Khi các nền kinh tế có ít ca nhiễm Covid-19 ở châu Á – Thái Bình Dương bắt đầu tăng tốc độ tiêm chủng chậm chạp, một câu hỏi khó đặt ra sau đại dịch: một xã hội nên chấp nhận bao nhiêu ca tử vong?
Các nước có tỷ lệ nhiễm Covid-19 thấp như Australia, New Zealand, Hong Kong, Singapore và Việt Nam đã cứu sống vô số sinh mạng bằng cách đóng cửa biên giới, phong tỏa lẻ tẻ và các biện pháp ngăn cách xã hội. Thậm chí nếu họ có thể đạt được tỷ lệ tiêm vaccine cao, các nước vẫn có thể sẽ phải đối mặt với số ca tử vong do coronavirus chưa từng có nếu họ muốn quay trở lại cuộc sống trước đại dịch.
Khả năng miễn dịch cộng đồng – ngưỡng chấm dứt sự lây truyền trên diện rộng, mà các chuyên gia hiện đang đặt ở mức trên 80% dân số – được cho là vẫn nằm ngoài khả năng của nhiều nước do sự chần chừ tiêm vaccine và sự xuất hiện của các chủng vi rút đột biến.
Ngay cả khi có thể đạt tới ngưỡng đó, các đợt bùng phát nhỏ và lẻ tẻ vẫn có khả năng xảy ra một khi các chính phủ nới lỏng các hạn chế biên giới để ngăn chặn virus, nhằm tránh số lượng tử vong lớn như ở Bắc Mỹ và châu Âu, nơi đã báo cáo khoảng 1,8 triệu ca tử vong. Trong số những người không tiêm vaccine, một số ít người sẽ ốm và chết. Trong các trường hợp hiếm hơn, ngay cả những người đã được tiêm phòng đầy đủ cũng có nguy cơ tử vong.
Catherine Bennett, một chuyên gia y tế công cộng và nhà dịch tễ học tại Đại học Deakin ở Melbourne cho biết: “Với việc Covid-19 lưu hành, nó sẽ trở thành một bệnh truyền nhiễm và có thể gây tử vong, nhưng đối với hầu hết mọi người, có thể phòng ngừa tử vong và hậu quả nghiêm trọng bằng vaccine”.
Trong khi phần lớn thế giới phải đối mặt với tình trạng tử vong và lây nhiễm hàng loạt trong thời kỳ đại dịch, nhiều nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương vẫn giữ tỷ lệ tử vong dưới mức của một mùa cúm điển hình. Về sau, điều đó sẽ khiến họ phải đối mặt với những quyết định khó khăn mà các nhà chức trách dường như không muốn thảo luận hoặc thậm chí thừa nhận. Trừ khi họ chấp nhận bị chia cắt với thế giới vô thời hạn, ngay cả khi Bắc Mỹ và châu Âu bắt đầu lại du lịch và học cách sống chung với virus, các xã hội tránh được điều tồi tệ nhất của đại dịch cuối cùng sẽ phải đánh giá lại khả năng chịu đựng của họ đối với cái chết.
“Sẽ rất khó tập trung lại và nhìn vào bức tranh tổng quát bởi vì mọi người đã bị làm khiếp sợ đến mức tập trung một cách phiến diện vào số người chết vì Covid-19”, Julian Savulescu, nhà triết học và nhà lý thuyết sinh học của Đại học Oxford và Đại học Melbourne, cho biết. “Đã có rất ít hoặc không có cuộc thảo luận trung thực nào về giá trị của cuộc sống, chúng ta nên chi bao nhiêu để cứu một mạng người, chúng ta nên xem xét tuổi thọ và chất lượng cuộc sống như thế nào, rủi ro đối với các nhóm cụ thể, giá trị của tự do và các chi phí liên quan đến cuộc sống của người khác và hạnh phúc của các chính sách được thông qua”.
Nancy Jecker, giáo sư đạo đức sinh học tại Đại học Washington, người đóng vai trò cố vấn cho Trung tâm Đạo đức sinh học tại Đại học Trung văn Hương Cảng, cho biết các xã hội cần có một cuộc thảo luận cởi mở về mức độ tử vong và nhiễm bệnh có thể chấp nhận được.
“Sẽ là hữu ích nếu chúng ta làm rõ các giá trị của mình về rủi ro bằng cách nói trực tiếp hơn về điều này trong các gia đình và cộng đồng của chúng ta”, bà nói. “Cũng sẽ rất hữu ích nếu các nhà lãnh đạo chính phủ và các nhân vật công chúng mô hình hóa điều này”.
Những tín hiệu từ vaccine
Chưa rõ xã hội có thể kỳ vọng bao nhiêu trường hợp tử vong do Covid-19 sau khi các đợt tiêm chủng đạt đến đỉnh điểm, mặc dù một số chuyên gia y tế công cộng tin rằng với mức độ bao phủ vaccine đủ cao, số ca tử vong có thể giảm xuống mức tương đương với bệnh cúm theo mùa.
Các quốc gia đã đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine cao – chẳng hạn như Mỹ, Israel và Anh đưa ra một số manh mối. Ở Mỹ, nơi có khoảng 63% người trưởng thành đã được tiêm ít nhất một liều, có trung bình 361 ca tử vong mỗi ngày trong tuần kết thúc vào ngày 13/6. Ở Anh, nơi 3/4 dân số đã được tiêm một liều nhưng số ca nhiễm đang gia tăng do sự lan rộng của biến thể Delta lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ, trung bình có 9 trường hợp tử vong trong cùng kỳ. Israel, quốc gia đã tiêm liều đầu tiên cho khoảng 63% dân số, đã ghi nhận trung bình 2 ca tử vong mỗi ngày.
Mặc dù cả 3 quốc gia đều chứng kiến số người chết giảm đáng kể kể từ đỉnh điểm của đại dịch, tỷ lệ tử vong do Covid-19 của họ vẫn cao hơn nhiều so với tỷ lệ ở Úc, New Zealand, Hồng Kông, Singapore hoặc Việt Nam – 5 khu vực với tổng số khoảng 1.240 người chết.
Australia và Hong Kong tăng cường triển khai vaccine trong những tuần gần đây sau khởi đầu chậm chạp, với hơn 20% người dân được tiêm ít nhất một liều. New Zealand đã cung cấp ít nhất một liều cho khoảng 10% dân số, trong khi Việt Nam, đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nguồn cung trầm trọng, chỉ đạt chưa đến 2% công dân của mình. Singapore, quốc gia có tốc độ triển khai nhanh nhất trong khu vực, đã tiêm một liều cho gần 45% dân số của mình.
Margaret Hellard, giám đốc Viện Burnet có trụ sở tại Melbourne, tuần trước cho biết các nhà chức trách có thể cần liên tục “đưa ra các biện pháp và hạn chế y tế công cộng để kiểm soát dịch bùng phát” thậm chí với tỷ lệ bao phủ vaccine cao.
Mặc dù vậy, các xã hội đã chịu đựng được số người chết cao hơn nhiều từ bệnh cúm trước đại dịch.
Tại New Zealand, nơi chỉ có 26 người chết vì Covid-19, các nhà nghiên cứu tại Đại học Otago vào năm 2017 ước tính rằng quốc gia này chứng kiến khoảng 500 ca tử vong do cúm mỗi năm. Tại Hồng Kông, nơi đã báo cáo 210 trường hợp tử vong vì đại dịch, một bài báo năm 2004 được xuất bản trên tạp chí Clinical Infectious Diseases cho thấy hơn 1.000 người chết vì bệnh liên quan đến cúm hàng năm.
Charles Kenny, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu ở Washington và là tác giả của cuốn sách The Plague Cycle (tạm dịch: Chu kỳ bệnh dịch), tin rằng các nền kinh tế “không Covid-19” có thể hướng tới tỷ lệ tử vong thậm chí thấp hơn so với số người chết liên quan đến bệnh cúm. Điều này là nhờ tính hiệu quả của vaccine, đặc biệt là nếu đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao trên toàn thế giới.
Viện Burnet tuần trước ước tính rằng nếu không có các biện pháp chống đại dịch, bao gồm cả việc đóng cửa, bang Victoria của Úc sẽ chứng kiến 4.885 trường hợp tử vong nếu virus xâm nhập vào cộng đồng với tỷ lệ bao phủ vaccine 60%, và 1.346 trường hợp tử vong với tỷ lệ bao phủ 95%. Cả 2 con số này đều sẽ cao hơn nhiều so với con số chính thức của mùa cúm năm 2017 ở Úc, khi 1.255 người chết trên khắp đất nước, mức cao nhất từng được ghi nhận.
Các nhà chức trách ít đưa ra các chi tiết cụ thể khi nói đến mức độ bệnh tật và tử vong mà họ sẵn sàng chấp nhận để mở cửa trở lại với thế giới. Mặc dù khi điều kiện được cải thiện, họ đã nâng nới lỏng từng phần việc kiểm soát biên giới, chẳng hạn như sử dụng bong bóng du lịch và giảm cách ly đối với những khách du lịch đã được tiêm chủng từ các khu vực có nguy cơ thấp.
Thủ tướng Úc Scott Morrison, người đã nói về việc đóng cửa biên giới cho đến ít nhất là giữa năm 2022, đã tuyên bố sẽ không nới lỏng các hạn chế đối với việc đi lại cho đến khi “an toàn”. Đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam đã chỉ ra rằng tỷ lệ tiêm chủng cao, cùng với các biện pháp kiểm soát dịch bệnh khác, sẽ “có lợi cho việc mở lại biên giới”, mặc dù sự an toàn của người dân là trên hết.
“An toàn” có nghĩa là gì?
Ít người dám thử định nghĩa chính xác cụm từ mang tính chủ quan như “an toàn”, một công việc dường như có phần nguy hiểm.
Tháng trước, Giám đốc điều hành Virgin Australia Jayne Hrdlicka đã phải đối mặt với những lời kêu gọi tẩy chay và hàng loạt chỉ trích, bao gồm cả từ thủ tướng, sau khi bà đề xuất biên giới của Úc nên mở lại sau khi đủ số người đã được tiêm chủng mặc dù “một số người có thể chết”.
Bennett, nhà dịch tễ học của Đại học Deakin, nói rằng thay vì nhắm vào một số lượng cụ thể các trường hợp tử vong có thể chấp nhận được, các xã hội nên học cách coi Covid-19 là “một trong những tác nhân truyền nhiễm có thể đóng góp vào số lượng tử vong của chúng ta”.
“Những người cao tuổi của chúng ta sẽ không chống chọi được với bệnh viêm phổi, cúm hoặc Covid-19, hoặc bất kỳ bệnh lý nào khác”, bà nói. “Chúng ta không nên chỉ báo cáo các trường hợp tử vong do Covid-19 hàng ngày”.
Savulescu, nhà đạo đức sinh học của Đại học Oxford, cho biết một cách để tiếp cận vấn đề xác định gánh nặng bệnh tật hợp lý là không tính các trường hợp tử vong sau một độ tuổi nhất định.
“Cá nhân tôi nghĩ rằng thật sai lầm khi tính cái chết của một cụ già 80 tuổi bị sa sút trí tuệ giống như một người đàn ông 40 tuổi khỏe mạnh có một gia đình trẻ”, ông nói. “Nhưng chúng được tính giống nhau bởi các chính phủ trên toàn thế giới. Tôi không nghĩ rằng chỉ số người chết mới là vấn đề quan trọng mà còn là tuổi thọ và chất lượng cuộc sống bị mất đi”.
Mặc dù việc cố gắng đo lường giá trị của cuộc sống con người có vẻ vừa nhẫn tâm và vừa phức tạp, nhưng trên thực tế, các chính phủ thường làm điều đó khi xác định liệu các chính sách quản lý và điều trị y tế có xứng đáng với chi phí bỏ ra hay không.
Tổ chức Y tế Thế giới coi một phương pháp điều trị là hiệu quả về chi phí nếu nó được định giá thấp hơn 3 lần GDP bình quân đầu người của một nền kinh tế cho mỗi một năm sức khỏe tốt mà nó cung cấp – một thước đo được gọi là “năm sống điều chỉnh theo chất lượng”.
Các nhà chức trách cũng sử dụng một thước đo được gọi là giá trị của cuộc sống thống kê, còn được gọi là VOSL, để định lượng lợi ích kinh tế của việc cứu một mạng người. Tại Hồng Kông, một cuộc đánh giá của chính phủ về các tiêu chuẩn chất lượng không khí vào năm 2019 đã đặt giá trị của một sinh mạng trong thành phố là 18 triệu đô la Hồng Kông.
Jecker, giáo sư Đại học Washington, cho biết chỉ riêng khoa học không thể trả lời câu hỏi về việc các chính phủ nên theo đuổi chiến lược nào.
“Những câu hỏi này vốn là những câu hỏi về giá trị”, bà nói. “Việc trả lời chúng phụ thuộc vào đặt lên bàn cân các giá trị như tự do cá nhân, sức khỏe cộng đồng và an toàn, thiệt hại về tính mạng và nghĩa vụ đối với những người có nguy cơ bị nhiễm bệnh và tử vong cao nhất”.
Roberto Bruzzone, đồng giám đốc của viện HKU-Pasteur Research Pole ở Hồng Kông, chỉ trích việc thiếu các thảo luận “duy lý” về rủi ro có thể chấp nhận được trong đại dịch.
“Tất cả chúng ta đều là người phàm nhưng dường như đã quên đi sự thật đơn giản này”, ông nói. “Xã hội nên có một cuộc thảo luận toàn diện để giải thích cuộc khủng hoảng này và đi tiếp: chúng ta không thể tiếp tục xuất bản bản tin chiến tranh hàng ngày về số ca nhiễm và số người chết trên mỗi quốc gia”.
Bruzzone cho biết “gánh nặng bệnh tật có thể chấp nhận được” theo quan điểm của ông là mức mà hệ thống y tế có khả năng giải quyết mà không trở nên quá tải.
“Chúng ta nên thảo luận, đưa ra những con số, nói về số người đã chết vì bệnh cúm ở Hồng Kông, tai nạn giao thông và bệnh viêm phổi mắc phải từ cộng đồng”, ông nói, cho biết thêm rằng các chính phủ nên đưa ra lịch trình mở cửa lại biên giới. “Nếu mọi người không muốn tiêm chủng, đó là sự lựa chọn của họ, nhưng nếu chính phủ khuyến nghị tiêm chủng, thì những người không tuân thủ không nên ảnh hưởng đến các chính sách y tế công cộng”.
Calvin Ho, một chuyên gia về luật và đạo đức y tế tại Đại học Hồng Kông, cho biết rất khó để các nhà chức trách đưa ra các ngưỡng rõ ràng trong tình hình đại dịch thay đổi liên tục, nhưng điều quan trọng là phải cho công chúng biết rõ về tương lai sẽ như thế nào.
“Kỳ vọng là Covid-19 cuối cùng sẽ trở nên giống cúm hơn và vào thời điểm đó nên được coi như cúm”, ông nói. “Từ quan điểm đạo đức, điều quan trọng là các chính phủ phải đưa người dân của họ tham gia vào cuộc đối thoại có ý nghĩa về cách thức có thể trở lại bình thường, lưu ý đến những gánh nặng bổ sung mà hệ thống y tế có thể gánh chịu”.
Ông Ho nói rằng ông tin rằng cả chính quyền Hồng Kông và công chúng đều không nghĩ rằng có thể tránh được Covid-19 mãi mãi.
“Thay vào đó, kỳ vọng có thể là Covid-19 cuối cùng sẽ trở thành giống cúm, hoặc có thể biến mất – giống như Sars – vì vậy những bất tiện hiện tại đơn giản là có thể tạm chấp nhận được”, ông nói.