VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành lệnh bắt giữ Vladimir Putin

Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành lệnh bắt giữ Vladimir Putin

16:56 - 18/03/2023

Tòa án cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin và một quan chức cấp cao khác của Điện Kremlin chịu trách nhiệm cho việc ép trục xuất trẻ em từ Ukraine.

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) vừa ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin và một quan chức cấp cao khác của Điện Kremlin với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh. Đây là lần đầu tiên nhà lãnh đạo của một cường quốc hạt nhân bị buộc tội bởi ICC.

Lệnh bắt giữ cáo buộc Nga ép trục xuất trẻ em ra khỏi các khu vực ở Ukraine mà nước này đang chiếm đóng. ICC là một tổ chức độc lập được lập ra vào năm 2002 để truy tố các cá nhân phạm tội ác diệt chủng, tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh và tội ác chống lại hòa bình.

Theo tòa án, “có có cơ sở hợp lý để tin rằng ông Putin phải chịu trách nhiệm hình sự cá nhân” đối với các tội ác bị cáo buộc, cả trực tiếp và do không kiểm soát được hành vi của cấp dưới

Quan chức thứ hai, Maria Alekseyevna Lvova-Belova – ủy viên về quyền trẻ em trong văn phòng của ông Putin – đã giám sát việc trục xuất, tòa án cho biết. Các cáo buộc có thể dẫn đến bản án chung thân, ICC không áp dụng hình phạt tử hình.

“Chúng ta phải đảm bảo rằng những kẻ chịu trách nhiệm cho các tội ác bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm và trẻ em được trả lại cho gia đình và cộng đồng của chúng”, theo Công tố viên Karim Khan của ICC. “Chúng ta không thể cho phép trẻ em bị đối xử như thể chúng là chiến lợi phẩm”. Theo ông, lệnh bắt giữ hôm thứ Sáu là “bước cụ thể đầu tiên” trong cuộc điều tra đang diễn ra.

Tòa án cho biết nội dung của lệnh bắt giữ sẽ được giữ bí mật “nhằm bảo vệ nạn nhân và nhân chứng cũng như bảo vệ quá trình điều tra”. Nhưng tòa án cho biết họ quyết định tiết lộ việc ban hành lệnh vì các tội ác bị cáo buộc vẫn tiếp diễn và điều đó “có thể góp phần ngăn chặn những tội ác tiếp theo”.

Vladimir Putin trở thành tổng thống đương nhiệm thứ 3 bị ICC ra lệnh bắt giữ.

Vladimir Putin trở thành tổng thống đương nhiệm thứ 3 bị ICC ra lệnh bắt giữ.

Ông Putin trở thành tổng thống đương nhiệm thứ 3 bị ICC ra lệnh bắt giữ, sau Omar al-Bashir của Sudan và Muammar Gaddafi của Libya, và là nhà lãnh đạo đầu tiên từ 1 trong 5 thành viên trường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Khi được hỏi về quyết định của ICC vào thứ Sáu, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết đây là quyết định hợp lý với “một lập luận mạnh mẽ”.

Quan hệ giữa Mỹ và ICC có nhiều thăng trầm. Trong thập niên 1990, Mỹ giúp dẫn dắt phong trào thành lập một tòa án tội phạm chiến tranh thường trực. Nhưng sau khi Mỹ và 4 thành viên thường trực còn lại của Hội động Bảo an Liên Hợp Quốc – bao gồm Nga – không thỏa thuận được quyền dập tắt các vụ truy tố của ICC, Mỹ từ chối phê chuẩn hiến chương của tòa án – được gọi là Quy chế Rome.

Tương tự, Moscow cũng từ chối tham gia tòa án vì lo ngại họ có thể có hành động chống lại các quan chức Nga. Vào thứ Sáu, họ một lần nữa từ chối thẩm quyền của ICC. “Ngay cả việc đặt ra câu hỏi cũng là thái quá và không thể chấp nhận được”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên. “Chúng tôi không công nhận thẩm quyền của tòa án này. Bất kỳ quyết định nào do nó đưa ra đều vô hiệu theo quan điểm của pháp luật”.

ICC không có lực lượng cảnh sát và dựa vào sự hợp tác của 123 nước thành viên để thực thi lệnh của mình, điều mà không phải lúc nào các nước cũng muốn thực hiện. Vì vậy, ít có khả năng ông Putin hoặc bà Lvova-Belova sắp phải ra tòa. Tuy nhiên, lệnh bắt giữ có thể cản trở khả năng đi lại của các bị cáo. Ngoài ra, “nó cũng ảnh hưởng đến tính chính danh của họ ở Nga”, theo David Scheffer – một cựu đại sứ toàn quyền của Mỹ về vấn đề tội phạm chiến tranh. “Họ sẽ mãi mãi được biết đến là những kẻ bị truy nã bởi Tòa án Hình sự Quốc tế”.

Mặc dù cả hai đều có trụ sở tại Den Haag, Hà Lan, ICC, truy tố những vụ án hình sự chống lại cá nhân, tách biệt với Tòa án Công lý Quốc tế – một nhánh của Liên Hợp Quốc xét xử tranh chấp giữa các chính phủ. Ukraine có một vụ kiện khác chống lại Nga đang chờ xử lý tại tòa án này. Một năm trước, Tòa án Công lý Quốc tế ra lệnh cho Moscow ngừng hoạt động quân sự, dù gặp phải sự bất đồng của các thẩm phán Nga và Trung Quốc. Nga khẳng định Tòa án Công lý Quốc tế không có thẩm quyền và phớt lờ mệnh lệnh đó.

Chính phủ Ukraine hoan nghênh thông báo của ICC hôm thứ Sáu. “Bánh xe công lý đang quay: Tôi hoan nghênh quyết định của ICC”, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba viết trên Twitter. “Các tội phạm quốc tế sẽ phải chịu trách nhiệm về tội đánh cắp trẻ em và những tội ác quốc tế khác”. Theo ủy viên tổng thống Ukraine về quyền trẻ em – Daria Herasymchuk – Nga đã ép buộc hơn 16.000 trẻ em rời khỏi lãnh thổ Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược và 307 em đã được tìm thấy.

Nga gọi hành động của mình là nhận con nuôi. Trong cuộc gặp với ông Putin vào tháng trước, bà Lvova-Belova nói rằng bản thân bà đã nhận nuôi một cậu bé 15 tuổi từ Mariupol, thành phố của Ukraine mà Nga chiếm đóng từ tháng 5. Trong cuộc gặp đó, ông Putin nói rằng tổ chức của bà Lvova-Belova đang bận sắp xếp nhận con nuôi từ các khu vực của Ukraine bị chiếm đóng trong 8 năm qua.

Tòa án cáo buộc Maria Alekseyevna Lvova-Belova giám sát việc trục xuất trẻ em Ukraine.

Tòa án cáo buộc Maria Alekseyevna Lvova-Belova giám sát việc trục xuất trẻ em Ukraine.

Các nguyên thủ quốc gia không còn có thể tin chắc rằng mình sẽ thoát tội khi đối mặt với cáo buộc tội ác chiến tranh, theo Michael Newton – một giáo sư luật ở Đại học Vanderbilt. Ông Newton từng là đại biểu Mỹ tham dự các cuộc họp để thành lập ICC, và tham gia một số vụ án tội phạm chiến tranh quốc tế, bao gồm vụ truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic.

“Mọi người đều nói: “Đó là Vladimir Putin, ông ấy sẽ không bao giờ phải đối mặt với công lý””, ông Newton nói, cho biết thêm rằng mọi người cũng nghi ngờ tương tự khi ông Milosevic bị buộc tội vào năm 1999 bởi một tòa án của Liên Hợp Quốc. Ông Milosevic sau đó bị lật đổ, dẫn độ đến Den Haag và chết trong tù trong quá trình xét xử.

“Các quan chức Nga sẽ phải đối mặt với trách nhiệm giải trình dưới hình thức này hay hình thức khác”, ông Newton nói. “Đó là tầm quan trọng của cáo trạng; nó sẽ không biến mất”.

Đầu tháng này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết hơn 70.000 tội ác chiến tranh của Nga đã được xác định kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu. Bà Herasymchuk, quan chức Ukraine, vạch ra một số kịch bản mà theo đó trẻ em được đưa đến Nga. Trong một số trường hợp, Nga lấy đi trẻ em sau khi cha mẹ chúng bị giết. Trong một số trường hợp khác, trẻ em bị lấy đi trực tiếp từ gia đình của chúng. Một số trẻ em bị tách khỏi cha mẹ trong quá trình lọc, khi các cơ quan an ninh Nga kiểm tra người Ukraine để đảm bảo họ không gây ra mối đe dọa. Kịch bản thứ tư là tạo ra điều kiện không thể sinh sống được và đề nghị di chuyển trẻ em để phục hồi chức năng và giải trí. Trong một số trường hợp, các cơ sở dành cho trẻ em được di dời toàn bộ.

Một báo cáo được công bố vào tháng trước bởi một chương trình của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chính phủ Nga đã tái định cư một cách hệ thống ít nhất 6.000 trẻ em từ Ukraine đến một mạng lưới các trại cải tạo và nhận con nuôi ở Bán đảo Crimea và Nga. Báo cáo xác định 43 cơ sở liên quan đến việc này.

Liên Hợp Quốc cho biết ít nhất 8.000 người không tham gia chiến đấu bị xác nhận thiệt mạng – với gần 13.300 người bị thương – trong năm đầu tiên Nga xâm lược, đồng thời thừa nhận con số thực có thể cao hơn nhiều.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết quân Nga vi phạm nhiều luật nhân đạo quốc tế trong cuộc xâm lược của họ vào Ukraine, bao gồm ném bom và pháo kích bừa bãi và không tương xứng vào các khu vực dân sự. Những ngôi nhà, cơ sở y tế và giáo dục bị tấn công, một số trong đó nên được điều tra như tội ác chiến tranh, tổ chức này cho biết. Họ cũng cáo buộc quân Nga hoặc lực lượng liên kết với Nga phạm tội ác chiến tranh ở các khu vực chiếm đóng, bao gồm tra tấn, hành quyết tập thể, bạo lực tình dục, cưỡng bức mất tích và cướp bóc tài sản văn hóa.

Ông Zelensky cho biết công lý – bao gồm thành lập một tòa án đặc biệt để truy tố các tội ác chiến tranh của Nga – nên là một trong 10 điểm trong kế hoạch hòa bình làm cơ sở cho đàm phán với Nga. Tháng trước, Công tố viên trưởng Ukraine Andriy Kostin cho biết 915 người đã bị buộc tội ác chiến tranh. Trong đó, khoảng 26 người bị kết án, bao gồm 14 binh sĩ Nga bị bắt giữ và 12 người bị kết án vắng mặt.