ra sau sự gia tăng nhanh chóng của tín dụng vào thị trường bất động sản đầu năm nay, gây ra lo ngại về việc đầu cơ đẩy giá bất động sản lên cao.

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Nguyễn Quốc Hùng, động thái thắt chặt tín dụng vào bất động sản của NHNN nhằm hạn chế đầu cơ, đảm bảo tính minh bạch của thị trường và ngăn ngừa bong bóng hình thành. Ông cho rằng việc thắt chặt tín dụng trở nên cần thiết để đảm bảo thị trường lành mạnh và giảm thiểu các mối đe dọa đối với nền kinh tế, đặc biệt là với sự phát triển quá nóng của thị trường trong những năm gần đây khi hầu hết các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính.

Theo chỉ thị của NHNN, các ngân hàng thương mại đã bắt đầu ngừng cho vay đối với những lĩnh vực rủi ro, đặc biệt là bất động sản. Tuy nhiên, dữ liệu từ FiinGroup cho thấy 58 doanh nghiệp bất động sản niêm yết có dư nợ tăng 25,1% trong nửa đầu năm nay. Điều này có thể là lý do giải thích tại sao NHNN vẫn không tích cực tăng hạn ngạch tín dụng cho các ngân hàng thương mại bất chấp lời kêu gọi của họ.

Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM – cho biết trong vài tháng qua, nhiều công ty bất động sản không thể phát hành trái phiếu hoặc tiếp cận ngân hàng.

Các nhà phân tích đã chỉ ra rằng sẽ có nhiều khó khăn hơn đối với lĩnh vực bất động sản trong năm nay trừ khi NHNN nới lỏng thị trường trái phiếu hoặc thị trường trái phiếu phục hồi; vì trái phiếu của nhiều công ty – với tổng giá trị ước tính 270 nghìn tỷ đồng – sắp đáo hạn.

Ngoại trừ các công ty được ngân hàng hậu thuẫn, những công ty khác gặp nhiều khó khăn trong việc thanh toán trái phiếu và trả lãi ngân hàng, đồng thời phát triển các dự án mới. Giới phân tích cho biết giải pháp lý tưởng lúc này là phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Tiến sĩ Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh – đồng tình với nhận định rằng doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn rất lớn trong việc huy động vốn trong dài hạn và trung hạn nếu không phát hành được trái phiếu.

Các nhà phân tích cho biết rằng trong những năm gần đây, thị trường trái phiếu trở thành nguồn cung cấp vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp trong nhiều ngành khác nhau, bao gồm bất động sản. Họ kỳ vọng rằng trong 10 năm tới, thị trường trái phiếu sẽ có khả năng cung cấp nguồn vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp giống như hệ thống ngân hàng.