VNReport»Kinh tế»Tài chính»Chuyên gia dự báo Mỹ suy thoái vào năm sau

Chuyên gia dự báo Mỹ suy thoái vào năm sau

09:44 - 13/06/2022

Đa số các nhà kinh tế do tờ Financial Times khảo sát dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ suy thoái vào năm 2023, khi Fed cố gắng hạ nhiệt lạm phát cao nhất trong 4 thập kỷ.

Nền kinh tế Mỹ sẽ suy thoái vào năm tới, theo gần 70% các nhà kinh tế học hàng đầu do tờ Financial Times khảo sát.

Cuộc khảo sát mới nhất, được thực hiện với sự hợp tác của Tổ chức Sáng kiến ​​Thị trường Toàn cầu tại Trường Kinh doanh Booth (Đại học Chicago), cho thấy sắp có nhiều sóng gió cho nền kinh tế lớn nhất thế giới, khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng cường nỗ lực kiềm chế lạm phát cao nhất trong khoảng 40 năm.

Ngân hàng trung ương Mỹ đã bắt đầu một chiến dịch có thể trở thành một trong những chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ. Kể từ tháng 3, họ đã tăng lãi suất chuẩn của mình thêm 0,75 điểm phần trăm từ mức gần 0.

Ủy ban Thị trường Mở Liên bang lại tập hợp vào thứ Ba cho một cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày. Tại đó, các quan chức dự kiến thực hiện tăng lãi suất nửa điểm lần thứ 2 liên tiếp và báo hiệu sẽ tiếp tục tăng ở tốc độ đó ít nhất cho đến tháng 9.

Gần 40% trong số 49 nhà kinh tế được hỏi dự đoán rằng Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) – cơ quan đưa ra quyết định về thời điểm suy thoái bắt đầu và kết thúc – sẽ tuyên bố có một đợt suy thoái vào quý I hoặc quý II năm 2023. Khoảng 1/3 tin rằng quyết định đó đến vào nửa sau năm tới.

NBER mô tả suy thoái là một “sự suy giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế lan rộng trên toàn nền kinh tế và kéo dài hơn một vài tháng”. Chỉ một nhà kinh tế dự báo suy thoái trong năm 2022, với đa số dự đoán tăng trưởng việc làm hàng tháng ở mức trung bình từ 200.000 đến 300.000 trong thời gian còn lại của năm. Tỷ lệ thất nghiệp vào tháng 12 được dự báo ổn định ở mức 3,7%.

Kết quả khảo sát trên – được thu thập từ 6/6 đến 9/6 – đi ngược lại quan điểm của Fed rằng họ có thể thắt chặt chính sách tiền tệ mà không gây ra thiệt hại kinh tế đáng kể. Ngân hàng trung ương dự đoán, khi tăng lãi suất, các doanh nghiệp trên thị trường lao động vốn đang nóng sẽ chọn giảm thuê mới, thay vì sa thải nhân viên, nhờ đó hạ nhiệt tăng trưởng tiền lương.

Chủ tịch Fed Jerome Powell đã thừa nhận rằng nỗ lực của Fed trong kiềm chế lạm phát có thể gây ra “một chút đau đớn”, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng “một vài điểm”. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế được hỏi lo kết quả bất lợi hơn với mức độ nghiêm trọng của tình hình lạm phát và thực tế là chính sách tiền tệ cần phải thắt chặt hơn nhiều trong thời gian ngắn để giải quyết lạm phát.

Tara Sinclair – nhà kinh tế học tại Đại học George Washington – cho biết. “Ý tưởng rằng chúng ta sẽ giảm thu nhập vừa đủ và giảm chi tiêu vừa đủ để đưa giá cả trở lại mục tiêu 2% của Fed là không thực tế”.

So với cuộc khảo sát hồi tháng Hai, nhiều nhà kinh tế hơn cho rằng lạm phát cơ bản (được đo bằng chỉ số giá chi tiêu cá nhân) sẽ vượt 3% vào cuối năm 2023. Trong cuộc khảo sát mới nhất, 12% cho rằng kết quả đó là “rất có thể”, tăng từ mức 4% vào đầu năm nay. Tỷ lệ những nhà kinh tế cho rằng mức đó “khó xảy ra” giảm gần một nửa.

Căng thẳng địa chính trị và sự gia tăng chi phí năng lượng được cho là yếu tố có khả năng tiếp tục gây áp lực tăng lên lạm phát trong 12 tháng tới, kéo theo sự gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài. Đến cuối năm, ước tính trung bình cho lạm phát cơ bản là 4,3%.

Jonathan Wright – nhà kinh tế học tại Đại học Johns Hopkins – cho biết sự bi quan xung quanh cả triển vọng lạm phát và tăng trưởng gợi nhớ về thập niên 1970 và tình trạng “lạm phát đình trệ”, mặc dù ông cho biết tình hình khi đó tệ hơn nhiều.

Gần 40% các nhà kinh tế cảnh báo rằng Fed sẽ không thể kiểm soát lạm phát nếu họ chỉ tăng lãi suất lên 2,8% vào cuối năm nay. Để đạt được mức lãi suất đó, Fed phải tăng nửa điểm tại cả 3 cuộc họp tiếp theo vào tháng 6, tháng 7 và tháng 9 trước khi giảm mức tăng xuống 1/4 điểm cho 2 cuộc họp cuối năm 2022.

Rất ít nhà kinh tế kỳ vọng Fed sẽ tăng 0,75 điểm phần trăm.

Christiane Baumeister – giáo sư tại Đại học Notre Dame – cho biết Fed có thể tăng lãi suất cao hơn nữa trong năm tới, có thể lên đến 4%. Mức đó cao hơn một chút so với mức lãi suất mà đa số nhà kinh tế dự báo là đỉnh của chu kỳ thắt chặt này.

Dean Croushore – từng là nhà kinh tế học tại chi nhánh Philadelphia của Fed trong 14 năm – cảnh báo rằng ngân hàng trung ương cuối cùng có thể cần phải tăng lãi suất lên khoảng 5% để giải quyết một vấn đề mà ông tin rằng chủ yếu là do Fed đã chờ đợi “quá lâu” hành động.

“Luôn luôn khó để giảm lạm phát một khi nó đã tăng cao”, ông nói. “Chỉ cần họ tăng tốc một chút nữa, thì điều đó có thể gây ra một chút biến động tài chính trong ngắn hạn, nhưng họ có thể dễ thờ hơn vì không phải làm nhiều sau này”.