VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Doanh nghiệp xuất khẩu chạy đua giao hàng trước thuế quan Mỹ

Doanh nghiệp xuất khẩu chạy đua giao hàng trước thuế quan Mỹ

11:00 - 18/04/2025

Trong những ngày qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam lao đao khi đương đầu với chính sách thuế quan biến động từ chính quyền Tổng thống Donald Trump. Các nhà máy buộc phải cắt giảm ca làm việc, hoãn đầu tư hoặc vội vã tăng sản lượng để “chạy thuế”, tạo nên tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Tại nhiều khu công nghiệp, công nhân được yêu cầu làm việc 3 ngày một tuần thay vì toàn thời gian, trong khi một số nhà máy lại thúc ép tăng ca nhằm kịp giao hàng trước khi mức thuế mới được áp dụng. Ông Calvin Nguyen, Giám đốc công ty logistics WeDo Forwarding, cho biết: “Các nhà máy buộc phải thay đổi lịch sản xuất, chia ca làm việc cách nhật vì đơn hàng từ Mỹ đang tạm ngưng.” Ba công ty trong lĩnh vực may mặc, giày dép và nông sản cũng đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất dù Mỹ vừa tuyên bố tạm hoãn áp thuế cao vào ngày 9/4.

Doanh nghiệp lao đao

Ở lĩnh vực điện tử, vốn chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Mỹ, Samsung đã tăng tốc sản xuất trước thời điểm thuế quan có thể có hiệu lực, trong khi LG Electronics tại Hải Phòng phải ngừng sản xuất tủ lạnh và dừng kế hoạch mở rộng lò vi sóng.

Trong khi đó, Pegatron – một nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn khác – đã chuẩn bị giảm sản lượng nhưng sau đó, khi Mỹ bất ngờ tạm ngưng áp thuế, đã quay lại tăng tốc xuất khẩu, tăng nhanh sản lượng để kịp xuất hàng trước thời điểm thuế quan có hiệu lực. Một nguồn tin nội bộ cho biết: “Trong ba tháng tới, kho hàng của Pegatron tại Mỹ sẽ tràn ngập sản phẩm từ Việt Nam.”

Mỗi 1% sụt giảm kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ có thể làm giảm 0,08 điểm phần trăm GDP. Ảnh: Vnbusiness.

Mỗi 1% sụt giảm kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ có thể làm giảm 0,08 điểm phần trăm GDP. Ảnh: Vnbusiness.

Không dừng lại ở lĩnh vực điện tử, ngành đồ gỗ – một trong những mũi nhọn xuất khẩu của Việt Nam – cũng đang chịu áp lực nặng nề. Ông Paul Yang, Phó Chủ tịch Công ty TNHH Yang Cheng Wooden Industries International (Việt Nam), doanh nghiệp chuyên cung cấp sản phẩm cho các thương hiệu nổi tiếng như Williams-Sonoma và Crate & Barrel Holdings, đang nhận được yêu cầu từ các khách hàng Mỹ: hãy giao ngay “bất cứ thứ gì đã sẵn sàng” trước khi Mỹ áp thuế trừng phạt mới đối với hàng xuất khẩu Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Tùng, Phó Giám đốc Công ty Tân Uyên Hardware, cho biết các khách hàng Mỹ đang yêu cầu nhà cung cấp Việt Nam chia sẻ mức thuế 10%. Nhưng với biên lợi nhuận mỏng, việc gánh thêm chi phí là điều không thể, khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ có nguy cơ phải cắt giảm lao động.

Ông Yang cũng thừa nhận rằng công ty của mình không thể chịu nổi việc chia sẻ mức thuế mới, thậm chí chỉ một nửa. “Nếu thuế quan tăng thêm nữa, tôi sẽ phải đóng cửa,” ông nói.

Ông Kiều Quốc Thanh, CEO của Tập đoàn xuất khẩu hạt điều SVC tại TP HCM, cho biết: “Các doanh nghiệp đang như ngồi trên đống lửa, liên tục kiểm tra thông tin về thuế mỗi giờ”. “Một container hạt điều của chúng tôi sang Mỹ hiện vẫn bị treo, chưa ai dám xác nhận mức thuế sẽ áp bao nhiêu”, ông nói.

Không chỉ các nhà xuất khẩu lo lắng, các tập đoàn logistics, nhà sản xuất phụ kiện và nhà đầu tư cũng chao đảo. Ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Khu công nghiệp DEEP C tại Hải Phòng, nhận định Việt Nam gần như không thể xóa được thâm hụt thương mại với Hoa Kỳ, nhất là khi năm 2024 thâm hụt này đã lên tới 123,5 tỷ USD. Nguyên nhân là do sự chênh lệch quá lớn giữa quy mô và cấu trúc hai nền kinh tế.

Ông Jaspaert, đồng thời cũng là Chủ tịch EuroCham Việt Nam, chia sẻ với báo chí rằng: “Thực tế, một quốc gia như Việt Nam không có đủ sức mạnh để đối phó hay cân bằng cán cân thương mại với Mỹ”.

Ông nhấn mạnh thêm: “Cách tính toán của họ – tức chính quyền Trump – là phi thực tế. Nếu muốn cân bằng thương mại như Mỹ mong muốn, thì Việt Nam sẽ phải mất hàng chục năm mới có thể mua đủ lượng hàng hóa từ Mỹ, điều đó là không thể trong thời gian ngắn”.

Ông Yang cho biết tuần trước ông đã liên tục nhận các cuộc gọi video từ khách hàng Mỹ thúc giục giao hàng nhanh nhất có thể.

Hiện tại, ông đang lo lắng vì 200 container đồ nội thất trị giá 4 triệu USD đang mắc kẹt trong kho và cảng, sau khi khách hàng yêu cầu tạm ngưng giao hàng do lo ngại mức thuế 46% mà ông Trump dọa áp dụng lên hàng hóa Việt Nam.

Nỗi bất an bao trùm cả người lao động lẫn chủ doanh nghiệp. “Mỗi ngày, công nhân hỏi tôi điều gì sẽ xảy ra sau 90 ngày nữa, nhưng tôi cũng không biết”, ông Yang nói.

Nguy cơ chồng chất

Ông Louis Nguyen, nhà sáng lập Saigon Asset Management, nhấn mạnh rằng các nhà máy FDI không chỉ mang lại hàng trăm ngàn việc làm cho người Việt Nam mà còn thúc đẩy sự hình thành một hệ sinh thái các nhà cung cấp địa phương. Những thay đổi này đã làm thay đổi vận mệnh của nhiều gia đình Việt Nam, vốn trước kia chỉ sống bằng nghề nông.

Việt Nam hiện là nước xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ, với giá trị xuất khẩu chiếm tới 30% GDP năm 2024. Bất kỳ thay đổi lớn nào từ Mỹ đều tác động trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam.

Mặc dù Tổng thống Trump đã tuyên bố tạm hoãn áp thuế 46% trong vòng 90 ngày, song mức thuế nhập khẩu cơ bản 10% vẫn được áp dụng, khiến doanh nghiệp và nhà nhập khẩu bối rối trong việc tính toán chi phí và định giá sản phẩm.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, chiến lược gia tại Công ty chứng khoán TP HCM, đánh giá: “Chúng ta đang trải qua giai đoạn cực kỳ bất ổn. Tình hình thay đổi từng ngày như một chương trình truyền hình thực tế”.

Áp lực còn đè nặng lên mục tiêu tăng trưởng GDP 8% mà Việt Nam đặt ra cho năm 2025. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, mỗi 1% sụt giảm kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ có thể làm giảm 0,08 điểm phần trăm GDP.

Trước nguy cơ suy thoái kinh tế, Việt Nam đã chủ động đàm phán với Mỹ, cam kết mua thêm máy bay Boeing, khí đốt LNG và hỗ trợ các dự án đầu tư của Mỹ.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng mở rộng hợp tác với Trung Quốc khi Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Hà Nội, ký kết nhiều thỏa thuận thương mại mới nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Các chuyên gia nhận định, mặc dù đối mặt với thách thức lớn, Việt Nam cũng có cơ hội tận dụng sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc để thu hút thêm đầu tư vào sản xuất.

Ông Craig Martin, Chủ tịch Dynam Capital, cho rằng nếu tận dụng tốt, Việt Nam có thể đón làn sóng đầu tư mới, nhất là từ các doanh nghiệp châu Âu đang tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, để giữ vững lợi thế, Việt Nam cần chủ động nâng cấp chất lượng sản phẩm, kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, tránh bị cuốn vào các tranh chấp thương mại quốc tế.

Trong bối cảnh sóng gió thương mại chưa có hồi kết, bài toán đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam là vừa tăng tốc đẩy mạnh xuất khẩu trong ngắn hạn, vừa kiên trì tái cấu trúc sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh để trụ vững và bứt phá trong dài hạn.

Theo:

https://vnbusiness.vn/viet-nam/doanh-nghiep-xuat-khau-chay-dua-giao-hang-truoc-thue-quan-my-1106200.html