VNReport»Kinh tế»Tài chính»Doanh nghiệp được Chính phủ cho phép thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác

Doanh nghiệp được Chính phủ cho phép thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác

11:51 - 06/03/2023

Những quy định mới nhằm giúp giảm bớt áp lực trả nợ cho các doanh nghiệp đang thiếu tiền mặt.

Chính phủ vừa ban hành một nghị định sửa đổi, bổ sung và ngừng hiệu lực một số quy định về trái phiếu doanh nghiệp. Nghị định mới cho phép các doanh nghiệp phát hành được thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác và kéo dài kỳ hạn trái phiếu thêm 2 năm.

Dựa trên đề xuất mà Bộ Tài chính đưa ra vào tháng trước, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 cho phép tổ chức phát hành trái phiếu thỏa thuận với trái chủ về việc thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác trong trường hợp không có khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu đầy đủ và kịp thời theo điều khoản phát hành.

Các tài sản như bất động sản được phép sử dụng để hoán đổi cho gốc, lãi trái phiếu.

Các tài sản như bất động sản được phép sử dụng để hoán đổi cho gốc, lãi trái phiếu.

Tuy nhiên, việc hoán đổi này phải tuân thủ quy định của pháp luật về dân sự, pháp luật có liên quan và được sự chấp thuận của trái chủ. Đồng thời, doanh nghiệp phải công khai các thông tin bất thường và hoàn toàn chịu trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản dùng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật.

Chính phủ cũng cho phép doanh nghiệp được thay đổi các điều kiện, điều khoản của trái phiếu dựa trên một số nguyên tắc điều chỉnh. Trong đó, thời hạn trái phiếu được kéo dài tối đa 2 năm so với thời hạn trong phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.

Trường hợp không được chấp thuận, doanh nghiệp có trách nhiệm thương lượng để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Ngay cả khi các trái chủ chiếm từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận hoán đổi thì doanh nghiệp vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với những trái chủ không chấp nhận phương án đã thống nhất.

Nghị định 08/2023 cũng hoãn hiệu lực đối với các quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, thời hạn phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành và quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với tổ chức phát hành trái phiếu tại Nghị định 65/2022 đến hết ngày 31/12.

Nghị định mới nhằm giúp giải quyết trước mắt khó khăn về dòng tiền của các doanh nghiệp, trong bối cảnh áp lực thanh toán nợ trái phiếu dự kiến rất cao trong năm nay. Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng dự nợ trái phiếu dự kiến đáo hạn trong năm 2023 lên tới 285.178 tỷ đồng và sẽ tăng dồn dập kể từ tháng 5.

Trong khi đó, sau những vụ bê bối liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp trong năm ngoái, niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường này đã cạn, khiến các doanh nghiệp không thể phát hành trái phiếu mới để đảo nợ. Trong tháng 1, theo VBMA, toàn bộ thị trường trái phiếu doanh nghiệp không ghi nhận đợt phát hành mới nào.

Cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản tăng vọt vào sáng thứ Hai sau khi nghị định mới được thông qua.