VNReport»Kinh tế»Tài chính»Các thị trường tài chính kết thúc nửa đầu năm tệ nhất nhiều thập kỷ

Các thị trường tài chính kết thúc nửa đầu năm tệ nhất nhiều thập kỷ

08:54 - 01/07/2022

Các thị trường từ cổ phiếu, trái phiếu đến tiền mã hóa đều lao dốc trong nửa đầu năm 2022. Nhà đầu tư đang chuẩn bị cho nhiều biến động hơn nữa trong nửa cuối năm.

Thị trường tài chính toàn cầu kết thúc nửa đầu năm khó khăn nhất trong nhiều thập kỷ, khiến các nhà đầu tư phải chuẩn bị tinh thần cho viễn cảnh thua lỗ nhiều hơn nữa.

Lạm phát cao và lãi suất tăng thúc đẩy đợt bán tháo kéo dài hàng tháng, gây thiệt hại cho hầu hết các thị trường. Chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ giảm 21% tính đến hết thứ Năm – mức giảm tồi tệ nhất trong nửa đầu năm kể từ 1970. Trái phiếu cấp độ đầu tư – được đo lường bởi quỹ Trái phiếu tổng hợp iShares Core của Mỹ ­– mất 11%, khởi đầu tệ nhất trong lịch sử.

Cổ phiếu và trái phiếu ở các thị trường mới nổi cũng giảm mạnh do tăng trưởng kinh tế chậm lại. Và tiền mã hóa sụp đổ, khiến các nhà đầu tư cá nhân cũng như quỹ đầu cơ chịu thiệt hại nặng nề.

Lạm phát và lãi suất tăng khiến chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ giảm 21% trong 6 tháng đầu năm – tệ nhất kể từ 1970.

Lạm phát và lãi suất tăng khiến chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ giảm 21% trong 6 tháng đầu năm – tệ nhất kể từ 1970.

Thứ duy nhất tăng trong nửa đầu năm có lẽ là giá hàng hóa thương phẩm. Giá dầu tăng trên 100 USD/thùng và giá xăng ở nhiều nước đạt kỷ lục sau khi chiến tranh Nga-Ukraine làm giảm lượng nhập khẩu từ Nga – nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 thế giới.

Nhà đầu tư dường như chỉ đồng thuận về một điều: sắp có nhiều biến động ở phía trước. Đó là bởi vì các ngân hàng trung ương từ Mỹ đến Ấn Độ hay New Zealand có kế hoạch tiếp tục tăng lãi suất để cố gắng kiềm chế lạm phát. Những động thái này có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng, đẩy các nền kinh tế vào suy thoái và gây thêm xáo trộn trên các thị trường.

Katie Nixon – giám đốc đầu tư của Northern Trust Wealth Management – cho biết: “Đó là rủi ro lớn nhất hiện tại – lạm phát và Fed”.

Bà Nixon cho biết bà sẽ theo dõi chặt chẽ các dữ liệu kinh tế để đánh giá mức độ mà việc tăng lãi suất ảnh hưởng đến tăng trưởng trong vài tháng tới. Công ty của bà vẫn đang nắm giữ cổ phiếu, đặt cược rằng nền kinh tế sẽ chậm lại nhưng tránh được suy thoái. Công ty cũng đổ tiền vào các doanh nghiệp liên quan đến tài nguyên thiên nhiên, có thể chống chịu được lạm phát kéo dài hơn dự kiến. “Bạn không muốn bị thị trường đánh lừa”, bà nói.

Tin tốt cho các nhà đầu tư là thị trường không phải lúc nào cũng xấu sau khi giảm mạnh trong nửa đầu năm. Trên thực tế, lịch sử cho thấy điều ngược lại thường xảy ra. Khi S&P 500 giảm ít nhất 15% trong 6 tháng đầu năm – giống như vào các năm 1932, 1939, 1940, 1962 và 1970 – nó tăng trung bình 24% trong nửa cuối năm, theo Dow Jones Market Data.

Một lý do khiến thị trường thường quay đầu sau những đợt bán tháo lớn: Nhà đầu tư mua vào vì cho rằng giá đã giảm quá nhiều. Các nhà quản lý quỹ hiện có vị thế tiền mặt lớn hơn mức trung bình, vị thế cổ phiếu nhỏ hơn mức trung bình và mức độ bi quan cao rõ rệt về nền kinh tế, theo khảo sát tháng 6 của ngân hàng Bank of America. Những yếu tố đó, cùng với những yếu tố khác, khiến thị trường có vẻ “quá bán” – và do đó có điều kiện phục hồi, các chiến lược gia của ngân hàng cho biết trong một báo cáo riêng.

Nhưng ngay cả những người đang tìm kiếm cơ hội mua vào cũng cho biết họ đang tập trung vào các công ty cụ thể, thay vì mua trên diện rộng. Họ thừa nhận rằng môi trường kinh tế hiện tại – trong đó lạm phát cao, chi phí đi vay tăng và tăng trưởng dự kiến ​​– khiến cho họ không hứng thú với nhiều lĩnh vực của thị trường.

Các nhà kinh tế được Wall Street Journal khảo sát vào tháng 6 cho biết họ dự báo khả năng xảy ra suy thoái ở Mỹ trong 12 tháng tới là 44%, so với 18% trong khảo sát hồi tháng 1.

Lịch sử cũng chỉ ra rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hiếm khi có thể thực hiện được “hạ cánh mềm” – một kịch bản trong đó họ làm cho nền kinh tế chậm lại đủ để kiềm chế lạm phát nhưng không đến mức gây ra suy thoái. Theo nghiên cứu từ Fed St. Louis, Mỹ rơi vào suy thoái 4 trong 6 lần Fed thắt chặt chính sách tiền tệ kể từ những năm 1980.

Lauren Goodwin – nhà kinh tế và chiến lược danh mục đầu tư tại New York Life Investments – cho biết: “Đường băng để Fed cố gắng hạ cánh mềm không chỉ hẹp mà còn quanh co và gập ghềnh”.