VNReport»Kinh tế»Hướng đi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu năm 2023

Hướng đi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu năm 2023

16:41 - 04/01/2023

Kinh tế toàn cầu đang trên đà suy thoái đặt doanh nghiệp xuất khẩu Việt vào tình thế khó khăn đòi hỏi mỗi doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị những phương án, đối sách phù hợp để vượt qua.

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa cả năm 2022 có nhiều tín hiệu vui với cán cân thương mại đạt xuất siêu 11,2 tỷ USD, đóng góp vào trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, dù bức tranh xuất nhập khẩu Việt Nam đạt nhiều kết quả ấn tượng trong 3 quý đầu năm, nhưng bước sang quý IV, hoạt động xuất nhập khẩu có dấu hiệu suy giảm rõ rệt và hiện tượng suy giảm này được dự báo tiếp tục diễn biến trong những tháng của năm 2023.

Hoạt động xuất nhập khẩu đang đối mặt với nhiều khó khăn

Cụ thể, quý IV năm 2022, kim ngạch xuất khẩu giảm 6,1%. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm giá trị lớn của Việt Nam của quý IV năm 2022 cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2021 như: Điện thoại các loại và linh kiện đạt kim ngạch xuất khẩu 14,2 tỷ USD, giảm 14%; Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 13,4 tỷ USD, giảm 5,3%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 11,5 tỷ USD, giảm 4,6%; Hàng dệt may đạt 8,5 tỷ USD, giảm 8,9%. Bốn nhóm hàng này (chiếm tới 53,2% tổng kim ngạch xuất khẩu) giảm mạnh, đã có tác động tiêu cực tới tăng trưởng xuất khẩu của quý IV năm 2022.

Ngay cả một số sản phẩm xuất khẩu như nông sản, thủy sản, thức ăn gia súc và nguyên liệu có giá trị xuất khẩu cao với tốc độ tăng trưởng khá, được đánh giá là điểm sáng trong 9 tháng đầu năm 2022, tuy nhiên trong quý IV năm 2022 đã có sự sụt giảm mạnh như: Thủy sản, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, thức ăn gia súc và nguyên liệu…

Trong khi đó, hoạt động nhập khẩu năm 2022 cũng có xu hướng sụt giảm theo quý: Quý I tăng 15,2%; quý II tăng 15,8%; quý III tăng 7,6%; quý IV giảm 3,9%.

Một số mặt hàng nhập khẩu của quý IV năm 2022 chiếm giá trị lớn của Việt Nam giảm mạnh so với cùng kỳ: Điện tử, máy tính và linh kiện kim ngạch nhập khẩu đạt 18,1 tỷ USD, giảm 16,2%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 10,9 tỷ USD, giảm 4,8%; Điện thoại các loại và linh kiện đạt 5,4 tỷ USD, giảm 18,1%. Ba nhóm hàng này chiếm tới 40,5% tổng kim ngạch nhập khẩu, tác động chính vào sự sụt giảm của quý IV năm 2022.

Theo Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ Nguyễn Việt Phong, con số 11,2 tỷ USD xuất siêu hàng hóa của Việt Nam được coi là điểm sáng của năm 2022, tuy nhiên với thực trạng xuất khẩu và nhập khẩu sụt giảm trong quý IV năm 2022 đã cho thấy các doanh nghiệp xuất khẩu thiếu hụt đơn hàng mới, dẫn tới không nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất, từ đó sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu của năm 2023.

Nhiều tổ chức quốc tế và chuyên gia nghiên cứu cũng đều nhận định rằng, khó khăn của kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu có thể sẽ còn kéo dài sang đầu năm 2023 và tác động không nhỏ tới tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

Theo bà Evelyn Kwek – Giám đốc điều hành Great Place to Work khu vực ASEAN và ANZ, các tín hiệu suy thoái toàn cầu khiến doanh nghiệp Việt lo lắng bởi Việt Nam đã và đang đẩy mạnh công nghiệp hóa và trở nên phụ thuộc hơn vào xuất khẩu trong những năm gần đây. Điều quan trọng trong lúc này là các doanh nghiệp đừng hủy hoại tất cả những thành quả tốt đẹp và niềm tin mà họ đã gầy dựng.

Còn ở góc độ DN, ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho rằng với năm 2023, tình hình trên mọi phương diện đều được dự báo là khó khăn. Bức tranh trước mắt với toàn những gam màu tối, nhưng đây đó vẫn có những điểm sáng đáng mong đợi. Do vậy, từ những điểm sáng pha lẫn trong gam màu tối của nền kinh tế thế giới đang đòi hỏi các doanh nghiệp Việt cần chủ động ứng phó, tiếp tục có những mở rộng đổi mới sáng tạo với những thách thức đáng để giải quyết nhằm “biến nguy thành cơ” trong thời gian tới.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần gia tăng sản phẩm trên các thị trường ngách, tiếp cận các thị trường mới. Ngoài các thị trường truyền thống, doanh nghiệp cũng cần lưu ý các thị trường chưa được khai thác đúng mức để có các dòng sản phẩm dành riêng cho các phân khúc khách hàng riêng biệt, các thị trường ngách…

Cùng với đó, phải đa dạng hóa các hình thức quảng bá, xúc tiến thương mại, các hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, tận dụng các công cụ trực tuyến, đặc biệt các nền tảng để tập trung cho thị trường nội địa…