VNReport»Top»5 tỷ phú giàu nhất châu Á 2021

5 tỷ phú giàu nhất châu Á 2021

16:54 - 21/07/2021

Top 5 người giàu nhất châu Á đều đến từ hai quốc gia đông dân nhất là Trung Quốc và Ấn Độ.

Mukesh Ambani

Ambani hiện là Chủ tịch đế chế đa ngành Reliance Industries. Trong khi nền kinh tế Ấn Độ gần như bị tàn phá bởi tác động của phong tỏa ngăn ngừa lây lan Covid-19, công ty của tỉ phú Mukesh Ambani vẫn thịnh vượng và tài sản cá nhân của ông tăng lên đáng kể.

Từ đầu năm 2021, Mukesh Ambani đã kiếm thêm được 2,3 tỷ USD nâng tổng tài sản của mình lên mức 84,5 tỷ USD. Tài sản của tỷ phú này tăng mạnh trong bối cảnh tập đoàn của ông liên tiếp nhận được những khoản đầu tư khổng lồ từ nhiều ông lớn như Google hay Facebook.

Từng có thời điểm Mukesh Ambani để mất ngôi vị giàu nhất châu Á vào tay tỷ phú Trung Quốc Zhong Shanshan nhưng ông đã nhanh chóng quay lại vị trí dẫn đầu. Ambani đang tập trung vào chiến lược dịch chuyển đế chế kinh doanh của ông theo hướng công nghệ và thương mại điện tử.

Zhong Shanshan

Nhà sáng lập công ty nước đóng chai Nongfu Spring của Trung Quốc Zhong Shanshan là người giàu thứ hai châu Á với tài sản 68,9 tỷ USD. Sự giàu có của ông không đến từ các nguồn tiền truyền thống như bất động sản hay công nghệ mà từ những chai nước uống.

Dưới sự dẫn dắt của Zhong Shanshan, thương hiệu Nongfu trở nên nổi tiếng khắp Trung Quốc và dần mở rộng sản xuất từ nước uống đóng chai thông thường sang đồ uống tăng lực, bổ sung vitamin. Đến năm 2018, hãng đồ uống này chiếm lĩnh khoảng 26% thị phần ngành nước uống đóng chai trị giá 30 tỷ USD của Trung Quốc.

Ngoài cổ phần trong Nongfu Spring, tỷ phú này còn sở hữu 75% cổ phần của công ty dược Beijing Wantai Biological Pharmacy Enterpris. Tháng 4/2020, hãng dược Beijing Wantai Biological Pharmacy Enterprise đã niêm yết cổ phiếu tại sàn Thượng Hải. Mã cổ phiếu này đã tăng hơn 2.100% kể từ khi niêm yết do là một trong các công ty đang phát triển vaccine Covid-19. Việc này giúp Zhong Shanshan bỏ túi thêm 10 tỷ USD.

Ma Huateng

Tỷ phú Ma Huateng hay còn gọi là Tony Ma hiện giữ chức Chủ tịch Tập đoàn Tencent và là tỷ phú giàu thứ ba châu Á với tổng tài sản ròng trị giá 65,8 tỷ USD.

Ma Huateng thành lập Tencent năm 1998 tại một văn phòng nhỏ ở khu bán buôn đồ điện tử ở trung tâm công nghệ Thâm Quyến của Trung Quốc. Kể từ khi phát hành ứng dụng nhắn tin thời đầu tiên OICQ mà sau này đổi tên thành QQ, Tencent đã phát triển thành một tập đoàn giải trí trực tuyến khổng lồ với hoạt động kinh doanh đa dạng gồm trò chơi, âm nhạc, video trực tuyến, mạng xã hội, thanh toán di động…

Hiện Tencent Holdings là một trong những tập đoàn lớn nhất Trung Quốc xét về mặt vốn hóa thị trường đồng thời sở hữu ứng dụng nhắn tin WeChat phổ biến nhất đất nước này với hơn 1 tỷ người dùng. Thời gian gần đây, Tencent cũng như các gã khổng lồ internet khác bị chính quyền Trung Quốc liên tục áp dụng các biện pháp nhằm kiềm chế sức mạnh sau thời gian dài được thả lỏng.

Colin Zeng Huang

Colin Zheng Huang là người sáng lập sàn thương mại điện tử giảm giá Pinduoduo ra mắt vào năm 2015. Pinduoduo được biết đến là công ty đi tiên phong trong thương mại điện tử xã hội ở Trung Quốc. Khi mới ra mắt, mô hình này đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng, thu hút hơn 100 triệu người dùng hoạt động một tháng trong năm đầu tiên.

Tính đến cuối năm 2020, với hơn 788 triệu người dùng, Pinduoduo vượt qua đối thủ lớn của những gã khổng lồ thương mại điện tử như Alibaba và JD.com xét về số lượng người dùng. Doanh thu hàng năm của Pinduoduo ước tính khoảng 9,1 tỷ USD.

Cùng với Pinduoduo, Colin Zeng Huang còn thiết lập một mạng lưới rộng rãi những công ty về game và thương mại điện tử ở Thượng Hải, biến ông trở thành ông vua Internet tại thành phố này. Dù vừa “nghỉ hưu” sớm ở tuổi 40 nhưng Colin Zeng Huang đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trong ngành công nghiệp Internet ở Trung Quốc khi tạo ra khối tài sản cá nhân trị giá 55,3 tỷ USD và một công ty với giá trị thị trường 180 tỷ USD.

Gautam Adani

Adani đã nổi lên như vua cơ sở hạ tầng của Ấn Độ khi nắm quyền lãnh đạo Adani Group – tập đoàn đa ngành công nghiệp từ sản xuất điện, dầu mỏ, bất động sản và cơ sở hạ tầng. Hiện nay, khối tài sản của ông Adani đạt 48,4 tỷ USD, chiếm vị trí giàu thứ 5 châu Á.

Trong vòng 2 năm qua, cổ phiếu của các công ty con trong “đế chế” cảng biển, khai mỏ và nhà máy phát điện của ông Adani tăng chóng mặt. Giá các cổ phiếu trên đã tăng hơn 500% từ đầu năm 2020 đến nay khi giới đầu tư đặt cược rằng chiến lược của ông Adani sẽ mang lại lợi nhuận lớn.

Vốn là một “đại gia” ngành than, Gautam Adani có chiến lược dịch chuyển khỏi lĩnh vực nhiên liệu hoá thạch và chuyển sang lĩnh vực năng lượng sạch nhằm củng cố tương lai của tập đoàn. Kế hoạch của ông là tăng công suất năng lượng tái tạo của mình lên gần gấp 8 lần vào năm 2025. Các kế hoạch đầy tham vọng của tỷ phú này đang nhận được sự ủng hộ từ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.