VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Soi kết quả kinh doanh của top 10 công ty bất động sản năm 2023

Soi kết quả kinh doanh của top 10 công ty bất động sản năm 2023

07:08 - 08/04/2023

Bảng xếp hạng này dựa trên dữ liệu tài chính, thông tin báo chí và khảo sát.

Ngày 7/4, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố top 10 công ty bất động sản năm 2023. Bảng xếp hạng này dựa trên nghiên cứu dữ liệu tài chính cập nhật đến ngày 31/12/2022, thông tin báo chí và khảo sát.

Công ty cổ phần Vinhomes – công ty bất động sản lớn nhất Việt Nam theo hầu hết các chỉ tiêu như doanh thu hay giá trị vốn hóa – đứng đầu bảng xếp hạng này. Nhưng một số doanh nghiệp lớn xét theo các chỉ tiêu tài chính như Novaland hay Kinh Bắc không có mặt trong top 10.

  1. Công ty cổ phần Vinhomes

Năm 2022, Vinhomes ghi nhận tổng doanh thu thuần hợp nhất 62.392 tỷ đồng – cao nhất trong ngành. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 38.661 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất sau thuế của công ty mẹ đạt 28.628 tỷ đồng, cho thấy biên lợi nhuận rất cao so với trung bình chung của ngành.

Công ty phụ trách mảng bất động sản nhà ở của Tập đoàn Vingroup hiện là doanh nghiệp bất động sản có giá trị vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán, đạt hơn 220 nghìn tỷ đồng tính đến cuối phiên giao dịch ngày 7/4.

  1. Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long

Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long ghi nhận doanh thu thuần 4.339 tỷ đồng trong năm 2022, giảm 17% so với năm trước. Gánh nặng chi phí và thiếu nguồn lãi khác khiến lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm 41% so với năm 2021, xuống còn 866,5 tỷ đồng.

Cổ phiếu NLG của công ty có giá trị vốn hóa hơn 11 nghìn tỷ đồng vào ngày 7/4.

  1. Công ty cổ phần Tập đoàn Ecopark

Công ty cổ phần Tập đoàn Ecopark được thành lập năm 2003, nổi tiếng với việc phát triển dự án khu đô thị Ecopark ở tỉnh Hưng Yên.

Vì không phải là công ty niêm yết, Ecopark không thường xuyên công bố báo cáo tài chính. Theo tìm hiểu, doanh thu của tập đoàn năm 2019 là 4.346 tỷ đồng và lãi sau thuế 433 tỷ đồng, đều tăng hơn 30% so với năm 2018. Tổng tài sản tính đến cuối năm 2019 là gần 10.000 tỷ đồng.

  1. Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền

Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền ghi nhận tổng doanh thu 2.912 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.081,2 tỷ đồng trong năm 2022, giảm lần lượt 22,1% và 10,2% so với cùng kỳ 2021. Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của công ty là 21.632 tỷ đồng, tăng 50% so với thời điểm đầu năm. Phần lớn mức tăng đến từ hàng tồn kho.

Trên thị trường chứng khoán, Khang Điền được niêm yết dưới mã KDH, có giá trị vốn hóa hơn 20 nghìn tỷ đồng – lớn thứ 6 trong ngành bất động sản.

  1. Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt

Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt đạt doanh thu 1.505 tỷ đồng trong năm 2022. Lãi ròng của công ty là 1.146 tỷ đồng, chủ yếu nhờ ghi nhận doanh thu tài chính tăng đột biến với việc chuyển nhượng cổ phần một công ty con. Tổng tài sản của công ty ở thời điểm cuối năm ngoái là 22.845 tỷ đồng.

Niêm yết ở sàn HoSE dưới mã PDR, Phát Đạt có giá trị vốn hóa hơn 9.000 tỷ đồng. Tháng 11 năm ngoái, cổ phiếu PDR từng có chuỗi giảm hàng chục phiên liên tiếp, đánh mất khoảng 3/4 thị giá.

  1. Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô

Không chỉ kinh doanh bất động sản, Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô còn phát triển các dự án điện mặt trời, điện gió, thủy điện. Năm ngoái, doanh thu mảng bất động sản của công ty sụt giảm mạnh hơn 40% xuống còn 1.142 tỷ đồng, nhưng mảng năng lượng lại tăng trưởng 69%, giúp doanh thu toàn tập đoàn chỉ giảm 3,6% so với năm 2021. Lợi nhuận của Hà Đô năm ngoái cũng chủ yếu do mảng năng lượng mang lại.

Cổ phiếu của Hà Đô hiện niêm yết dưới mã HDG ở sàn HoSE, với giá trị vốn hóa 7.656 tỷ đồng.

  1. Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng

Gần đây, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng công bố một số chị tiêu tài chính năm 2022. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của công ty tăng 40% so với năm 2021 lên 3.615 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt hơn 34 nghìn tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2022.

Được thành lập vào tháng 12/2008, công ty này nổi tiếng nhất với dự án khu đô thị Phú Mỹ Hưng ở quận 7, TP HCM.

  1. Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng

Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2022, Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC) ghi nhận doanh thu 1.897 tỷ đồng, giảm 26% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 191 tỷ đồng, giảm 81% so với năm trước.

Vốn hóa công ty tính đến ngày 7/4 là 10.367 tỷ đồng. Trong năm 2022, cổ phiếu của công ty (mã DIG) giảm giá hơn 80%.

  1. Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest

Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest ghi nhận doanh thu 2.157 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 491 tỷ đồng trong năm 2022, lần lượt giảm 17% và 43% so với năm 2021. Tổng tài sản của công ty tăng 11,5% trong năm, đạt 10.973,5 tỷ đồng ở ngày 31/12/2022.

Niêm yết dưới mã VPI ở HoSE, Văn Phú – Invest hiện có giá trị vốn hóa lớn thứ 8 trên sàn chứng khoán, đạt 13.300 tỷ đồng.

  1. Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia

Trước năm 2022, kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia thường dựa nhiều vào lợi nhuận tài chính. Vì vậy, khi hoạt động tài chính không còn đóng góp vào lợi nhuận công ty trong năm 2022, An Gia báo cáo lãi sau thuế giảm 77% so với năm 2021 xuống còn 96 tỷ đồng, bất chấp doanh thu thuần tăng 3,4 lần lên 6.188 tỷ đồng.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu AGG của công ty rơi vào nhóm vốn hóa tầm trung, đạt 3.553 tỷ đồng.