VNReport»Kinh tế»Tài chính»Chứng khoán toàn cầu giảm sâu nhất trong một ngày kể từ tháng 6/2020

Chứng khoán toàn cầu giảm sâu nhất trong một ngày kể từ tháng 6/2020

09:24 - 10/05/2022

Các tài sản rủi ro đang bị bán tháo khi nhà đầu tư lo ngại về nguy cơ suy thoái của các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Hôm thứ Hai, chứng khoán toàn cầu hứng chịu đợt sụt giảm tồi tệ nhất trong một ngày kể từ những tháng đầu của đại dịch Covid-19. Điều này cho thấy sự lo lắng của giới đầu tư trước những dấu hiệu suy giảm của các nền kinh tế lớn trên thế giới, khi các ngân hàng trung ương đang giảm dần những biện pháp kích cầu trong thời khủng hoảng.

Chỉ số chứng khoán toàn cầu FTSE All-World giảm 3% trong ngày, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2020 và xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020.

Lo ngại về lãi suất tăng càng lớn hơn bởi những dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn trên toàn cầu có thể đang chậm lại. Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm vào tháng trước, theo dữ liệu công bố hôm thứ Hai, theo sau các báo cáo tuần trước chỉ ra sự chậm lại trong lĩnh vực sản xuất của Đức và Pháp.

Chứng khoán toàn cầu giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2020 và xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020.

Chứng khoán toàn cầu giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2020 và xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020.

Chỉ số S&P 500 của Mỹ giảm 3,2% và Chỉ số Tổng hợp Nasdaq tập trung vào công nghệ giảm 4,3%. Chỉ số Stoxx 600 khu vực của Châu Âu giảm 2,9%, trong khi CSI 300 của Trung Quốc giảm 0,8% và Topix của Tokyo giảm 2%.

Joost van Leenders, chiến lược gia cổ phiếu tại Kempen Capital Management, cho biết: “Rất khó để nói liệu mọi thứ đã đủ thấp chưa”. Ông cho biết thêm rằng các nhà đầu tư không còn kỳ vọng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ưu tiên ổn định thị trường tài chính, như từng làm trong thời kỳ đầu của đại dịch.

Dầu thô Brent – tiêu chuẩn dầu quốc tế – giảm gần 6% xuống 105,94 USD/thùng, phản ánh lo ngại về nhu cầu yếu hơn.

Giá hợp đồng tương lai khí đốt tự nhiên thậm chí còn giảm mạnh hơn dầu thô, với hợp đồng giao gần nhất của Henry Hub giảm hơn 12% vào buổi chiều tại Mỹ, xuống chỉ còn hơn 7 USD/BTU.

Các nhà phân tích cho biết dự báo về thời tiết ấm hơn ​​ở Mỹ và một đợt bơm hàng khổng lồ nữa vào các kho dự trữ một phần là nguyên nhân dẫn đến đợt bán tháo, diễn ra sau khi hợp đồng Henry Hub đạt mức cao nhất trong 14 năm vào tuần trước.

Tuần trước, Fed đã nâng lãi suất chính của mình thêm 0,5 điểm phần trăm và báo hiệu rằng nhiều đợt tăng tương tự sắp diễn ra khi cơ quan này cố gắng hạ nhiệt lạm phát.

Nicholas Colas, đồng sáng lập của DataTrek Research, cho biết: “Không ai biết chắc liệu nó có đủ để dập tắt lạm phát trong tương lai hay không … Điều đó gây ra tất cả các biến động thị trường gần đây”. Các nhà kinh tế dự báo dữ liệu công bố hôm thứ Tư tuần này sẽ cho thấy giá tiêu dùng của Mỹ tăng 8,1% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái.

Lãi suất tăng đã làm thay đổi sâu sắc tính toán của các nhà đầu tư về phần vốn họ nên sử dụng cho các tài sản rủi ro. Bitcoin – được coi là một tài sản có tính đầu cơ cao – giảm hơn 10% vào thứ Hai và xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6 năm ngoái.