VNReport»Kinh tế»Tài chính»Arab Saudi cân nhắc cho Trung Quốc mua dầu bằng nhân dân tệ

Arab Saudi cân nhắc cho Trung Quốc mua dầu bằng nhân dân tệ

10:29 - 16/03/2022

Cuộc đàm phán giữa Ả Rập Xê Út và Trung Quốc tăng tốc khi mối quan hệ giữa Riyadh và Washington xấu đi.

Ả Rập Xê Út đang tích cực đàm phán với Bắc Kinh để định giá một phần lượng dầu xuất khẩu Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ, theo nguồn tin của tờ Wall Street Journal. Nếu được thực hiện, động thái này sẽ làm giảm sự thống trị của đồng USD trên thị trường dầu toàn cầu và đánh dấu sự xích lại hơn nữa giữa nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới và Trung Quốc.

Các cuộc đàm phán giữa 2 nước về vấn đề này đã diễn ra không liên tục trong 6 năm nhưng tăng tốc trong năm nay do Ả Rập Xê Út ngày càng không hài lòng với các cam kết an ninh kéo dài trong nhiều thập kỷ của Mỹ để bảo vệ vương quốc, nguồn tin cho biết.

Ả Rập Xê Út tức giận về việc Mỹ không ủng hộ nước này can thiệp vào cuộc nội chiến Yemen và về nỗ lực của chính quyền của Tổng thống Joe Biden nhằm đạt được thỏa thuận với Iran về chương trình hạt nhân của nước này. Các quan chức Ả Rập Xê Út cho biết họ bị sốc trước đợt rút quân vội vàng của Mỹ khỏi Afghanistan vào năm ngoái.

Trung Quốc mua hơn 25% lượng dầu mà Ả Rập Xê Út xuất khẩu. Nếu được định giá bằng đồng nhân dân tệ, điều đó sẽ thúc đẩy vị thế của đồng tiền Trung Quốc. Ả Rập Xê Út cũng đang xem xét đưa các hợp đồng tương lai bằng đồng nhân dân tệ (được gọi là Petroyuan) vào mô hình định giá của Saudi Aramco – tập đoàn dầu khí nhà nước của nước này.

Nếu được thực hiện, điều này đánh dấu sự thay đổi sâu sắc của Ả Rập Xê Út khi định giá một phần trong số khoảng 6,2 triệu thùng dầu thô xuất khẩu mỗi ngày của họ bằng một đồng tiền không phải USD. Phần lớn doanh số bán dầu toàn cầu – khoảng 80% – được thực hiện bằng USD, và Ả Rập Xê Út đã kinh doanh dầu hoàn toàn bằng USD kể từ năm 1974, trong một thỏa thuận với Mỹ bao gồm đảm bảo về an ninh cho đất nước.

"<yoastmark

Trung Quốc giới thiệu hợp đồng dầu định giá bằng đồng nhân dân tệ vào năm 2018 như một phần trong nỗ lực phổ biến đồng tiền của nước này trên khắp thế giới, nhưng đến nay vẫn chưa làm giảm sự thống trị của đồng USD trên thị trường dầu thô. Đối với Trung Quốc, việc sử dụng đồng USD là một nguy cơ được thể hiện qua các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran về chương trình hạt nhân của nước này và đối với Nga để đáp trả cuộc xâm lược Ukraine.

Trung Quốc tăng cường mời gọi Ả Rập Xê Út trong những năm gần đây. Bắc Kinh giúp Riyadh chế tạo tên lửa đạn đạo của riêng mình, góp ý ​​về chương trình hạt nhân và đầu tư vào các dự án ưa thích của Thái tử Mohammed bin Salman, chẳng hạn như thành phố tương lai Neom. Ả Rập Xê Út đã mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm vào cuối năm nay.

Trong khi đó, mối quan hệ giữa Ả Rập Xê Út với Mỹ xấu đi dưới thời Biden – từng phát biểu trong chiến dịch tranh cử năm 2020 rằng vương quốc này nên là bị cô lập vì vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018. Thái tử Mohammed, người mà tình báo Mỹ cho biết đã ra lệnh cho vụ sát hại đó, từ chối tham gia cuộc điện đàm giữa ông Biden và Quốc vương Salman vào tháng trước.

Mối quan hệ kinh tế giữa 2 nước cũng đang suy giảm. Mỹ hiện là một trong những nhà sản xuất dầu hàng đầu trên thế giới. Nước này từng nhập khẩu 2 triệu thùng dầu thô của Ả Rập Xê Út mỗi ngày vào đầu những năm 1990 nhưng con số này đã giảm xuống dưới 500.000 thùng/ngày vào tháng 12/2021, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ.

Ngược lại, lượng nhập khẩu dầu của Trung Quốc tăng mạnh trong 3 thập kỷ qua, theo đà tăng trưởng kinh tế của nước này. Ả Rập Xê Út là nhà cung cấp dầu thô hàng đầu của Trung Quốc vào năm 2021, ở mức 1,76 triệu thùng/ngày, tiếp theo là Nga với 1,6 triệu thùng/ngày, theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

“Các động lực đã thay đổi đáng kể. Mối quan hệ của Mỹ với Ả Rập Xê Út đã thay đổi, Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và họ đang đưa ra nhiều ưu đãi có lợi cho vương quốc”, một quan chức Ả Rập Xê Út quen thuộc với cuộc đàm phán cho biết.

Bộ trưởng ngoại giao của Ả Rập Xê Út và Trung Quốc gặp mặt đầu năm nay. Hai nước đang thắt chặt quan hệ trong những năm gần đây.

Bộ trưởng ngoại giao của Ả Rập Xê Út và Trung Quốc gặp mặt đầu năm nay. Hai nước đang thắt chặt quan hệ trong những năm gần đây.

Một quan chức cấp cao của Mỹ gọi ý tưởng Ả Rập Xê Út bán dầu cho Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ là “khó có khả năng xảy ra”. Quan chức này cho biết Ả Rập Xê Út từng đưa ra ý tưởng này trong quá khứ khi có căng thẳng giữa Washington và Riyadh.

Việc chuyển đổi giao dịch hàng triệu thùng dầu mỗi ngày từ USD sang nhân dân tệ có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Ả Rập Xê Út, vốn sử dụng đồng riyal cố định tỷ giá với đồng USD. Các trợ lý của Thái tử Mohammed đã cảnh báo ông về thiệt hại kinh tế khó lường nếu tiến hành kế hoạch một cách vội vàng.

Tăng cường giao dịch bằng đồng nhân dân tệ sẽ kết nối Ả Rập Xê Út chặt chẽ hơn với đồng tiền của Trung Quốc, vốn chưa thu hút được nhà đầu tư quốc tế vì các biện pháp kiểm soát chặt chẽ của Bắc Kinh. Việc ký hợp đồng bán dầu bằng một loại tiền tệ kém ổn định hơn cũng có thể làm suy yếu triển vọng tài chính của chính phủ Ả Rập Xê Út.

Tác động đối với nền kinh tế Ả Rập Xê Út có thể phụ thuộc vào lượng dầu bán bằng nhân dân tệ và giá dầu. Một số nhà kinh tế cho biết điều này sẽ đa dạng hóa nguồn doanh thu của vương quốc và có thể cho phép nước này cố định đồng riyal với một rổ tiền tệ, không chỉ riêng đồng USD.

“Nếu được thực hiện ngay bây giờ vào thời điểm giá dầu mạnh, điều đó sẽ không bị coi là tiêu cực. Nó sẽ được nhìn nhận là thắt chặt quan hệ với Trung Quốc”, Monica Malik, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thương mại Abu Dhabi, cho biết.

Những người quen thuộc với cuộc đàm phán cho biết Ả Rập Xê Út vẫn có kế hoạch thực hiện hầu hết giao dịch dầu bằng USD. Nhưng động thái này có thể thúc đẩy các nhà sản xuất khác cũng bán dầu cho Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ. Những nguồn dầu lớn khác của Trung Quốc là Nga, Angola và Iraq.

Động thái của Ả Rập Xê Út có thể làm mất uy thế tuyệt đối của đồng USD trong hệ thống tài chính quốc tế. Washington đã dựa vào điều này trong hàng thập kỷ để in tiền nhằm tài trợ cho những khoản thâm hụt ngân sách của mình.

“Thị trường dầu mỏ, và rộng ra là toàn bộ thị trường hàng hóa toàn cầu, là hợp đồng bảo hiểm cho vị trí của đồng USD như một đồng tiền dự trữ”, theo nhà kinh tế Gal Luft, đồng tác giả của một cuốn sách về phi đô la hóa. “Nếu viên gạch đó được lấy ra khỏi bức tường, bức tường sẽ bắt đầu sụp đổ”.