VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»EVN lỗ hơn 16.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022

EVN lỗ hơn 16.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022

17:40 - 18/09/2022

EVN lỗ sau thuế hợp nhất 16.586 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022, mà theo tập đoàn này là do giá nhiên liệu đầu vào để sản xuất điện tăng mạnh.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ lớn trong nửa đầu năm 2022 do giá nhiên liệu đầu vào để sản xuất điện tăng mạnh, theo các báo cáo tài chính công ty mẹ và hợp nhất 6 tháng đầu năm mà tập đoàn vừa công bố.

Tổng doanh thu của EVN là 221.231 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, theo báo cáo tài chính hợp nhất. Dù doanh thu tăng trưởng nhưng giá vốn tăng mạnh hơn khiến EVN lỗ gộp hơn 4.200 tỷ đồng. Tính thêm chi phí tài chính, bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, EVN ghi nhận khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh là 12.767 tỷ đồng và lỗ sau thuế lên đến 16.586 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của EVN là 673.157 tỷ đồng, giảm hơn 32.200 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Nợ phải trả là 442.477 tỷ đồng – trong đó nợ ngắn hạn 152.197 tỷ đồng và nợ dài hạn 290.279 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm hơn 17.000 tỷ đồng so với đầu năm xuống còn 230.679 tỷ đồng.

Trong khi đó, trên báo cáo tài chính công ty mẹ, doanh thu của EVN đạt 189.194 tỷ đồng, lỗ gộp 13.400 tỷ đồng và lỗ sau thuế hơn 22.200 tỷ đồng.

Nửa đầu năm 2022, sản lượng điện do EVN và các Tổng công ty Phát điện, kể cả công ty cổ phần, sản xuất đạt 60,54 tỷ kWh, chiếm 45% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống (133,11 tỷ kWh).

Lũy kế 8 tháng, sản lượng điện sản xuất của EVN đạt 84,57 tỷ kWh, chiếm 46,49% sản lượng điện toàn hệ thống là 181,92 tỷ kWh. Nguồn điện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu toàn hệ thống là nhiệt điện than đạt 71,67 tỷ kWh, tương đương 39,4%. Tiếp theo là thủy điện với sản lượng 63,25 tỷ kWh, chiếm 34,8%. Năng lượng tái tạo, tua bin khí và điện nhập khẩu ghi nhận sản lượng lần lượt 24,95 tỷ kWh (13,7%), 19,67 tỷ kWh (10,8%) và 1,91 tỷ KWh (1%).

Trong báo cáo, tập đoàn cho biết rằng do giá nhiên liệu đầu vào để sản xuất điện như than, dầu, khí đốt từ đầu năm đến nay tăng đột biến nên chi phí sản xuất điện của EVN tăng rất cao, dẫn đến nhiều khó khăn về tài chính.

Trước đó, trong những năm gần đây, EVN không những luôn có lãi mà lợi nhuận liên tục tăng theo từng năm, từ mức 6.590 tỷ đồng năm 2017 lên 14.730 tỷ đồng năm 2021.