VNReport»Kinh tế»Tài chính»Ngân hàng Mỹ Silicon Valley sụp đổ

Ngân hàng Mỹ Silicon Valley sụp đổ

19:27 - 11/03/2023

Ngân hàng Silicon Valley – có quan hệ với nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ – sụp đổ sau khi bị khách hàng rút tiền hàng loạt.

Ngân hàng Silicon Valley (SVB) sụp đổ vào thứ Sáu, trong vụ phá sản ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ, sau khi đợt rút tiền gửi hàng loạt phá hỏng kế hoạch huy động vốn mới của ngân hàng có quan hệ với nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ.

Cơ quan quản lý FDIC cho biết họ đã nắm quyền kiểm soát ngân hàng qua một thực thể mới. Tất cả các khoản tiền gửi của SVB đã được chuyển sang ngân hàng mới.

FDIC cho biết những người gửi tiền được bảo hiểm sẽ có quyền tiếp cận tiền của họ vào sáng thứ Hai. Những người gửi tiền có số tiền vượt quá giới hạn bảo hiểm nhận được chứng chỉ nhận tiền đối với số dư không được bảo hiểm của họ, nghĩa là các doanh nghiệp có số tiền gửi lớn bị mắc kẹt tại ngân hàng khó có thể sớm rút được tiền.

SVB là ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ, với khoảng 209 tỷ USD tài sản tính đến ngày 31/12, theo Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Đây là ngân hàng phá sản lớn nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, và trong lịch sử Mỹ chỉ đứng sau sự sụp đổ của Washington Mutual.

SVB là ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ.

SVB là ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ.

Công ty mẹ của ngân hàng – Tập đoàn Tài chính SVB – cố gắng tìm người mua sau khi hủy kế hoạch bán cổ phần trị giá 2,25 tỷ USD vào sáng thứ Sáu. Tuy nhiên, cơ quan quản lý không chờ đợi và đóng cửa ngân hàng vài giờ sau đó.

Các khách hàng của SVB cố gắng rút 42 tỷ USD – khoảng một phần tư tổng số tiền gửi của ngân hàng – chỉ riêng trong ngày thứ Năm, cơ quan quản lý bang California cho biết trong một hồ sơ hôm thứ Sáu. Làn sóng rút tiền phá hủy cấu trúc tài chính của ngân hàng. Vào thời điểm kết thúc ngày làm việc hôm thứ Năm, ngân hàng có số dư tiền mặt âm gần 1 tỷ USD và không thể trang trải các khoản thanh toán theo chiều đi của mình tại Fed.

Khủng hoảng của SVB gây ảnh hưởng tới toàn ngành tài chính. Vào thứ Năm, nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu của các ngân hàng từ lớn đến nhỏ, làm mất đi 52 tỷ USD giá trị vốn hóa của 4 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ. Các ngân hàng lớn này phục hồi vào thứ Sáu nhưng nhiều ngân hàng nhỏ hơn tiếp tục lao dốc. Một số bị dừng giao dịch vì biến động quá lớn.

Nhà đầu tư lo lắng về những ngân hàng giống với SVB. Cổ phiếu của Ngân hàng First Republic có trụ sở tại San Francisco, phục vụ cho các doanh nghiệp và cá nhân giàu có, đã giảm khoảng 30% kể từ thứ Tư. “Cơ sở tiền gửi của First Republic rất mạnh”, ngân hàng cho biết hôm thứ Sáu. Cổ phiếu của PacWest Bancorp đã giảm 54% trong 2 ngày qua. Hơn 2/3 danh mục cho vay của ngân hàng này gắn liền với bất động sản, với một phần khá lớn dành để cho vay các công ty đầu tư mạo hiểm.

SVB phục vụ chủ yếu cho hệ sinh thái tách biệt của các công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư mạo hiểm. Lượng tiền gửi của họ bùng nổ cùng với ngành công nghệ, tăng 86% vào năm 2021 lên 189 tỷ USD và đạt đỉnh 198 tỷ USD một quý sau đó. Ngân hàng đã đổ một lượng lớn tiền gửi vào Trái phiếu Chính phủ Mỹ và các chứng khoán nợ khác do chính phủ tài trợ.

Giá trị ngành công nghệ sụt giảm sau khi Fed bắt đầu tăng lãi suất vào năm ngoái để kiềm chế lạm phát. Do đó, các công ty khởi nghiệp rút tiền gửi của họ ở SVB nhanh hơn ngân hàng dự kiến. Và các khoản đầu tư mạo hiểm mới đình trệ, có nghĩa là không có tiền gửi mới vào ngân hàng. Trong khi đó, lãi suất tăng làm giảm giá trị danh mục đầu tư trái phiếu khổng lồ của SVB.

Để huy động vốn mới, SVB đã thuê Goldman Sachs vào đầu tuần này nhằm tiến hành một đợt bán cổ phiếu riêng lẻ, với kế hoạch công bố sau khi hoàn thành để tránh làm các nhà đầu tư hoảng sợ, theo một người quen thuộc với đợt chào bán này. Sau đó, Moody’s thông báo cho SVB rằng họ chuẩn bị hạ xếp hạng tín dụng của ngân hàng. Các chủ ngân hàng và ban lãnh đạo SVB lo ngại việc hạ cấp sẽ gây hại cho công ty hơn là bán cổ phần. Họ cố gắng thu hút công ty cổ phần tư nhân General Atlantic bảo đảm cho thương vụ với cam kết trị giá 500 triệu USD và thông báo kế hoạch bán cổ phần sau khi thị trường đóng cửa vào thứ Tư. Moody’s đã hạ cấp công ty vào tối hôm đó.

Cổ phiếu của SVB giảm mạnh sau khi thị trường mở cửa hôm thứ Năm. Biến động dữ dội của cổ phiếu khiến khách hàng cảnh giác và bắt đầu rút tiền ra khỏi ngân hàng. CEO Greg Becker cố gắng trấn an khách hàng trong một cuộc gọi hôm thứ Năm, nói với họ rằng ngân hàng có nền tảng tài chính vững chắc mặc dù thua lỗ. Nỗ lực đó không thành công. Các nhà đầu tư vốn mạo hiểm khuyên các công ty khởi nghiệp rút tiền ra khỏi ngân hàng để tránh mất số tiền ngoài giới hạn bảo hiểm 250.000 USD của FDIC. Tính đến cuối năm 2022, SVB có 151 tỷ USD tiền gửi không được bảo hiểm. Các ngân hàng đối thủ nhận hàng loạt cuộc gọi từ các khách hàng muốn chuyển tiền gửi của họ.