VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Khảo sát: 48% người nước ngoài gặp khó khăn trong việc xin thị thực đến Việt Nam

Khảo sát: 48% người nước ngoài gặp khó khăn trong việc xin thị thực đến Việt Nam

19:35 - 23/03/2023

Chính sách thị thực, cùng với bộ máy hành chính của Việt Nam, xếp gần cuối trong một cuộc khảo sát người nước ngoài. Ngược lại, họ đánh giá cao Việt Nam về tiêu chí Nhà ở.

Bộ chỉ số Expat Essentials – dựa trên một cuộc khảo sát hàng năm của trang web InterNations – cho thấy người nước ngoài không hài lòng về chính sách thị thực của Việt Nam.

Theo nhiều chuyên gia, các rào cản về xin thị thực là một lý do chính khiến Việt Nam gặp khó khăn trong thu hút du khách quốc tế trở lại sau đại dịch.

48% người nước ngoài cho biết họ gặp khó khăn trong việc xin thị thực nhập cảnh vào Việt Nam.

48% người nước ngoài cho biết họ gặp khó khăn trong việc xin thị thực nhập cảnh vào Việt Nam.

Để tính toán bộ chỉ số Expat Essentials năm 2022, InterNations – tự mô tả là cộng đồng trực tuyến lớn nhất dành cho người sống ở nước ngoài – hỏi 11.970 người thuộc 177 quốc tịch sống ở 181 quốc gia và vùng lãnh thổ cung cấp thông tin về các khía cạnh khác nhau của cuộc sống ở nước ngoài.

Để được xếp hạng, một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ cần có ít nhất 50 lượt trả lời. Tổng cộng, có 52 điểm đến đạt được tiêu chí này. Việt Nam xếp thứ 46 trong số 52 quốc gia/vùng lãnh thổ đó, xét theo chỉ số chung.

InterNations cũng xếp hạng 4 tiểu mục bao gồm Cuộc sống số, Hành chính, Nhà ở và Ngôn ngữ. Trong tiểu mục Hành chính, Việt Nam xếp thứ 51/52 điểm đến.

Trong tiểu mục này, 48% người nước ngoài được khảo sát cho biết họ gặp khó khăn trong việc xin thị thực để chuyển đến Việt Nam, gấp đôi mức trung bình toàn cầu là 24%. 66% người trả lời cho biết họ gặp khó khăn khi làm việc với bộ máy hành chính địa phương, so với 39% trên toàn cầu. 41% gặp khó khăn khi mở tài khoản ngân hàng địa phương, so với 21% trên toàn cầu.

Theo InterNations, một người Anh sống ở Việt Nam cho biết: “Bộ máy hành chính khiến những công việc đơn giản trở nên khó khăn”.

Việt Nam xếp thứ 49 trong tiểu mục Cuộc sống số, với tiêu chí Mức độ sẵn có các dịch vụ chính phủ trực tuyến bị đánh giá rất thấp và xếp hạng cuối cùng. 23% người nước ngoài nói rằng họ gặp khó khăn khi thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam, so với 8% trên toàn cầu.

Việt Nam cũng nằm trong nhóm 10 nước dưới cùng ở tiểu mục Ngôn ngữ, xếp thứ 47. Người nước ngoài đánh giá tiếng Việt là ngôn ngữ khó học nhất trong số 52 quốc gia/vùng lãnh thổ được xếp hạng. Nhưng đây có thể không phải là vấn đề lớn, vì 65% nói rằng họ thấy dễ sống ở Việt Nam mà không cần nói tiếng bản địa (so với 51% trên toàn cầu).

Ở khía cạnh tích cực, Việt Nam xếp hạng cao trong tiểu mục Nhà ở, đứng thứ 5. 69% người trả lời đánh giá rằng nhà ở tại Việt Nam có giá cả phải chăng, so với 39% trên toàn cầu. 76% trong số họ nói rằng dễ tìm được nhà, so với 54% trên toàn cầu.

Cuộc khảo sát cho thấy Bahrain là điểm đến tốt nhất thế giới cho người nước ngoài và Đức là điểm đến tệ nhất. Singapore đứng thứ 3 trong danh sách, được đánh giá cao về Cuộc sống số và Indonesia đứng thứ 6 nhờ nhà ở có giá cả phải chăng. Cả hai nước này đều nhận đánh giá tích cực về Ngôn ngữ.