VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Tác động của việc Nga ngừng thỏa thuận ngũ cốc

Tác động của việc Nga ngừng thỏa thuận ngũ cốc

10:57 - 01/11/2022

Sau khi Nga rút lui khỏi thỏa thuận ngũ cốc, giá lúa mì và ngô trên các thị trường toàn cầu đã nhanh chóng gia tăng nhanh chóng, đe dọa đến tình hình an ninh lương thực toàn cầu.

Trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, cả Nga và Ukraine đều là hai nước có thị phần lớn nhất trên thị trường toàn cầu. Theo công ty dữ liệu nông nghiệp Gro Intelligence, Ukraine và Nga cùng chiếm gần một phần ba lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu. Hai quốc gia này cũng nằm trong số ba nhà xuất khẩu lúa mạch, ngô, dầu hạt cải và dầu hướng dương hàng đầu thế giới.

Sau khi chiến sự nổ ra, giá nhiều mặt hàng lương thực đã tăng nhanh chóng và đạt mức cao kỷ lục vào tháng 3/2022. Tuy nhiên, ngay sau đó, thỏa thuận ngũ cốc do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc làm trung gian được ký kết, chỉ số giá lương thực toàn cầu của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc đã giảm mạnh kể từ tháng 7.

An ninh lương thực toàn cầu đang bị đe dọa

Tuy nhiên, chỉ sau 3 tháng kể từ khi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc được ký, Nga chính thức tuyên bố rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc hôm 29/10. Nguyên nhân do phía Nga cáo buộc Ukraine tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái lớn nhằm vào Hạm đội Biển Đen và các tàu dân sự liên quan đến việc đảm bảo an toàn cho xuất khẩu nông sản từ Ukraine. Nga cũng lưu ý rằng thỏa thuận bị “đình chỉ vô thời hạn” vì quân đội Nga không thể đảm bảo an toàn cho các tàu dân sự trong bối cảnh bị Ukraine tấn công.

Động thái rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc của Nga khiến thế giới nguy cơ đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, nhất là trong bối cảnh giá cả leo thang, trong đó có giá lương thực, thực phẩm vẫn là bài toán nan giải với chính phủ nhiều quốc gia. Ngay sau khi Nga đưa ra thông báo, giá lúa mì và ngô trên các thị trường toàn cầu đã nhanh chóng gia tăng. Cụ thể, giá lúa mì, ngô và đậu tương đã tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 31/10 trên sàn Chicago Board of Trade (CBOT) ở Mỹ. Theo Reuters, giá lúa mì có lúc tăng gần 6%, lên mức 8,93 USD/giạ, trong khi giá ngô tăng 2,2%.

Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC) cho biết hậu quả của việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc có thể là “thảm họa” đối với các nước nghèo, thậm chí nhiều nước đang phải trải qua nạn đói trong nhiều tháng. Các chuyên gia thậm chí còn cảnh báo, việc thỏa thuận không được gia hạn trong tháng này có thể tạo ra sự hoảng loạn trên thị trường lương thực toàn cầu, nhất là với những quốc gia phụ thuộc vào lượng hàng nhập khẩu.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cũng cho biết việc gia hạn thỏa thuận giữa Nga và Ukraine là rất quan trọng để ngăn chặn nguy cơ tái khủng hoảng lương thực trong tương lai gần. Liên Hợp Quốc ước tính rằng việc giảm giá lương thực thiết yếu do thỏa thuận đã gián tiếp ngăn khoảng 100 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực. Số liệu từ tổ chức này cho thấy, xuất khẩu ngũ cốc và các sản phẩm thực phẩm khác theo thỏa thuận này đã vượt 9 triệu tấn.

Theo Giám đốc phụ trách khu vực Đông Phi của IRC Shashwat Saraf, bất kỳ vụ đình chỉ xuất khẩu ngũ cốc nào cũng sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất đến những nước “đã trên bờ vực chết đói”. Giống như Yemen, khu vực Đông Phi phụ thuộc vào Nga và Ukraine để nhập khẩu phần lớn lúa mì. Do đó, sự gián đoạn trong xuất khẩu ngũ cốc có thể đẩy Somalia vào nạn đói do họ không có khả năng chi trả cho những hóa đơn tăng cao. IRC dự đoán khoảng 345 triệu người sẽ gặp phải tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong năm nay.

Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách đối ngoại Josep Borrell nhận định quyết định của Nga gây rủi ro cho thị trường lương thực toàn cầu, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đánh giá phản ứng của Nga trước các vụ tấn công là “thái quá và không đem lại lợi ích gì cho nước này”.

Đáp trả các chỉ trích về việc Nga đang gây ra tác động tiêu cực tới thị trường lương thực toàn cầu, Bộ Ngoại giao Nga lập luận rằng, chỉ một phần nhỏ lượng ngũ cốc xuất khẩu Ukraine theo thỏa thuận quốc tế đến được các nước nghèo, còn chủ yếu là vận chuyển đến EU. Nga chỉ rõ trong năm 2011, thị trường châu Âu chỉ chiếm 28% lượng ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine, nhưng năm 2022 này đã tăng lên tới 81%.

Tuy nhiên, theo Tổng giám đốc Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế Andrey Kortunov, thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc có thể được nối lại, nếu Nga nhận được sự đảm bảo rằng các cuộc tấn công đã gây ra cho Hạm đội Biển Đen sẽ không lặp lại trong tương lai.

Có thể nói, cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine đang gây nhiều tác động tiêu cực với thế giới, từ lạm phát tới khủng hoảng năng lượng, mất an ninh lương thực… Ngoại giao và đàm phán chính là con đường duy nhất để chấm dứt xung đột, trước mắt là “cứu nguy” cho an ninh lương thực toàn cầu.