VNReport»Kinh tế»Tài chính»Ba nhà kinh tế giành giải Nobel bao gồm cựu chủ tịch Fed

Ba nhà kinh tế giành giải Nobel bao gồm cựu chủ tịch Fed

14:30 - 11/10/2022

Cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke, cùng với Douglas Diamond và Philip H. Dybvig, nhận giải Nobel kinh tế nhờ nghiên cứu của họ về hệ thống ngân hàng và khủng hoảng tài chính – góp phần giúp cuộc suy thoái năm 2008 không trở thành khủng hoảng nghiêm trọng như trong thập kỷ 1930.

Giải Nobel Kinh tế được trao hôm thứ Hai cho cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke và hai nhà kinh tế Mỹ khác. Công trình nghiên cứu của họ giúp các chính phủ và ngân hàng trung ương đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tránh tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng như thập kỷ 1930.

Ông Bernanke – từng là Chủ tịch Fed trong thời kỳ khủng hoảng – hiện là thành viên cấp cao xuất sắc tại viện nghiên cứu Brookings. Những người cùng nhận giải với ông là Douglas Diamond – nhà kinh tế tại Đại học Chicago, và Philip H. Dybvig – nhà kinh tế tại Đại học Washington.

Khi công bố giải thưởng, nhà kinh tế John Hassler của Đại học Stockholm cho biết nghiên cứu của họ có giá trị lớn trong cuộc khủng hoảng năm 2008, từng đưa hệ thống tài chính toàn cầu đến bờ vực sụp đổ.

Những người đoạt giải Nobel Kinh tế 2022, từ trái qua phải: Douglas Diamond, Ben Bernanke và Philip H. Dybvig.

Những người đoạt giải Nobel Kinh tế 2022, từ trái qua phải: Douglas Diamond, Ben Bernanke và Philip H. Dybvig.

Giải thưởng trao cho ông Bernanke trích dẫn một bài nghiên cứu năm 1983 xác nhận rằng những vụ phá sản ngân hàng là chìa khóa biến một cuộc suy thoái kinh tế thành cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong thế kỷ 20. “Vào thời điểm đó, nó khác với quan điểm đương thời”, ông Hassler nói. “Các ngân hàng phá sản, nhưng người ta cho rằng đó là hậu quả của khủng hoảng, thay vì nguyên nhân của khủng hoảng”.

Ông Bernanke cho biết ông “vô cùng vinh dự” khi nhận được giải thưởng cho nghiên cứu của mình về ngân hàng và khủng hoảng tài chính.

“Từ năm 2006 đến năm 2014, tôi tham gia vào một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khi các vấn đề trong lĩnh vực tài chính gây ra những vấn đề to lớn trong nền kinh tế thực, cả ở đây và trên toàn thế giới”, ông phát biểu tại một sự kiện ở Washington. “Suy nghĩ về những vấn đề này khiến tôi rất quyết tâm làm tất cả những gì có thể cùng với các đồng nghiệp của mình để cố gắng ngăn hệ thống tài chính tan rã vì tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng nếu điều đó xảy ra, nó sẽ kéo phần còn lại của nền kinh tế đi xuống”.

Là một học giả dành phần lớn sự nghiệp của mình để nghiên cứu về cuộc Đại Khủng hoảng thập niên 1930 và hoạt động của ngân hàng trung ương tại Đại học Princeton và Stanford, ông Bernanke trở thành một trong những nhân vật hàng đầu trong hoạch định chính sách khi Mỹ bước vào một cuộc khủng hoảng có nhiều điểm giống với sự kiện mà ông đã nghiên cứu.

Ông Bernanke được ca ngợi vì đã ngăn chặn được thảm họa kinh tế bằng cách nhanh chóng đưa ra các chính sách tiền tệ mới mạnh mẽ như hạ tối đa lãi suất, tăng cường cho vay đối với hệ thống ngân hàng và những chương trình mua trái phiếu – trong và sau cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu vào năm 2007 và kéo dài gần 2 năm. Nhưng sự phục hồi chậm chạp và các gói cứu trợ ngân hàng cũng khiến ông chịu những chỉ trích.

Giải thưởng cho ông Diamond và ông Dybvig cũng trích dẫn một bài nghiên cứu năm 1983 giải thích cách vai trò kinh tế quan trọng của các ngân hàng – là trung gian giữa người gửi tiết kiệm và các doanh nghiệp mà họ cuối cùng đầu tư vào thông qua “chuyển đổi kỳ hạn”. Nhưng bài nghiên cứu chỉ ra rằng khi ngân hàng nhận tiền gửi ngắn hạn và cho vay dài hạn, nó trở thành một điểm yếu cố hữu của ngân hàng.

Nghiên cứu khác của ông Diamond giải thích rằng các ngân hàng giám sát người vay thay mặt cho người gửi tiết kiệm và có hiểu biết sâu sắc về các doanh nghiệp mà những người mới vào không thể dễ dàng thay thế nếu ngân hàng phá sản. “Khi một ngân hàng phá sản, hiểu biết này sẽ biến mất”, ông Hassler giải thích. “Đó là lý do tại sao những cuộc khủng hoảng ngân hàng để lại hậu quả lâu dài”.

Ông Diamond cho biết các quan chức ngân hàng trung ương đã tiếp thu bài học từ nghiên cứu của ông cùng với ông Dybvig.

Với việc lãi suất đang tăng trên toàn thế giới, có những lo lắng về khả năng phục hồi của các ngân hàng và tổ chức tài chính trong những tháng gần đây. Cuối tháng trước, Ngân hàng Trung ương Anh đã can thiệp vào thị trường trái phiếu chính phủ để hỗ trợ các quỹ hưu trí của đất nước.

Ông Diamond cho biết các cơ quan quản lý đã “chuẩn bị tốt hơn nhiều” so với trước năm 2008 cho những mối đe dọa đối với sự ổn định tài chính.