VNReport»Kinh tế»Tài chính»ECB lần đầu tăng lãi suất 0,75%

ECB lần đầu tăng lãi suất 0,75%

11:04 - 09/09/2022

Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng cường cuộc chiến trong lạm phát ngay cả khi triển vọng kinh tế của khu vực xấu đi.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất ở mức lớn nhất kể từ những ngày đầu của liên minh tiền tệ châu Âu, nhằm chống lại lạm phát kỷ lục ngay cả khi một cuộc khủng hoảng năng lượng khiến châu Âu đứng trên bờ vực suy thoái.

Ngân hàng này cho biết trong một tuyên bố rằng họ quyết định tăng lãi suất cơ bản lên 0,75% từ mức 0 ­– lần tăng thứ hai trong năm nay sau khi tăng 50 điểm cơ bản vào tháng 7 – và báo hiệu rằng nhiều khả năng sẽ tăng thêm trong những tháng tới.

Tại một cuộc họp báo, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cảnh báo rằng lạm phát đang lan rộng ra ngoài năng lượng cho một loạt sản phẩm. Bà cho biết ECB sẵn sàng tăng lãi suất mạnh mẽ trong một số cuộc họp tiếp theo. “Chúng tôi muốn tất cả các thành phần kinh tế hiểu rằng ECB rất nghiêm túc” trong việc chống lạm phát, bà Lagarde nói.

Đồng euro giảm xuống khoảng 0,997 USD sau quyết định của ECB, và các nhà đầu tư bán tháo trái phiếu chính phủ châu Âu trong khi bà Lagarde đang phát biểu, khi họ tích hợp dự báo tăng lãi suất nhiều hơn vào giá.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde nói rằng ngân hàng này “rất nghiêm túc” trong việc chống lạm phát.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde nói rằng ngân hàng này “rất nghiêm túc” trong việc chống lạm phát.

Mức tăng lớn bất thường hôm thứ Năm phản ánh các động thái gần đây của những ngân hàng trung ương lớn khác, bao gồm cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – dự kiến ​​sẽ công bố lần tăng lãi suất 0,75 điểm thứ 3 liên tiếp vào cuối tháng này. Ngân hàng trung ương Canada tăng lãi suất chính sách của mình vào thứ Tư thêm 0,75 điểm phần trăm lên 3,25% – mức cao nhất trong 14 năm.

ECB đang ở vị thế khó khăn hơn so với các đồng nghiệp Bắc Mỹ vì nền kinh tế của châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi chiến tranh ở Ukraine. Lạm phát tại 19 quốc gia khu vực đồng euro vượt qua mức của Mỹ trong những tuần gần đây do việc Nga thắt chặt nguồn cung năng lượng cho châu Âu khiến giá cả tăng lên.

Chi phí đi vay tăng cao làm gia tăng nguy cơ châu Âu rơi vào suy thoái, khi mà các hộ gia đình và doanh nghiệp đang vật lộn với chi phí gia tăng và niềm tin sụt giảm. Với việc các chính phủ đi vay thêm để bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp khỏi hậu quả kinh tế, một cuộc tổng tuyển cử ở Ý vào cuối tháng này có thể làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng trên thị trường trái phiếu của khu vực.

Lợi suất – vốn đi ngược với giá ­– của trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Đức tăng lên 1,74% vào thứ Năm, gần mức cao nhất kể từ năm 2014. Chi phí vay chuẩn của Ý, vốn rất nhạy cảm với chính sách của ECB, tăng trên 4%.

Simon Bell – một nhà quản lý danh mục đầu tư tại Legal & General Investment Management – cho biết: “Tôi nghĩ rằng ngôn ngữ mà họ sử dụng về lạm phát thực sự khá cứng rắn”. Tuy nhiên, ông không kỳ vọng việc tăng lãi suất 75 điểm cơ bản sẽ trở thành tiêu chuẩn trong tương lai của ECB, vì các nhà hoạch định chính sách nhiều khả năng vẫn lo ngại về sự ổn định của các thành viên khu vực đồng euro mong manh về tài chính như Ý.

Chênh lệch giữa các lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức và Ý – một thước đo quan trọng về căng thẳng tài chính trong khu vực đồng euro – ở mức 2,3 điểm phần trăm vào thứ Năm. Con số đó thấp hơn mức đạt được vào tháng 6, từng thúc đẩy ECB hành động khẩn cấp để hỗ trợ nợ của Ý.

Lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng lên 9,1% trong tháng 8 và dự kiến ​​tăng lên 10% trong những tháng tới, khi một số chương trình trợ cấp năng lượng và giao thông công cộng của chính phủ hết hạn, đặc biệt là ở Đức.

Mặc dù vậy, lãi suất chính sách của ECB vẫn thấp hơn đáng kể so với các ngân hàng trung ương lớn khác, bao gồm cả Fed – cơ quan dự kiến tăng lãi suất chuẩn vào cuối tháng này lên phạm vi từ 3% đến 3,25%. ECB hành động thận trọng hơn vì sự phục hồi kinh tế của khu vực đồng euro trong đại dịch Covid-19 tương đối chậm và các quan chức từng dự kiến ​​lạm phát giảm trong năm nay. Họ cũng lo lắng về ảnh hưởng của lãi suất cao hơn đến những nền kinh tế yếu hơn ở Nam Âu.

“Muộn còn hơn không”, Clemens Fuest – chủ tịch tổ chức nghiên cứu Ifo có trụ sở tại Munich – nói về quyết định chính sách của ECB. Ông cảnh báo rằng việc trì hoãn tăng lãi suất vì dự báo suy thoái kinh tế chỉ làm gia tăng chi phí giảm lạm phát trong tương lai.

Bà Lagarde cho biết ECB vẫn chưa sẵn sàng để bắt đầu giảm lượng nợ chính phủ trị giá hàng nghìn tỷ USD mà họ đang nắm giữ – một động thái mà Fed đã thực hiện kể từ tháng 6. ECB tích lũy những trái phiếu đó trong một nỗ lực kéo dài nhiều năm để chống lại lạm phát siêu thấp.

So sánh các chính sách của ECB với Fed, bà Lagarde nhấn mạnh rằng tình hình nền kinh tế Mỹ đang mạnh hơn, với thị trường việc làm ở đó “rất nóng”. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp cũng thấp tại châu Âu, các nhà kinh tế nhận thấy ít dấu hiệu cho thấy nền kinh tế khu vực đồng euro đang nóng. Thay vào đó, lạm phát ở khu vực đồng euro bị thúc đẩy chủ yếu bởi giá năng lượng tăng cao và những nút thắt nguồn cung dai dẳng, mà ECB có ít khả năng giải quyết.

Theo Natixis – một ngân hàng của Pháp – hóa đơn khí đốt của khu vực trong năm nay và năm tới dự kiến​​ cao hơn trung bình lịch sử ở mức khoảng 4% GDP. Do năng lượng chủ yếu phải nhập khẩu, điều đó làm cho khu vực này trở nên nghèo hơn và tác động rất lớn đến sức mua của các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Theo Holger Schmieding – nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Berenberg ở London – giá năng lượng, thực phẩm, và các biện pháp can thiệp của chính phủ đối với chúng có tác động lớn hơn lên lạm phát so với chính sách của ECB.