VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Làn sóng doanh nghiệp Mỹ quan tâm đến Việt Nam sau chuyến thăm của Biden

Làn sóng doanh nghiệp Mỹ quan tâm đến Việt Nam sau chuyến thăm của Biden

10:31 - 10/10/2023

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng trước có thể là “đèn xanh” để các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam.

Việt Nam có thể đang trong một giai đoạn bùng nổ đầu tư nước ngoài mới, dẫn đầu bởi các doanh nghiệp Mỹ – vốn ít đầu tư hơn vào Việt Nam so với các cường quốc kinh tế châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản.

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng trước nhằm tăng cường quan hệ ngoại giao song phương dường như mở ra một kỷ nguyên mới về tăng cường liên kết kinh tế giữa hai nước.

Trong chuyến thăm trụ sở của gã khổng lồ chip Nvidia ở San Francisco ngày 19/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi CEO Nvidia Jensen Huang lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam và tận dụng nó làm trung tâm sản xuất ở Đông Nam Á. Nvidia là nhà sản xuất hàng đầu những con chip dùng trong các hệ thống trí tuệ nhân tạo. Trả lời đề xuất của ông Chính, ông Huang cho biết Việt Nam đang trải qua những thay đổi to lớn.

Ông Chính cũng gặp gỡ những nhân vật nổi bật khác trong lĩnh vực công nghệ Mỹ, bao gồm nhà sáng lập Microsoft Bill Gates, các giám đốc điều hành cấp cao của Meta và SpaceX của Elon Musk.

Những chuyến thăm và gặp gỡ này nằm trong lịch trình bận rộn của Thủ tướng trước khi tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Việt Nam trong việc thúc đẩy mối quan hệ với các đại gia công nghệ Mỹ.

Hai nước nâng quan hệ song phương lên mức cao nhất trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam vào tháng trước.

Hai nước nâng quan hệ song phương lên mức cao nhất trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam vào tháng trước.

Trong chuyến thăm Việt Nam, ông Biden đã hội đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhất trí nâng quan hệ song phương lên mức cao nhất: “đối tác chiến lược toàn diện”. Đây là lần đầu tiên Việt Nam nâng quan hệ với một nước lên thẳng 2 bậc.

Các cuộc đàm phán cấp cao giữa hai nhà lãnh đạo đi kèm với một số thương vụ kinh doanh lớn. Vietnam Airlines ký thỏa thuận sơ bộ mua 50 máy bay Boeing 737 Max trong một hợp đồng trị giá khoảng 10 tỷ USD.

FPT công bố hợp tác chiến lược với công ty khởi nghiệp Landing AI của Mỹ. Synopsys – một công ty thiết kế chất bán dẫn hàng đầu – ký một biên bản ghi nhớ để hợp tác giúp ngành bán dẫn Việt Nam nâng cao năng lực của lực lượng thiết kế chip và năng lực nghiên cứu chế tạo chip.

Trong lịch sử, Việt Nam từng có 3 đợt bùng nổ lớn về đầu tư trực tiếp nước ngoài. Lần đầu là khi Honda bắt đầu sản xuất xe máy trong nước vào năm 1997. Làn sóng thứ hai kéo dài từ đầu những năm 2000 đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, bao gồm việc Samsung Electronics của Hàn Quốc lập nhà máy sản xuất điện thoại di động tại tỉnh Bắc Ninh.

Cuộc bùng nổ thứ ba được cho là xảy ra mạnh nhất vào giữa thập niên 2010. Với sức mua ngày càng tăng, Việt Nam trở thành mục tiêu béo bở cho các doanh nghiệp tiêu dùng nước ngoài. Ví dụ, đại gia bán lẻ Nhật Bản Aeon khai trương cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam – Aeon Mall Tân Phú Celadon – tại TP HCM vào năm 2014.

Giờ đây, chuyến thăm của ông Biden có thể kích thích làn sóng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam. Washington coi Việt Nam là một quốc gia thân thiện và không nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc. Động thái ngoại giao của ông Biden có thể được các doanh nghiệp Mỹ hiểu là “đèn xanh” để đầu tư vào Việt Nam.

Trong lịch sử, đầu tư kinh doanh của Mỹ vào Việt Nam khiêm tốn so với các cường quốc kinh tế châu Á như Nhật Bản hay Hàn Quốc. Tính đến cuối năm 2022, tổng vốn đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam là 11,4 tỷ USD, đứng thứ 11 và kém xa đáng kể so với Hàn Quốc (80,9 tỷ USD), Singapore (70,8 tỷ USD) và Nhật Bản (68,8 tỷ USD).

Việt Nam muốn chuyển hướng từ các ngành sử dụng nhiều lao động truyền thống như sản xuất hàng may mặc và lắp ráp hàng điện tử sang các ngành công nghệ cao có giá trị gia tăng cao hơn. Sự hợp tác với các công ty công nghệ Mỹ – đặc biệt là những công ty chiếm ưu thế trong ngành bán dẫn và AI – sẽ rất quan trọng cho quá trình chuyển hướng đó.

Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan liên quan của Chính phủ đào tạo 30.000 đến 50.000 chuyên gia bán dẫn. Với việc dự kiến áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cẩu vào năm 2024, Việt Nam đang cân nhắc những chính sách mới để thu hút các công ty đa quốc gia và tăng tốc chuẩn bị chào đón đầu tư nước ngoài. Nhưng vẫn cần thời gian để xem liệu làn sóng đầu tư nước ngoài thứ tư vào Việt Nam có trở thành hiện thực hay không.