VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Chuỗi cà phê Nhật Bản vào thị trường Việt Nam

Chuỗi cà phê Nhật Bản vào thị trường Việt Nam

11:43 - 24/11/2021

Mới đây, chuỗi cà phê nổi tiếng mang tên %Arabica đến từ Nhật Bản thông báo sắp mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. 

Trên fanpage chính thức của mình, thương hiệu cà phê đến từ Nhật Bản tiết lộ đã có ý định tìm kiếm địa điểm để mở cửa hàng tại Việt Nam từ năm 2019 khi bị thu hút bởi con người, ẩm thực, văn hóa nơi đây. Dự kiến cửa hàng đầu tiên của chuỗi cà phê Nhật Bản sẽ được đặt tại tòa nhà The Cafe Apartment nổi tiếng nằm trên phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Đây là một tòa chung cư đã khá cũ nhưng tập trung rất nhiều quán cà phê cho đến các cửa hàng thời trang, cửa hàng quà tặng… Bởi vậy địa điểm này luôn thu hút nhiều bạn trẻ và thậm chí trở thành địa điểm “phải đến” với du khách khi tới TP HCM.

%Arabica là thương hiệu cà phê nổi tiếng đến từ Nhật Bản

Được biết, %Arabica là chuỗi cà phê nổi tiếng bậc nhất tại Kyoto (Nhật Bản), được thành lập bởi Kenneth Shoji. Ban đầu, người đàn ông này định mở cửa hàng đầu tiên tại HongKong và dự định vận hành một chuỗi quán nhỏ với tối đa 10 địa điểm. Nhưng kế hoạch đã thay đổi đột ngột ngay sau khi ông mở quán cà phê hàng đầu ở Kyoto vào năm 2014.

Sau khi gây dựng thành công thương hiệu tại nước nhà, %Arabica bắt đầu mở rộng ra nhiều thị trường từ châu Á tới châu Âu và Mỹ như Canada, Ả Rập Xê Út, Myanmar, Ấn Độ, Ý, Mexico, Hàn Quốc, Mỹ… Hiện thương hiệu này có 108 cửa hàng tại 18 quốc gia, hầu hết là cửa hàng nhượng quyền, trừ 3 chi nhánh ở Kyoto.

Nhà sáng lập %Arabica có kế hoạch mở thêm 30 quán cà phê trên toàn thế giới vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, ông chỉ chọn những địa điểm mang tính biểu tượng tại mỗi quốc gia thay vì mở tràn lan.

Theo nghiên cứu của Euromonitor, thị trường chuỗi cà phê và trà Việt Nam có quy mô khoảng 1 tỷ USD/năm. Điều này cho thấy thị trường cà phê nội địa rất hấp dẫn và ngày càng thu hút các thương hiệu kinh doanh cà phê chuỗi gia nhập thị trường, tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng…

Mặc dù các thương hiệu đua nhau mở ra nhưng suốt thời gian qua thị trường cà phê đã chứng kiến không ít phải rời cuộc chơi. Có thể kể tới như chuỗi cà phê New York Dessert Café – NYDC. Với khoản đầu tư từ Tập đoàn SUTL (Singapore), thời điểm hoàng kim NYDC sở hữu 6 cửa hàng tại TP HCM. Tuy nhiên đến tháng 7/2016, cửa hàng cuối cùng của NYDC tại Metropolitan (TP HCM) đóng cửa, kết thúc hơn 7 năm kinh doanh tại thị trường Việt. Hay chuỗi Gloria Jean’s Coffee (Australia) mở cửa lần đầu vào năm 2006 qua hợp đồng nhượng quyền thương mại, Gloria tham vọng đạt kết quả kinh doanh ở Việt Nam như từng có tại Thái Lan và Malaysia. Dù vậy đến tháng 4/2017, chuỗi cà phê nổi tiếng này cũng đã rút lui khỏi thị trường vì kinh doanh không như mong đợi.

Ngoài ra còn một loạt tên tuổi khác như Coffee Bar – chuỗi cà phê nổi tiếng châu Âu, hay Coffee Bene của Hàn Quốc. Mang theo tham vọng lớn vào thị trường Việt nhưng các chuỗi này đều phải rời đi khi số cửa hàng mới chỉ đếm trên đầu ngón tay…

Theo các chuyên gia, với sức hấp dẫn tỷ đô, việc các thương hiệu nước ngoài tham gia thị trường là đương nhiên. Vấn đề còn lại là làm sao phục vụ được gu uống cà phê hoặc gu thưởng thức nói chung của người Việt, đồng thời là thách thức trong kinh doanh như giá thuê mặt bằng cao, nhiều thương hiệu đầu tư lớn để đua top dẫn đầu… Và đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội.

Với sự góp mặt của ngày càng nhiều tay đua mới trên thị trường, ai sẽ là người đi nhanh về tắt, ai sẽ rời cuộc chơi vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ mà chính những thương hiệu tham chiến thị trường mới có thể tìm được lời giải đáp.