VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Kinh tế Nga có thể tăng trưởng trở lại vào năm 2024

Kinh tế Nga có thể tăng trưởng trở lại vào năm 2024

16:20 - 22/09/2022

Đó là nhận định của Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Maxim Reshetnikov đưa ra ngày 21/9.

Bộ trưởng Maxim Reshetnikov cho hay dù đang hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt quốc tế tuy nhiên nền kinh tế Nga sẽ sụt giảm ít hơn dự báo trước đó trong năm nay và trở lại tăng trưởng vào năm 2024.

Theo dự tính, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong năm 2022 sẽ giảm khoảng 2,9%, tăng so với dự báo giảm 4% đưa ra trước đó. Trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng dự báo mức giảm 6% cho kinh tế Nga trong năm nay. Sang năm 2023, GDP dự tính sẽ giảm 0,8% do xuất khẩu giảm và sẽ tăng trưởng 2,6% vào năm 2024 nhờ nhu cầu trong nước, tiêu dùng cùng đầu tư tăng lên.

Dù hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt, nền kinh tế Nga sụt giảm ít hơn dự báo

Như vậy, xét trên bình diện chung, dù kinh tế đang suy giảm, Nga vẫn cho thấy sức đề kháng đối với các lệnh cấm vận của Mỹ và EU trong ngắn hạn. Các quan chức Mỹ đã bắt đầu cảm thấy không hài lòng vì các lệnh trừng phạt không đủ tác động mạnh tới nền kinh tế Nga như kỳ vọng.

Mục tiêu ban đầu của Mỹ và phương Tây là các lệnh cấm vận sẽ nhanh chóng khiến nền kinh tế Nga sụp đổ, ngăn họ cung cấp ngân sách cho chiến dịch quân sự trong dài hạn, hoặc gây ra sự phản đối trong dư luận Nga vì cuộc sống của người dân trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, giá năng lượng tăng phi mã đã đẩy doanh thu dầu mỏ của Nga tăng mạnh trong suốt nửa năm qua. Đặc biệt, trong 100 ngày đầu chiến sự, Nga thu về số tiền kỷ lục 93 tỷ EUR nhờ xuất khẩu ga, khí đốt và than.

Đa phần các dự báo về tình hình giao dịch dầu Nga đều sai lệch. Thực tế, dù sản lượng có giảm nhưng khách hàng của Nga không mất đi. Trung Quốc và Ấn Độ đã thu mua hầu như toàn bộ nguồn cung dầu Nga, khoảng hơn 2 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, châu Âu chưa nhận thấy lợi ích gì từ khi phát lệnh cấm vận Nga, thậm chí châu lục này đang lao đao vì giá khí đốt tăng kỷ lục dẫn đến lạm phát tăng cao cũng như tranh cãi nội bộ giữa nhóm các quốc gia Đông Bắc Âu và nhóm Tây Âu do bất đồng quan điểm trừng phạt Nga.

Tuy nhiên, hiện tại không có nghĩa Nga sẽ miễn nhiễm với lệnh cấm vận. Theo giới quan chức Mỹ, cấm vận là một chiến lược có tính dài hạn để làm suy yếu năng lực kinh tế và công nghiệp của Nga nên tác động có thể chưa xảy ra ngay lập tức. Giám đốc CIA Bill Burn dự đoán, Nga sẽ phải trả giá rất đắt trong một thời gian dài.

Dự đoán này hoàn toàn có cơ sở khi năng lượng khó có thể trở thành cứu cánh cho nền kinh tế Nga trong trung hạn và dài hạn. Nga có thể đối mặt với tác động tồi tệ nhất vào nửa năm sau khi các lệnh trừng phạt đã ngăn nước này tiếp cận với công nghệ mới.

Mặt khác, giá dầu đang giảm mạnh về dưới 90 USD/thùng. Điều này sẽ trở thành yếu tố có thể tàn phá kinh tế Nga nhanh nhất. Trong một báo cáo mới nhất của cơ quan xếp hạng tín nhiệm Scope Ratings, nền kinh tế Nga bị đánh giá là không có khả năng phục hồi lại mức trước khi chiến sự xảy ra, ít nhất cho đến hết năm 2030.