VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, Samsung thắng trong ván cược dài hạn

Chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, Samsung thắng trong ván cược dài hạn

11:18 - 12/05/2023

Tập đoàn điện tử Hàn Quốc đi trước các đối thủ khi dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam một thập kỷ trước.

Một thập kỷ trước khi hàng loạt các doanh nghiệp đa quốc gia rục rịch chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro, một ông lớn ngành điện tử đã bắt đầu thực hiện điều đó. Doanh nghiệp này là ví dụ cho thấy các công ty hoàn toàn có thể giảm sự phụ thuộc vào trung tâm sản xuất 1,4 tỷ dân, miễn là họ có quyết tâm làm vậy.

Khi đó, khác với các đối thủ như Apple, Samsung không cho rằng chiến lược sản xuất toàn cầu phải tập trung vào Trung Quốc, và Việt Nam trở thành một trong những địa điểm sản xuất thay thế của công ty Hàn Quốc.

Tình hình hiện tại cho thấy đây là một quyết định vô cùng sáng suốt của Samsung.

Samsung đã có nhà máy sản xuất tại Việt Nam trong hơn một thập kỷ.

Samsung đã có nhà máy sản xuất tại Việt Nam trong hơn một thập kỷ.

Một lý do có thể thúc đẩy Samsung chuyển sản xuất sang Việt Nam sớm hơn những doanh nghiệp phương Tây là khoảng cách địa lý và lịch sử của Hàn Quốc với Trung Quốc. Công ty muốn tránh “bỏ hết trứng của mình vào một giỏ”, điều mà Apple đã làm cho đến trước vài năm gần đây.

Trong hầu hết thế kỷ 21, chuỗi cung ứng gần như nằm hoàn toàn ở Trung Quốc của Apple giúp nhà sản xuất iPhone trở thành công ty giá trị nhất thế giới. Nhưng gần đây, khi những vấn đề như phong tỏa Covid-19 hay căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc bộc lộ, Apple phải gấp rút mở rộng sản xuất ở những nơi như Việt Nam và Ấn Độ.

Trong khi đó, Samsung đã có kinh nghiệm sản xuất ở Việt Nam trong nhiều năm. Điều đó nghĩa là công ty có thể đưa ra những tính toán hợp lý hơn khi mở rộng một cách dần dần, không gấp rút. Chi phí lao động ở Việt Nam cũng thấp hơn Trung Quốc, trong khi Samsung vẫn dễ dàng tiếp cận nguồn cung linh kiện từ Thâm Quyến.

Samsung bắt đầu chuyển sang Việt Nam ngay khi nước ta đặt những nền móng để trở thành điểm nóng tiếp theo của lĩnh vực sản xuất toàn cầu. Việt Nam đã tham gia ít nhất 7 hiệp định thương mại tự do, với các đối tác từ Mỹ, EU đến Trung Quốc, thể hiện thiện chí kinh doanh của đất nước.

Với lợi thế giáp Trung Quốc và đường bờ biển dài, Việt Nam cũng có tiềm năng logistics rất lớn. 3 trong số 50 cảng bận rộn nhất thế giới nằm ở Việt Nam, bao gồm cảng Sài Gòn, Hải Phòng và Cái Mép. Tổng lượng hàng qua 3 cảng này tăng 15% từ năm 2020 đến 2021, trong khi hầu hết thế giới không tăng trưởng.

Samsung không rút hẳn khỏi Trung Quốc, nhưng quy mô nhân sự của công ty ở nước này đã giảm từ 60.000 vào năm 2013 xuống còn 18.000 vào năm 2021. Samsung đóng cửa nhà máy sản xuất điện thoại cuối cùng của mình ở đây vào năm 2019.

Những căng thẳng giữa Bắc Kinh và Seoul hồi năm 2016 và 2017 cũng thúc đẩy việc dịch chuyển này. Sau khi Hàn Quốc lên kế hoạch đặt hệ thống radar phòng thủ tên lửa công nghệ cao của Mỹ, Trung Quốc thực hiện một loạt các hành động chèn ép với những doanh nghiệp Hàn Quốc cũng như hạn chế người Trung Quốc du lịch Hàn Quốc.

Với dân số chỉ khoảng 100 triệu, Việt Nam không thể thay thế hoàn toàn cho Trung Quốc, nhưng có thể là một phần trong chiến lược thay thế. Samsung cũng đầu tư lớn vào Ấn Độ, nơi chiếm 20-30% tổng sản lượng điện thoại của công ty.

Tuy nhiên, Samsung có một số lợi thế đặc biệt khi quyết định rời Trung Quốc. Thứ nhất, thị phần của công ty ở thị trường Trung Quốc rất thấp do bị cạnh tranh trực tiếp bởi các nhà sản xuất nội địa như Xiaomi, nên Samsung không cần quá lo lắng về ảnh hưởng đến doanh số khi dịch chuyển sản xuất. Thứ hai, Samsung chiếm thị phần cao nhất ở Đông Nam Á và Ấn Độ, nên việc dịch chuyển sản xuất đưa sản phẩm của công ty đến gần nơi tiêu thụ hơn.

Trung Quốc vẫn sẽ là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng thế giới trong thời gian dài, nhưng Samsung cho thấy rằng việc chuyển sản xuất ra khỏi nước này là điều hoàn toàn có thể thực hiện thành công.